Tá hỏa phát hiện 4,2 ha đất rừng do gia đình trồng nhưng người khác lại đứng tên

Tuấn Minh |

Trực tiếp trồng, chăm sóc 4,2 ha rừng ven biển theo dự án PAM để phủ xanh đất trống, nhưng gần đây gia đình bà Lê Thị Nghiệm ở Thanh Hóa mới tá hỏa khi biết diện tích đất rừng trên giờ do người khác đứng tên.

Phản ánh tới Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Nghiệm (SN 1939; ngụ phố Liên Vinh, phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết bà đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị vào cuộc làm rõ việc gia đình bà tham gia trồng 4,2 ha rừng ven biển theo dự án PAM 4304 tỉnh Thanh Hóa, nhưng diện tích đất trên hiện đã đứng tên người khác, tuy nhiên đến nay gia đình chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng.

Tá hỏa phát hiện 4,2 ha đất rừng do gia đình trồng nhưng người khác lại đứng tên - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Danh (con trai bà Nghiệm) bên cánh rừng phi lao xanh tốt do chính gia đình bố mẹ ông và cả ông trực tiếp trồng, bảo vệ tới giờ nhưng hiện lại đứng tên người khác

Theo phản ánh của bà Nghiệm và hồ sơ kèm theo thể hiện, năm 1992 tỉnh Thanh Hóa có thành lập Ban quản lý Dự án 4304 để huy động nhân dân tham gia trồng rừng ven biển nhằm phủ xanh đất trống, chống xâm thực. Thời điểm này, ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm, đã qua đời) là người tiên phong trong thôn Liên Vinh (nay là phố Liên Vinh) nhận trồng 4,2 ha đất trống ven biển.

Hồ sơ tham gia trồng rừng của gia đình bà Nghiệm được thể hiện qua sổ cấp phát lương thực PAM 4304 năm 1992-1996 (sổ gốc, có dấu đỏ) mà Ban quản trị dự án PAM 4304 huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cấp cho chồng bà (ông Lê Văn Ấn). Trong cuốn sổ cấp phát lương thực thể hiện rõ từ năm 1992-1995, gia đình bà Nghiệm có 5 lần nhận lương thực để trồng rừng (lần đầu nhận ngày 15-10-1992, lần thứ 5 nhận ngày 5-6-1995).

Theo bà Nghiệm, sau khi được giao 4,2 ha để trồng rừng phòng hộ, gia đình bà có gọi thêm hộ ông Lê Trí Trạch (là thông gia) cùng trồng, chăm sóc bảo vệ rừng. "Thời kỳ đó trồng rừng vất vả lắm, cả bãi biển chỉ có cát trắng, nhà tôi phải huy động cả con cái tham gia trồng, gánh nước tưới chăm sóc cây. Cây chết gia đình lại trồng dặm, cứ thế rừng phi lao ven biển gia đình tôi và nhiều hộ khác cùng trồng được hình thành xanh tốt như bây giờ" - bà Nghiệm cho hay.

Tuy nhiên, đầu năm 2022, gia đình bà Nghiệm tá hỏa khi nhận được thông tin một phần diện tích đất rừng tại khu vực gia đình bà được giao trồng, chăm sóc hiện đã đứng tên người khác và có việc chuyển nhượng, mua bán. Bà có tới UBND xã để làm rõ sự việc, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. "Chính quyền địa phương khẳng định gia đình tôi có trồng rừng, tuy nhiên họ nói hồ sơ lưu không còn ở xã nên không có căn cứ giải quyết là vô lý, trong khi hộ được gia đình tôi gọi cùng trồng rừng lại có đất. Việc gia đình tôi tham gia trồng rừng nhiều người dân trong thôn và lãnh đạo thời kỳ đó đều biết cả" - bà Nghiệm nói.

Tá hỏa phát hiện 4,2 ha đất rừng do gia đình trồng nhưng người khác lại đứng tên - Ảnh 2.

Sổ cấp phát lương thực (bản gốc, dấu đỏ) mà gia đình bà Lê Thị Nghiệm còn lưu lại

Bà Nghiệm cũng khẳng định đến nay, khu vực đất rừng nói trên gia đình vẫn đang trực tiếp trông coi, bảo vệ và chưa nhận được bất kỳ thông báo, quyết định thu hồi nào liên quan tới diện tích đất rừng gia đình bà trồng từ những năm 1992.

Ông Lê Văn Xường, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải (từ năm 1994-1999) khẳng định thời điểm có dự án PAM (1992-1996), ông Lê Văn Ấn là người tham gia trồng rừng ven biển khu vực đồi Chăn Cát (thôn Liên Vinh) là đúng thực tế.

"Thời kỳ đó, để huy động nhân dân trồng rừng là rất khó, nhưng ông Ấn là người tiên phong nhận cây giống và sổ gạo để trồng rừng. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ nhận cây và gạo về trồng thôi, chứ không có ghi sổ sách gì cả"- ông Xường cho hay.

Một cán bộ Chi cục kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết Ban quản lý dự án công trình trồng rừng PAM 4304 được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Hinh ký quyết định thành lập ngày 10-3-1992. Dự án có thành lập các Ban quản trị cấp huyện, vì thế hiện hồ sơ liên quan tới dự án này không còn lưu trên sở mà ở các ban của huyện.

Để làm rõ thông tin sự việc, phóng viên đã tới UBND phường Tĩnh Hải đặt lịch làm việc từ ngày 18-11 nhưng không nhận được phản hồi.

Ngày 5-12, phóng viên điện thoại, nhắn tin tới số máy ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND phường nhưng vị này không trả lời. Trong ngày, ông Lê Xuân Anh, cán bộ văn phòng UBND phường Tĩnh Hải điện thoại cho phóng viên nói lãnh đạo UBND phường rất bận không có thời gian làm việc với phóng viên và cho biết sẽ chuyển một số văn bản trả lời cấp trên cho phóng viên muốn "viết gì thì viết".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại