Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất

Kim |

Bộ manga nổi tiếng dường như đã hé lộ cho độc giả quá khứ một phần tương lai. Và ngày nay, chúng ta chứng kiến những món bảo bối của Doraemon lần lượt bước ra đời thực.

Tháng 12 năm 1969, một chú mèo máy không tai chính thức ra mắt độc giả và thế giới chuyển mình theo từng trang truyện, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Được sáng tác và minh họa bởi hai tài năng Nhật Bản, Hiroshi Fujimoto (1933 - 1996) và Motoo Abiko (1934 - 2022), bộ truyện tranh Doraemon ngay lập tức chinh phục độc giả mọi lứa tuổi bằng những câu chuyện đời thường dí dỏm, được kể thông qua mối quan hệ của một nhóm bạn học trong khu phố, một chú mèo máy toàn năng tới từ tương lai và những món bảo bối tưởng như không tồn tại trong thực tế.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 1.

Hiroshi Fujimoto (trái) và Motoo Abiko (phải), cặp kè đứa con cưng Doraemon ở giữa - Ảnh: Internet.

Độc giả Việt Nam không lạ lùng gì nhân vật Doraemon và những món bảo bối tới từ tương lai, nhưng thời gian có thể khiến ký ức lu mờ, khiến những người từng đọc Doraemon bỗng quên đi sức mạnh của trí tưởng tượng. Lấy bút danh Fujiko F. Fujio, hai nghệ sĩ Nhật Bản dường như đã dự đoán trước tương lai bằng trí óc phong phú của mình.

Theo lời tác giả, Doraemon có tổng cộng 1.293 bảo bối. Còn dựa trên một bài phân tích đăng tải năm 2004 của nhà nghiên cứu Yasuyuki Yokoyama tới từ Đại học Toyama, Doraemon đã trình làng 1.963 bảo bối trong 1.344 mẩu truyện. Rất nhiều trong số chúng đã bước từ trang truyện ra thế giới chúng ta đang sống.

Thời gian có hạn không cho phép tôi rà soát toàn bộ danh sách liệt kê số bảo bối khổng lồ, nên có lẽ dưới đây chỉ là một trong nhiều món đồ được Fujiko F. Fujio tiên đoán sẽ xuất hiện.

Tới từ tương lai, Doraemon đã sở hữu ít nhất 2 phiên bản hoàn thiện của ChatGPT

Đầu tiên, đó là hòm thư trả lời tự động.

Bố Nobita quên gửi thư hộ vợ, và ông đứng trước nguy cơ ăn đòn thay cơm. Để cứu bố khỏi một bàn thua trông thấy, Doraemon rút từ trong túi thần kỳ ra một hòm thư có khả năng tự viết thư trả lời.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 3.

Công nghệ tới từ tương lai đã cứu ông Nobi như thế nào - Ảnh: Internet.

Bức thư được máy tạo ra có văn phong chân thực, rất giống với những gì chủ thể mà lá thư nhắm tới có thể viết ra. Có thể khẳng định điều này bởi mẹ Nobita hồ hởi đọc nội dung bức thư mà không hề nghi ngờ, và Suneo hoảng sợ tột cùng khi thấy Jaian có thể phản hồi như thế nào khi nhận một bức thư đả kích.

Món đồ thứ hai có thể so sánh được với ChatGPT là cây bút thần kỳ. Chỉ cần cầm nó lên tay, người sử dụng có thể giải quyết được mọi vấn đề hiện hữu trên tờ giấy trước mặt. Nếu như ChatGPT có một kho tàng tri thức hoàn chỉnh và khả năng nhận biết đúng - sai với độ chính xác tuyệt đối, nó cũng có thể trở thành cây bút thần kỳ của Doraemon.

Thật đáng ngạc nhiên, hai món bảo bối này xuất hiện ngay trong tập 1 của Doraemon, xuất bản ngày 31 tháng 7 năm 1974.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 4.

Bằng cây bút tự động giải quyết vấn đề, Nobita có thể làm cả công việc bàn giấy của người lớn - Ảnh: Internet.

Phần mềm kiến tạo hình ảnh từ dữ liệu nhập vào, tương tự DALL-E hay MidJourney

Nobita bị tuần san thiếu nhi từ chối đăng tải tác phẩm truyện tranh, và Doraemon lập tức rút ra từ trong túi 4 chiều ra ba món bảo bối: một robot biên tập, một hộp sản xuất truyện tranh và một máy in chế bản để giúp cậu chàng hậu đậu thỏa ước mơ lên báo.

Về cơ bản, robot sẽ lên kế hoạch biên tập nội dung theo yêu cầu, hộp sẽ in ra một bộ truyện tranh dựa trên dữ liệu đầu vào, và máy in sẽ lập tức sản xuất tạp chí dựa trên ảnh và tư liệu.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 5.

Ba món bảo bối thần kỳ của Doraemon - Ảnh: Internet.

Ba hệ thống này là nỗ lực phỏng đoán tương lai của Fujiko F. Fujio, và đã phần nào trở thành sự thực. Những hệ thống trí tuệ nhân tạo/học máy hiện tại đều đã và đang xử lý một cơ sở dữ liệu khổng lồ và trả ra kết quả có nghĩa trong con mắt chúng ta.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 6.

Nobita nhập dữ liệu, và máy tính đã cho ra kết quả như ý - Ảnh: Internet.

ChatGPT + Máy sản xuất phim hoạt hình

Đúng như tên gọi của nó, thiết bị này sẽ tự động sản xuất một bộ phim hoạt hình dựa trên dữ liệu bao gồm kịch bản và hình ảnh nhân vật. Doraemon và Nobita chỉ nêu ý tưởng là cỗ máy đã có thể cho ra kịch bản đúng yêu cầu. Thậm chí, chất lượng bộ phim đã được ba … chuyên gia phê bình là Jaian, Suneo và Shizuka đánh giá cao.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 7.

Cỗ máy vừa có thể cho ra nội dung chữ, lại vừa có thể sản xuất hình ảnh - Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, trang cuối cùng của mẩu truyện ngắn cho thấy Nobita hay Doraemon chẳng góp được công sức gì cho sản phẩm sinh ra từ máy cả. Họa chăng, Doraemon đã có công bấm nút vận hành.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 8.

Sản phẩm cuối cùng vẫn do máy (kể cả Doraemon) làm nên - Ảnh: Internet.

Máy bay không người lái (drone)

Nobita đánh vỡ bình hoa trong lớp và bị Suneo phát hiện. Cậu chàng mỏ nhọn đã tận dụng điều này để uy hiếp Nobita, bắt cậu bé bốn mắt phải nghe lời mình.

Biết chuyện, Doraemon đã sử dụng một chiếc đèn pin phục hồi để chữa lành chiếc bình, đồng thời giới thiệu một cặp tai, mắt có thể tự động theo gót Suneo, hòng tìm “phốt” giúp Nobita trả đũa.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 9.

Thiết bị theo dõi bao gồm camera và mic - Ảnh: Internet.

Ở thế kỷ 21 này, đèn pin phục hồi vật thể đã vỡ nghe chừng vẫn còn xa vời (thực tế, công nghệ này vẫn còn bất khả thi), thế nhưng công nghệ theo dõi đã tiến bộ lắm rồi.

Một thiết bị gắn camera và mic ghi âm có thể dùng vào công tác theo dõi, trinh thám đã không còn quá xa lạ. Đồ công nghệ ngày một nhỏ gọn và tinh tế, một ngày không xa chúng ta sẽ sở hữu những thiết bị drone gắn cả camera và mic, và có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.

Thiết bị tạo ra môi trường thực tế ảo

Từ thế kỷ trước, tác giả Fujiko F. Fujio đã mường tượng tới khả năng mang quang cảnh xa lạ vào trong căn nhà mình đang ở. Bằng việc phủ lên thực tại khả kiến một lớp đồ họa của thực tế ảo, chúng ta có thể đưa rừng rậm Châu Phi, hay như sáng kiến của Doraemon là mang khu nghỉ dưỡng nước nóng về nhà.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 10.

Bảo bối của Doraemon có thể thay đổi quang cảnh trong phòng - Ảnh: Internet.

Cũng giống công nghệ thực tế tăng cường ( Augmented Reality - AR ), thiết bị sẽ chỉ đánh lừa thị giác, chứ không thể đánh lừa xúc giác hay khứu giác của người dùng.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 11.

Trong tranh, hình vẽ đứt đoạt mô tả cái bồn tắm. Thiết bị của Doraemon đã tạo nên một lớp thực tại ảo phủ lên thực tế, đánh lừa thị giác cả gia đình - Ảnh: Internet.

Công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường còn xuất hiện trong một số tập truyện ngắn khác, đơn cử như “áo khoác phóng đại”. Người khoác áo này sẽ thấy những vật thể đời thường khoác lên mình một ảo ảnh thị giác, ví dụ như xe hàng biến thành khủng long, hay sân cỏ biến thành một khu rừng rậm bí ẩn đầy thú hoang.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 12.

Áo khoác đã biến khung cảnh, vật thể xung quanh Nobita và Shizuka thay đổi - Ảnh: Internet.

Công nghệ in 3D

Công nghệ in 3D không còn xa lạ với người dân của thế kỷ 21, nhưng ở thời Fujiko F. Fujio nó mới là khoa học viễn tưởng thuần túy. Trong tập truyện Máy Sản Xuất Máy, Doraemon lôi từ trong túi thần kỳ ra một thiết bị sử dụng nguyên vật liệu để chế tạo vật phẩm theo bản vẽ cho trước.

Bằng Máy Sản Xuất Máy, Doraemon đã có thể biến bản vẽ chiến hạm của Nobita thành một món đồ chơi điều khiển từ xa. Nhưng đó chưa phải tất cả …

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 13.

Cách thức Máy Sản Xuất Máy hoạt động - Ảnh: Internet.

Cũng trong tập truyện ngắn này, Doraemon còn mang từ trong túi ra một vật phẩm có một cái tên rất đơn giản: Máy Thiết Kế. Nó có thể nhận bản vẽ xấu xí của Nobita và cho ra một bản thiết kế chiến hạm chi tiết.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 14.

Máy thiết kế của Doraemon có thể biến bản vẽ của Nobita thành một bản thiết kế hoàn chỉnh - Ảnh: Internet.

Máy Thiết Kế của Doraemon không khác gì phần mềm Chimera Painter của Google, vốn có thể biến một bản vẽ nháp đơn giản thành một bức tranh sống động.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 15.

Ảnh chụp màn hình phần mềm Chimera Painter của Google - Ảnh: The Verge.

Thiết bị theo dõi, có trước cả khi GPS chính thức được công bố

Lịch sử ghi rõ dự án GPS (Global Positioning System - Hệ thống Định vị Toàn cầu) được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ khởi động năm 1973, và nguyên mẫu đầu tiên được phóng lên không vào năm 1978. Từ Doraemon tập 9, xuất bản ngày 1/11/1975, tác gia Fujiko F. Fujio đã mô tả một hệ thống chip định vị không khác gì AirTag của Apple.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 16.

Bạn bè Nobita gắn huy hiệu lên người, không hề hay biết chúng là thiết bị định vị - Ảnh: Internet.

Phát cho bạn bè mỗi người một cái huy hiệu, Nobita đã có thể biết vị trí của bạn bè bằng một thiết bị tablet. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm năm 1975, Fujiko F. Fujio đã chỉ cho độc giả thấy những người bị theo dõi không hài lòng với việc có người luôn theo sát từng bước chân mình. Khi nhóm bạn biết Nobita đã cho mình một huy hiệu định vị, họ đã họp lại để “hỏi chuyện” Nobita cho ra nhẽ.

Những món bảo bối có khả năng sắp xuất hiện

Trong quá trình tìm tòi những món bảo bối đã trở thành sự thực, tôi bỗng nhận thấy một loạt những món đồ khác của Doraemon hoàn toàn có thể xuất hiện trong tương lai gần, có lẽ là trong một hay hai đời độc giả Doraemon nữa. Dưới đây là một số bảo bối như vậy.

Hệ thống ống di chuyển Hyperloop

Để giúp bố Nobita đi làm đúng giờ, Doraemon đã rút từ trong túi ra một khẩu đại bác, thiết bị có thể bắn người ngồi trong nòng súng tới bất cứ địa điểm quốc nội nào.

Nếu kéo dài nòng đại bác ra thành đường hầm dài hàng kilomet, chẳng phải đó chính là đường hầm Hyperloop đang được phát triển hay sao?

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 17.

Hệ thống Hyperloop có thể trở thành sự thực, chứ còn Đại Bác Bất Cứ Đâu thì không - Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, hệ thống Hyperloop trong thực tế sẽ không thể kỳ diệu được như Đại Bác Bất Cứ Đâu. Trong truyện, Doraemon có thể đưa bố Nobita lên trên nóc … một con tàu Shinkansen đang lao vút đi trên ray.

Khung xương robot

Khoa học viễn tưởng đã từ lâu nhắc tới khả năng của khung xương, và Doraemon không phải ngoại lệ. Trong chương từ điển bách khoa liệt kê một số món bảo bối thú vị, chúng ta thấy Fujiko F. Fujio đã minh họa một loạt những sản phẩm thú vị, trong đó có khung xương robot.

Tác giả Doraemon đã tiên đoán sự xuất hiện của ChatGPT từ thập niên 70, và bảo bối đó không phải lời tiên tri ứng nghiệm duy nhất - Ảnh 18.

Công nghệ khung xương ngoài cơ thể (exoskeleton) xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng - Ảnh: Internet.

Cánh tay hay cẳng chân bằng máy đã cải thiện chất lượng sống của hàng triệu người khuyết tật, nhưng không có cớ gì mà khoa học công nghệ lại dừng tại đó. Những năm gần đây, công nghệ khung xương robot ngày một hoàn thiện, và đã xuất hiện những nhà kho ứng dụng công nghệ này để cải thiện hiệu năng nhân viên bốc, dỡ hàng nặng.

Sớm thôi, sản phẩm tiên tiến sẽ xuất hiện trong hộ gia đình, giúp chúng ta nhấc vật nặng - như tủ lạnh, máy giặt, hay chậu hoa ngày Tết - một cách dễ dàng.

Tạm kết

Bài viết đến đây đã dài, nhưng chắc chắn chưa liệt kê hết những món bảo bối đã trở thành sự thật, và càng không thể lột tả hết óc sáng tạo vô biên của Fujiko F. Fujio. Doraemon là sản phẩm khoa học viễn tưởng, đồng thời phản ánh ước mơ của người đương thời về những cỗ máy kỳ diệu có thể cải thiện chất lượng sống của con người.

Và chỉ nửa thế kỷ sau, không ít “phát minh” của Fujiko F. Fujio đã trở thành sự thực. Khó có thể khẳng định trong tương lai gần và xa, nhân loại sẽ chứng kiến món bảo bối nào của Doraemon bước ra đời thực.

Không biết chừng, nhân loại còn có thể phát minh ra những thiết bị có thể thao túng lực hấp dẫn hay ngưng đọng thời gian, giống những món bảo bối kỳ diệu mà Fujiko F. Fujio từng mô tả trên trang truyện …

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại