Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã quyết định thành lập một nhóm chuyên trách mới để đối phó với mối đe dọa bị chế áp điện tử từ Nga. Nguy cơ này ngày càng tăng cao sau khi việc gây nhiễu các thiết bị công nghệ quân sự đã trở nên phổ biến trên chiến trường Syria trong suốt 4 năm vừa qua.
Theo các tài liệu mà Al-Monitor tiếp cận được, nhóm chuyên trách trên sẽ gồm các thành viên đến từ nhiều bộ phận chức năng khác nhau của Bộ Quốc phòng Mỹ, được lập ra nhằm mục đích "giành lại vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực điện từ", đồng thời qua đây cũng xác định xem có tồn tại bất kỳ lỗ hổng nào trong chiến lược của Washington hay không.
Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng không quân Paul Selva sẽ trực tiếp chỉ đạo kế hoạch này. Dự kiến, Lầu Năm Góc sẽ đệ trình lên Quốc hội Mỹ một bản chiến lược tác chiến điện tử cập nhật với lộ trình triển khai cụ thể vào tháng 9 tới.
"Các lực lượng mặt đất phải đối phó với tác chiến điện tử mọi nơi, mọi lúc vì họ luôn có nguy cơ bị mất quyền truy cập thông tin liên lạc và hệ thống dẫn đường bất cứ lúc nào", Michael Kofman, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu quốc phòng CNA cho biết.
Quân đội Nga triển khai hệ thống tác chiến điện tử mặt đất "Krasnukha-4"
Việc Bộ Quốc phòng Mỹ buộc phải đẩy mạnh xây dựng chiến lược này xuất phát từ những cảnh báo được giới chức quân sự Mỹ đưa ra về sự can thiệp điện tử của Nga và các nước khác đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Mỹ trên chiến trường.
Đầu tháng này, Giám đốc thanh tra của Lầu Năm Góc báo cáo rằng, can thiệp điện từ đã khiến liên minh chống khủng bố IS do Mỹ lãnh đạo bị mất 11% độ phủ sóng tình báo, giám sát và trinh sát dọc biên giới Iraq-Syria. Đây là những mạng lưới thông tin rất quan trọng giúp phát hiện các lực lượng thù địch và hỗ trợ các cuộc không kích.
Năm 2018, NBC News từng đưa tin, Quân đội Nga chính là tác nhân gây nhiễu tín hiệu GPS cho các máy bay không người lái của Mỹ ở Syria.
Một đoàn xe quân sự Mỹ trên đường phố Raqqa, Syria, ngày 31/7/2017
Việc thành lập nhóm chuyên trách nêu trên chỉ là một minh chứng mới nhất cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đang rất nỗ lực đối phó với mối đe dọa tác chiến điện tử đến từ Nga. Tháng 10/2018, một vườn ươm công nghệ hàng đầu của Lầu Năm Góc cũng đã bắt đầu đầu tư cho lĩnh vực công nghệ bảo vệ các đường truyền vô tuyến khỏi bị can thiệp điện tử.
"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian để tìm cách kiểm soát phổ điện từ, làm thế nào để hoạt động trong phổ điện từ theo thời gian thực và linh hoạt nhất", Steven Walker - Giám đốc Cơ quan Các Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) cho biết.
Nga đã triển khai rất nhiều hệ thống tác chiến điện tử tới Syria, trong đó có cả Mormuz và Krasuka. Lần đầu tiên chúng được đưa tới là để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các binh lính Nga sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Moscow năm 2015.
Nhưng trong lúc Lầu Năm Góc vẫn còn đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng một chiến lược tác chiến điện tử mới thì Nga đã phát triển được một bộ công nghệ mới với mức độ tự động hóa cao hơn để triển khai song song cùng các hệ thống phòng không tiên tiến của họ, chẳng hạn như S-400.
Những hệ thống kế tiếp còn có thể được ứng dụng để tìm kiếm và xác định vị trí của các mục tiêu di chuyển và làm chệch hướng các vũ khí tấn công chính xác.
"Thế hệ tác chiến điện tử của Nga hiện nay mà chúng ta đang đối phó còn khá thô sơ", Michael Kofman bình luận. "Đây thực tế mới chỉ là mối đe dọa ban đầu chứ chưa phải là những thách thức thực tế mà Mỹ phải đối mặt".
Video giới thiệu máy bay tác chiến điện tử EC-130H Compass Call