Cùng với động thái cung cấp cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM nội địa và khí tài kèm theo, Nga cũng cung cấp thông tin về việc hỗ trợ đào tạo các kíp điều khiển Syria làm chủ dòng tên lửa phòng không hiện đại này trong thời gian ngắn kỷ lục… 3 tháng.
Điều này tạo ra sự hoài nghi về khả năng làm chủ dòng vũ khí tinh vi và hiện đại như S-300 của các đơn vị quân đội Syria hay đây chỉ là một nước cờ mới của Moscow.
Thế cục của Syria hiện tại, trong 3 tháng có thể sẽ có những thay đổi rất lớn, thậm chí là kết thúc nội chiến, khi chiến cuộc ở tỉnh Idlib kết thúc với lợi cho phía Damascus; căng thẳng Nga-Israel hạ nhiệt; tìm ra giải pháp chính trị giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng ở Syria thông qua chia sẻ quyền lực, lợi ích cho các phe phái.
Điều quan trọng nhất chính là loại bỏ được khả năng can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào Syria thông qua con bài vũ khí hóa học hay thảm họa nhân đạo.
Nga vừa giao tên lửa S-300 cho Syria. Ảnh minh họa.
3 tháng là quá ngắn để đào tạo kíp điều khiển S-300
Có thể đưa ra một ví dụ so sánh rất đơn giản! Nếu ở Nga, để các kíp điều khiển tổ hợp tên lửa S-300 và S-400 thành thục cần thời gian từ 4-5 năm.
Vậy với 3 tháng, dù có sự hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia Nga, để các kíp điều khiển Syria có thể làm chủ hoàn toàn được loại khí tài phòng không tinh vi và hiện đại này sẽ là rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi, kể cả là Syria triệu tập lại được gần đủ nhân sự của các kíp chiến đấu đã từng chuyển loại S-300 trước đây.
Đó mới chỉ xét về mặt kỹ thuật, còn những kinh nghiệm thực chiến, xử lý tình huống chỉ có đương qua cọ sát thực tế thì binh lính, sĩ quan Syria sẽ còn cần nhiều thời gian hơn nữa mới có thể làm chủ. Con số này sẽ không thể tính bằng tháng, mà có thể hàng năm.
Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt tại Syria đó là chiến trường lần đầu S-300 tham chiến trực tiếp. Dù tính năng và hiệu quả của tổ hợp vũ khí phòng không này đã được giới chuyên gia quân sự đánh giá cao, nhưng "lửa thử vàng, vũ khí thử qua chiến trận".
Moscow liệu có mạo hiểm giao uy danh của S-300 vào tay Syria, nhất là khi đối thủ của bên kia chiến tuyến là Mỹ, phương Tây và Israel.
Vậy vấn đề trên sẽ được giải quyết ra sao? Theo các nguồn tin từ phía Israel, nhiều kíp điều khiển tên lửa S-300PMU-2 của Iran được đào tại Nga đã có mặt tại Syria.
Tên lửa S-300PMU-2 của Iran
Họ có thể sẽ tham gia vào qua trình đào tạo các kíp điều khiển Syria và thậm chí là trực tiếp tham chiến khi các tổ hợp S-300PM được triển khai. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin một chiều, chưa có kiểm chứng và khó có khả năng là hiện thực.
Phía Nga chắc chắn sẽ không muốn một bên thứ 3, nhất là Iran vốn có quan hệ không mấy tốt đẹp với Israel tham gia điều khiển S-300. Mặt khác, Damascus cũng không muốn Iran can dự quá sâu hoạt động quân sự nội bộ của nước này.
Vậy liệu có khả năng kíp điều khiển hỗn hợp giữa Nga và Syria? Đây là hoạt động từng có tiền lệ trong quá khứ tại Ai Cập, Việt Nam.. Việc chuyển giao công nghệ và truyền thụ kinh nghiệm được thực hiện trực tiếp trong quá trình vận hành và chiến đấu.
Tuy nhiên, cách làm này lại ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm cho binh sĩ Nga. Điều mà Moscow không mong muốn xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Moscow đã có cách làm rất hay để giải quyết vấn đề này. Đó là việc tích hợp toàn các thành phần của hệ thống phòng không Syria, trong đó có S-300, vào hệ thống chỉ huy hợp nhất Nga thông qua thiết bị tự động hóa như Baikal…
Nói cách khác là toàn bộ quá trình trinh sát, phát hiện, chỉ thị mục tiêu và dẫn bắn đều được thực hiện tự động hóa. Việc của binh sĩ, sĩ quan Syria với sự tư vấn của Nga là quyết định có bắn hay không.
Như vậy, quá trình đào tạo các kíp điều khiển S-300 của Syria có kéo dài 3 tháng hay 3 năm sẽ không có gì khác biệt vì vấn đề khó khăn, điều khiển khí tài đã được phía Nga giải quyết giúp, ít nhất là trong giai đoạn căng thẳng hiện tại.
Một tổ hợp tên lửa S-300 do Nga chế tạo.
3 tháng có thể là thời gian vàng để giải quyết nội chiến Syria
Tại sao Moscow lại đưa ra mốc thời gian là 3 tháng cho quá trình đào tạo và chuyển giao công nghệ S-300 cho Syria, mà không phải ngắn hay dài hơn?
Có thể thấy rõ khi Quân đội Syria và đồng minh tập trung lực lượng tới Idlib, Mỹ và đồng minh đã ráo riết chuẩn bị cho các kịch bản can thiệp quân sự với lý do sử dụng vũ khí hóa học.
Đợt không kích mới này có thể không nhằm vào lực lượng chính phủ, mà nhằm vào những "con dê tế thần" tại Idlib để tạo cớ cho sự hiện diện quân sự của liên quân. Hành động này có thể phá hỏng thế cờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria đang thiết lập để kết thúc nội chiến.
Và tất nhiên, Moscow đã có sự chuẩn bị sẵn cho kịch bản này. Tại sao S-300 lại có thể triển khai một cách nhanh chóng, kể cả khi là hàng nội địa tới Syria? Hay phản ứng nhanh chóng và hiệu quả Moscow sau biến cố máy bay IL-20 gặp nạn có thể là minh chứng rõ ràng.
Nếu điều này là đúng, thì việc sự việc máy bay IL-20 gặp nạn chỉ đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn so với dự kiến của Moscow.
Chuyển giao S-300, công khai quá trình đào tạo các kíp điều khiển Syria kéo dài 3 tháng tức là công khai với Mỹ và đồng minh rằng trong 3 tháng tới các tổ hợp S-300 mới ở Syria vẫn là của Nga và đừng nên "cố thử làm điều gì ngu ngốc" với chúng.
Hiệu quả của S-300 tới Syria thì không cần phải bàn cãi khi hoạt động của không quân Israel và liên quân trong khu vực đã giảm đi trông thấy, bất chấp những lời lẽ đao to, búa lớn không sợ S-300 của giới ngoại giao.
Và điều quan trọng hơn cả là Syria và đồng minh sẽ có 3 tháng để giải quyết dứt điểm "khối u" Idlib và có thể là cả cuộc nội chiến ở quốc gia Cận Đông này.
Những động thái mới về khu vực giảm xung đột mới được thiết lập ở Idlib với mục đích loại bỏ các nhóm thánh chiến cứng đầu đang bắt đầu có hiệu quả khi phân hóa các phe nhóm ở "thủ đô phiến quân" này.
Kết quả cuối cùng sẽ là một phe đối lập chính ở Syria còn tồn tại và được chính trị hóa khi hậu chiến. Đây có thể coi là mục tiêu cơ bản, Syria và đồng minh, trong đó có Nga tính toán giải quyết trong vòng 3 tháng tới.
Sau khi Idlib được giải quyết, liệu lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn liệu có đủ lực để quay súng chống lại cả Damascus và phe đối lập.
Nếu có đủ khôn ngoan, người Kurd sẽ hiệu vị thế của mình để tham gia vào quá trình hòa giải, chia sẻ quyền lực để kết thúc nội chiến ở Syria.
Trong thời gian này, sau căng thẳng Nga-Israel cũng sẽ dần xuống thang. Cả Moscow và Tel Aviv đều hiểu sẽ không ai có lợi nếu tiếp tục căng thẳng và Israel sẽ cần Nga làm cầu nối đề giải quyết vấn đề Iran và các nhóm vũ trang dòng Shitte giúp đảm bảo an ninh quốc gia.
Hiện tại, khó có thể nói những kịch bản trên liệu có trở thành hiện thực hay không, nhưng ít nhất nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Moscow và các quốc gia đối tác. Chuyển giao S-300 chỉ là chuyện nhỏ, nâng cao vị thế, giải quyết dứt điểm nội chiến Syria mới là các đích cuối của Moscow…
Nga giao tên lửa S-300 nhưng ruột S-400 cho Syria?