Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn... là loại quả dùng như rau tươi và làm mứt rất thông dụng. Bí đao không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn có nhiều công dụng trong chữa bệnh và làm đẹp.
Theo y học cổ truyền, bí đao thường được dùng để chữa các chứng bệnh lý hô hấp, bệnh đái đường, phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai...
Bí đao có vị ngọt tính hàn, chứa hàm lượng nước lớn nên công dụng được biết đến nhiều nhất là thanh nhiệt giải độc, làm mát ruột, lợi tiểu và hết khát. Nếu cơ thể bị nhiệt nóng (nổi mụn, vàng da) nên bổ sung thường xuyên bí đao vào thực đơn hàng ngày.
Bí đao có vị ngọt tính hàn nên được biết đến với tác dụng là thanh nhiệt giải độc
Mặc dù bí đao có nhiều tính năng và công dụng đối với sức khỏe nhưng cần phải biết cách sử dụng và ăn đúng cách nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Thường xuyên ăn sống bí đao hoặc xay bí đao sống lấy nước uống như uống sinh tố là điều không nên. Bí đao sống có tính xà phòng rất cao.
Ngày xưa ở các làng dệt vải thường lợi dụng tính chất này của bí đao, dùng nước bí đao sống để tẩy trắng vải thay cho thuốc tẩy.
Vì thế nếu ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao được xay như sinh tố, tính chất xà phòng của bí đao sống sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa.
Đối với những người muốn giảm cân, nên sử dụng bí đao luộc, xào… như một món chính trong bữa cơm hàng ngày. Sau khi đã quen hãy bắt đầu ăn bí đao thay cơm hoàn toàn để việc giảm cân được hiệu quả.
Tuy nhiên, những người bị huyết áp thấp không nên giảm cân bằng bí đao vì trong thành phần của bí đao rất ít calo nên sẽ làm hạ huyết áp. Hãy coi bí đao như một loại rau, một loại thức uống phụ sau mỗi bữa cơm.
Bí đao có tính mát nên đối với những người có cơ địa lạnh thì nên dùng liều lượng dần dần ít một rồi tăng dần để cơ thể dễ thích nghi. Những trường hợp tì vị hư hàn, hay bị chướng bụng, tiêu chảy không nên dùng nhiều.