Lở loét vì kem trị ngứa
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường- Nguyên bác sĩ khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hàng ngày ông gặp rất nhiều bệnh nhân là nạn nhân của các đơn thuốc có chứa corticoid.
Đặc biệt ngay cả bệnh nhân bị tiểu đường cũng được kê loại thuốc có chứa hoạt chất này.
Trường hợp của chị Cao Thị Thủy trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội là điển hình. Chị Thủy bị ngứa da nên ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi.
Chị bôi thuốc thấy đỡ hơn hẳn nhưng vì ngứa mãn tính, theo thời tiết nên chị bôi liên miên.
Đợt thay đổi thời tiết vừa qua, để chống lại nhưng cơn ngứa da, chị Thủy bôi rất nhiều, đến khi trên da cổ và cẳng tay xuất hiện các vết loét da chị mới dừng lại không dùng nữa và đi khám.
Các bác sĩ cho biết chị Thủy bị tác dụng phụ của corticoid khi điều trị bệnh ngứa da.
Cùng trường hợp với chị Thuỷ, anh Vũ Mạnh Tài trú tại Hạ Long, Quảng Ninh cũng bị lở loét hết miệng vì sử dụng thuốc có chứa corticoid để tăng cân.
Anh Tài ăn rất ít, hay bị ớn lạnh người nên anh đi bốc thuốc hoàn tễ về ăn để tăng cân. Thời gian đầu, anh thấy ăn khoẻ, ngủ khỏe nên nhìn béo lên nhưng cân nặng tăng không nhiều.
Anh Tài bỏ thuốc là người lại teo đi, da nhăn nheo, chán ăn nên lại mua về uống đến khi miệng của anh có các vết loét dài, to anh mới nghỉ.
Ban đầu anh còn tưởng bị loét miệng do bệnh lây nhiễm nào đó nên hai vợ chồng nghi kị nhau. Nhưng khi đến khám, bác sĩ cho biết anh bị loét miệng do tác dụng phụ của thuốc làm tăng cân.
Thuốc hoàn tễ của anh đã được trộn tân dược có chứa corticoid để tăng khả năng tích nước khiến người sử dụng có cảm giác béo lên, tăng cân nhưng đây chỉ là mặt nổi còn bên trong thuốc có nhiều tác dụng phụ tàn phá gan, thận có thể dẫn đến suy thận, suy gan.
Thuốc có thể gây ra bệnh tiểu đường
Thạc sĩ Huy Cường cho biết corticoid phải được sử dụng rất chặt chẽ nhưng hiện nay tình trạng mua bán thuốc còn tràn lan, cộng thêm nhiều bác sĩ kê đơn thuốc mà không “có tâm” họ vẫn kê các loại thuốc này có nhiều người vì tác dụng kháng viêm rất nhanh của nó nhưng để lại nhiều hệ lụy cho người bệnh.
Bác sĩ Cường nhấn mạnh một trong những tác dụng phụ của corticoid đường uống là có thể gây tăng đường máu và tăng đề kháng insulin, có thể dẫn đến tiểu đường type 2.
Thông thường, đường máu sẽ trở về mức bình thường sau khi ngưng sử dụng corticoid, nhưng trong một số trường hợp, cá biệt nếu có những yếu tố nguy cơ của tiểu đường type 2 từ trước, dùng corticoid làm bộc lộ sớm bệnh tiểu đường.
Dùng corticoid trong khoảng thời gian dài, hơn 3 tháng, có thể tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2 cho người bệnh. Điều này nhiều bệnh nhân còn thơ ơ, bỏ qua không để ý kỹ đến thành phần corticoid.
Nhiều bệnh nhân của bác sĩ Cường bị tiểu đường nhưng họ vẫn sử dụng thuốc có chứa hoạt chất này.
Hoạt chất này như thần dược nhưng thạc sĩ Cường nhấn mạnh: Trước khi bắt đầu uống corticoid, bạn cần nhận thức được rằng mức đường máu của người bệnh có thể tăng, nhất là những trường hợp bạn sử dụng corticoid đường uống.
Ngoài ra, những tác dụng phụ của corticoid khi dùng thời gian ngắn thể hiện rõ nhất đối với người dùng đó là: Mụn trứng cá, thay đổi tính cách đột ngột, tăng sự thèm ăn.
Tác dụng phụ khi dùng corticoid đường uống dài ngày có thể gây ra các tác dụng khủng khiếp hơn đó là: Yếu cơ, tăng đường máu, tăng mỡ máu, hôn mê tăng đường máu.
Hội chứng Cushing: béo bụng, béo mặt, mặt tròn đỏ, teo cơ, tăng huyết áp, xuất huyết dưới da…Loãng xương, gãy xương tự phát.
Đối với các thuốc mắt có chứa corticoid có thể gây ra các bệnh Glôcôm tăng nhãn áp: đau nhức mắt, giảm thị lực, đục thủy tinh thể.
Người bệnh bị suy thượng thận thứ phát, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng, lâu lành vết thương.
Dạng corticoid sử dụng đường khác như xịt hen hoặc kem bôi da có ít tác dụng phụ hơn. Corticoid dạng tiêm có thể gây đau và sưng tại nơi tiêm.
Corticoid khí dung, như trong hen phế quản, có thể gây ra tưa miệng. Corticoid tại chỗ (kem, gel hoặc thuốc rửa) có thể gây mỏng da hoặc đen da.