Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm - SIPRI công bố, trong năm 2013, Ukraine và Cộng hòa Dân chủ Congo đã ký hợp đồng cung cấp 50 xe tăng chiến đấu chủ lực T-64A, tất cả sẽ được nâng cấp lên chuẩn T-64B1M trước khi bàn giao.
Giá trị thương vụ trên ước tính 10 triệu USD, tức là quốc gia châu Phi chỉ phải bỏ ra 200.000 USD để sở hữu một chiếc T-64B1M, họ đã nhận đủ số lượng trong năm 2016, đây thực sự là món hời quá lớn.
Binh sĩ Cộng hòa Dân chủ Congo tham gia huấn luyện sử dụng xe tăng T-64B1M tại Ukraine năm 2014
So với T-64A nguyên bản, T-64B1M có ngoại hình rất dễ nhận biết thông qua tháp pháo hình đĩa đặc trưng, kiểu thiết kế này được cho là cảm hứng để Nga ứng dụng lên chiếc T-90M Proryv-3 mới ra mắt.
Hình dáng rất lạ của tháp pháo T-64B1M có tác dụng làm trượt, từ đó hạn chế khả năng xâm nhập của cả đạn xuyên lõm lẫn đạn xuyên động năng, nó lại còn được che phủ bằng giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Nozh do Ukraine nghiên cứu chế tạo, tính năng của loại giáp này được cho là tương tương với Relikt của Nga và vượt trội Kontakt 5 trên T-72B3.
Hỏa lực chính của T-64B1M là khẩu pháo nòng trơn 125 mm được trang bị hệ thống nạp đạn tự động với cơ số 37 viên đạn, đi kèm súng máy hạng nặng 12,7 mm điều khiển tự động (300 viên đạn), và súng máy đồng trục 7,62 mm (cơ số đạn 1.250 viên). Đáng tiếc là T-64B1M không có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng.
Trái tim của con quái vật thép này là động cơ diesel tăng áp 6TD công suất 1.000 mã lực, mạnh mẽ hơn loại V-84-1 840 mã lực lắp trên T-72B3, chỉ thua kém một chút V-92S2F công suất 1.130 mã lực của T-72B3M (T-72B4).
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga
Như vậy có thể thấy nếu đặt cạnh nhau, T-64B1M chiếm ưu thế trước T-72B3 ở giáp bảo vệ và khả năng cơ động, trong khi thua kém một chút về sức mạnh hỏa lực. Tuy nhiên cần chú ý rằng một chiếc T-72B3 hiện có giá nâng cấp cho Lục quân Nga lên tới 850.000 USD, cao gấp hơn 4 lần giá T-64B1M, chắc chắn giá bán ra nước ngoài còn cao hơn nữa.
Quan trọng hơn cả, Nga vẫn chưa có ý định xuất khẩu T-72B3 nhằm giữ thị phần cho T-90, do Quân đội Nga đã ngừng đặt hàng T-90 để chờ đợi T-14 Armata hoàn thiện, giới chức quốc phòng lại không thể tạm đóng cửa nhà máy sản xuất vì sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực, cũng như làm xuất hiện nhiều vấn đề an sinh xã hội do công nhân kỹ thuật cao bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, Nga hiện chỉ duy trì năng lực sản xuất phục vụ sẵn sàng chiến đấu chứ họ không giữ tư duy thời Liên Xô là chế tạo thật nhiều rồi lưu kho, sẽ cần nguồn kinh phí cực lớn, tiềm lực nước Nga hiện tại không thể đáp ứng được, mà lúc cần dùng thì hàng niêm cất bảo quản lại trở nên lạc hậu.
Với những lý do nêu trên, có lẽ trong tương lai, kể cả khi Nga đồng ý xuất khẩu T-72B3 theo dạng hợp đồng thương mại chứ không phải "viện trợ trước, trừ nợ sau" đối với đồng minh thì nó cũng khó có cửa cạnh tranh cùng T-64B1M. Phương án mua sắm dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine là lựa chọn không tồi đối với nhiều quốc gia có ngân sách quốc phòng còn eo hẹp.