Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video ghi lại cảnh máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 (T-50) phóng loại vũ khí dường như là tên lửa hành trình tầm xa Kh-59MK2 có thể mang theo 320 kg thuốc nổ tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 550 km.
Ông Shoygu tuyên bố, Su-57 đã thực hiện vụ phóng tại Syria và tháng 2/2018, thời điểm trùng khớp với thời gian bộ đôi tiêm kích tàng hình này được triển khai 2 ngày tới đây.
Hiện vẫn chưa rõ liệu loại tên lửa mà ông Shoygu công bố có thực sự đã khai hỏa tấn công mục tiêu ở Syria hay không. Al Masdar News thậm chí còn dẫn lời một nguồn tin Syria cho biết, Su-57 đã tấn công các vị trí thuộc nhóm khủng bố Jaysh Al-Izza ở hai thị trấn Kafr Zita và Al-Lataminah ở vùng nông thôn tỉnh Hama.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự David Axe trong một bài viết gần đây trên tờ The Daily Beast đã chỉ ra một số lý do khiến cho tuyên bố nêu trên của Kremlin là rất đáng nghi ngờ.
David Axe cho rằng, Su-57 hiện đang còn thiếu rất nhiều các cảm biến và hệ thống điện tử và những lần xuất hiện trước công của loại máy bay này cho tới nay vẫn chỉ mang theo "bom và tên lửa giả", chủ yếu phục vụ mục đích phô trương là chính.
Dẫn ý kiến của các chuyên gia, Axe còn chỉ rõ, không có dấu hiệu nào trong video mà ông Shoygu công bố cho thấy tên lửa thực sự đã được phóng ở Syria, thay vào đó, có thể là một địa điểm bí mật nào đấy bên trong lãnh thổ Nga.
Moscow đã từng tận dụng chiến dịch triển khai quân tới Syria để đánh giá hiệu quả các vũ khí của mình. Chẳng hạn như, Nga đã phóng M-54 Kalibr tấn công các mục tiêu ở Syria từ năm 2015, loại tên lửa tầm xa mà nước này chưa từng sử dụng ở vùng chiến sự nào trước đó.
Cuộc xung đột Syria cũng chứng kiến màn khai cuộc của tiêm kích - bom Su-34 và đánh dấu lần đầu tiên rất nhiều máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tupolev Tu-95 và Tu-160 thực hiện các sứ mệnh tấn công tầm xa, trực tiếp bay từ Nga tới Syria.
Hình ảnh Su-57 hoạt động tại Syria
Israel
"Chúng tôi đã bay F-35 khắp không phận Trung Đông", Tư lệnh Không quân Israel (IAF), Thiếu tướng Amikam Norkin đã tuyên bố như vậy trong Hội nghị các quan chức không quân cấp cao tổ chức tại Herzliya tháng 5 vừa qua.
"Chúng tôi là quốc gia đầu tiên sử dụng F-35 thực chiến ở Trung Đông và đã tấn công 2 lần ở các mặt trận khác nhau", Norkin đưa ra những tuyên bố này trong lúc giới thiệu bức hình chụp chiếc F-35I bay ở tầm cao trên không phận Thủ đô Beirut của Lebanon.
Mặc dù Norkin không nói rõ hai mặt trận mà F-35I đã tham chiến là ở đâu nhưng một trong số đó gần như chắc chắn là Syria. Ngày 11/5, Israel đã tấn công không ít hơn 30 địa điểm bị nghi là các cơ sở quân sự do Iran hậu thuẫn. F-35 nhiều khả năng đã tham gia nhưng với khả năng nào thì chưa rõ.
Phi đội F-35 đầu tiên được Israel đưa vào hoạt động tháng 12/2017 và đã được bổ sung các công nghệ và kỹ thuật hàng không do Israel chế tạo, đáng chú ý nhất là hệ thống chỉ huy, điều khiển, thông tin, máy tính và tình báo (C4I) do nước này tự sản xuất nội địa.
Chuyên gia Kyle Mizokami của Tạp chí Popular Mechanics cho rằng, F-35I rất có thể đã tham gia vào vụ tấn công ngày 11/5, hoặc đảm trách vai trò ném bom các mục tiêu trên diện rộng hoặc sử dụng các cảm biến tiên tiến của nó để chỉ thị mục tiêu trên mặt đất cho các máy bay chiến đấu khác tấn công.
Nói cách khác, F-35I có thể đã hoạt động như một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS) tàng hình cỡ nhỏ, giám sát rất nhiều các cuộc tấn công trên khắp chiến trường Syria.
F-35 của Israel bay trên không phận Lebanon
Mỹ và các đồng minh
4 giờ sáng ngày 14/4, liên quân Mỹ - Anh - Pháp phóng 105 quả tên lửa hành trình từ tàu chiến và máy bay tấn công 3 mục tiêu bị nghi ngờ là các cơ sở vũ khí hóa học của Chính phủ Syria nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma gần Thủ đô Damascus 1 tuần trước đó.
Anh và Pháp phóng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP EG còn Mỹ tấn công bằng tên lửa Tomahawk. Tuy nhiên, cùng với Tomahawk, lần đầu tiên Mỹ cũng đã phóng 19 quả tên lửa không đối đất từ ngoài vùng phòng không đối phương AGM-158 JASSM bằng máy bay ném bom B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ Không quân al-Udeid ở Qatar.
Giống như Nga, liên minh Mỹ -Anh - Pháp đã chớp lấy cơ hội này để bắn thử các tên lửa mới của họ. JASSM được Mỹ đưa vào biên chế năm 2006, có tầm bắn 370 km và có thể mang theo đầu đạn nặng khoảng 455 kg.
Máy bay ném bom B-1 Lancer chuẩn bị cất cánh phóng tên lửa hành trình JASSM tấn công Syria đêm 13/4/2018
Phiên bản nối dài tầm bắn JASSM-ER có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 900 km. Tuy nhiên, trong vụ không kích Syria, Mỹ chỉ dùng JASSM. Vụ không kích ngày 14/4 cũng chứng kiến lần đầu tiên Pháp bắn phiên bản hải quân của của tên lửa Storm Shadow -MdCN.
Syria cũng là chiến địa đầu tiên Mỹ triển khai F-22 Raptor khi loại máy bay tàng hình này được điều động tới đây tham gia tấn công các mục tiêu khủng bố IS ở đây từ tháng 9/2014 và vẫn duy trì hoạt động cho tới tận ngày nay.
Ngoài chức năng ném bom, F-22 còn sử dụng hệ thống cảm biến hiện đại để thu thập thông tin tình báo giúp các máy bay khác của Mỹ và đồng minh định vị mục tiêu. F-22 cũng đã đóng vai trò tích cực trong việc ngăn chặn nguy cơ đụng độ giữa các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu và phi cơ chiến đấu của Nga.
Nhà phân tích quân sự Robert Beckhusen từng nhận xét: "Hãy nghĩ về F-22 như một chiến binh bắn tỉa - có thể sử dụng vũ lực nếu cần nhưng công việc chính của nó ở Trung Đông là làm nhiệm vụ giám sát".
Thổ Nhĩ Kỳ
Hồi đầu năm nay, Ankara đã tận dụng chiến dịch tấn công khu vực Afrin có đông người Kurd sinh sống để thử nghiệm một số loại khí tài quân sự mới. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım cho biết, việc Ankara sử dụng các máy bay không người lái ở Afrin "là vũ khí làm thay đổi cuộc chơi, đảm bảo cho sự thành công của các chiến dịch" mà nước này phát động.
Trực thăng tấn công T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Afrin ngày 2/3/2018
Chiến dịch Afrin chứng kiến lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ triển khai trực thăng tấn công sản xuất nội địa T129 ATAK vào tham chiến.
Mặc dù đã bị mất một chiếc T129 cùng hai phi công nhưng Thổ Nhĩ Kỹ đã thành công trong việc quảng bá T129 cũng như các thiết bị quân sự chế tạo nội địa khác với kết quả là Pakistan đã đặt mua 30 chiếc T129 - thương vụ mua sắm vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. C
Cuộc xung đột Syria chưa cho thấy dấu hiệu nào sẽ sớm kết thúc và việc các cường quốc khu vực như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ngừng can thiệp bằng vũ lực trong những tháng gần đây cũng như khả năng Mỹ và Nga vẫn sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng trong ít nhất một vài năm tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều hệ thống vũ khí nữa sẽ được triển khai tới đây thử lửa.
Tiêm kích tàng hình Su-57 phóng tên lửa hành trình tại Syria