Theo Middleeasteye, thông tin từ tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho hay các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng phiến quân và các phần tử Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Syria khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.
Vụ đụng độ nổ ra ở phía tây tỉnh Aleppo của Syria giữa liên minh Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên quan tới tổ chức khủng bố al-Qaeda và nhóm phiến quân Nureddine al-Zinki.
Rami Abdel Rahman, người đứng đầu tổ chức Giám sát nhân quyền ở Anh khẳng định 12 tay súng HTS, 5 tay súng Zinki và 2 dân thường đã thiệt mạng. Bên cạnh đó, ít nhất 35 người đã bị thương trong các cuộc giao tranh.
Trước đó, HTS đã cáo buộc Nureddine al-Zinki sát hại 5 tay súng của nhóm này và đã tổ chức một cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của lực lượng phiến quân, gần với thành trì cuối cùng của phiến quân tại tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria.
Nureddine al-Zinki là lực lượng chính của Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF), vốn là một liên minh các lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
HTS và các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan khác hiện kiểm soát hơn một nửa tỉnh Idlib, trong khi NLF kiểm soát phần còn lại. Hai nhóm thường xuyên xảy ra đụng độ và giao tranh liên quan tới việc kiểm soát lãnh thổ.
Tỉnh Idlib có hơn 3 triệu người nhưng hiện hơn một nửa dân đã phải di cư trong những năm nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.
Quân đội Syria và lực lượng đồng minh muốn tiến hành tấn công để giành lại các khu vực cuối cùng còn do phiến quân kiểm soát. Tuy nhiên, hồi tháng 9, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thoả thuận ở Sochi nhằm thiết lập vùng phi quân sự ở Idlib.
Sputnik dẫn lời ông Fuad Eliko, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia người Kurd, một thành viên của Liên minh Quốc gia Syria cho biết, các đại diện của phe đối lập Syria hài lòng với các diễn biến trên thực địa và việc thiết lập vùng phi quân sự tại Idlib theo như thỏa thuận giữa phe đối lập và các lực lượng chính phủ Syria.
"Chúng tôi tin rằng đây là một tiến triển quan trọng và tích cực, theo đó, tất cả các nhóm nổi dậy đang hoạt động tại Idlib chấp nhận những điều kiện trong thỏa thuận Sochi (Nga) và rút vũ khí hạng nặng khỏi Idlib. Điều này có nghĩa là giao tranh giữa quân đội Syria và phe đối lập đã chấm dứt", ông Eliko nhấn mạnh.
Theo nhà chính trị thuộc phe đối lập Syria, đây là bước tiến sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị sau 7 năm nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, tương lai của các nhóm cực đoan tại Idlib như Hayat Tahrir al-Sham và Huras al-Din hay Nureddine al-Zinki hiện chưa được định đoạt. Bên cạnh đó, vấn đề hồi hương cho các tay súng nước ngoài đang có mặt tại Idlib cũng chưa được tính tới.
Ông Eliko cho rằng, việc vô hiệu hóa các nhóm vũ trang cực đoan sẽ phụ thuộc vào quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ: "Ankara có thể tiêu diệt hoặc giải tán các nhóm vũ trang hay thuyết phục họ tham gia các lực lượng đối lập ôn hòa".