Tại một cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem một lần nữa nhắc lại quan điểm của ông rằng "tất cả binh sỹ nước ngoài cần phải rời khỏi Syria", thêm rằng điều mà ông "quan ngại nhất chính là binh sỹ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ" - theo hãng thông tấn TASS của Nga.
Vị quan chức còn nói thêm: "Cùng lúc, tôi muốn một lần nữa gửi lời cảm ơn tới Nga và Iran vì hỗ trợ chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố".
Dù cả Moscow, Tehran và Ankara đều điều binh tới Syria từ đầu năm 2017 với hy vọng sẽ chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm ở nước này; nhưng trong khi Nga và Iran ủng hộ lực lượng Chính phủ thì Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn phe đối lập - có thời điểm từng được cả Mỹ, Israel, Qatar, Arab Saudi cùng nhiều nước khác hậu thuẫn.
Các băng nhóm nổi dậy và thánh chiến từng có thời điểm chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria, nhưng giờ đã co cụm lại phòng thủ ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, nơi mà các đài quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ đã mọc lên trong bối cảnh chiến sự gia tăng những tuần qua.
Ngoại trưởng Muallem nói trước báo giới rằng: "Chúng tôi hy vọng quân đội của chúng tôi và của Thổ Nhĩ Kỳ không đụng độ, đó là quan điểm của chúng tôi. Thứ mà chúng tôi đang chiến đấu chống lại là những kẻ khủng bố, đặc biệt là ở Idlib, vùng lãnh thổ của chúng tôi".
Còn theo văn bản mà Bộ Ngoại giao Syria công bố, ông Mulallem đã nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm nhiều phần lãnh thổ của Syria, khiến nhiều người đặt câu hỏi về điều mà họ đang làm ở Syria.
Liệu sự hiện diện của họ tại đây có phải là để bảo vệ các nhóm khủng bố như Mặt trận Al-Nusra, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Phong trào Hồi giáo Đông Thổ?".
Được biết Phong trào Hồi giáo Đông thổ là nhóm bao gồm các thành viên là người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, hiện đang hoạt động ở Idlib, Syria .
Tại Syria, chính quyền Trung Quốc cũng ủng hộ lực lượng Chính phủ và xem đất nước này như một mắt xích quan trọng trong sáng kến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình - một dự án khổng lồ xuyên lục địa bao gồm hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng với tổng giá trị đầu tư hàng tỷ USD.
Ông Muallem cũng "gửi lời cảm ơn tới Trung Quốc vì sự hỗ trợ của họ trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cả Syria".
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Muallem, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi tăng cường mối quan hệ song phương và đặt ra 3 điểm mấu chốt như một giải pháp cho Syria: Thúc đẩy nhanh tiến trình ổn định chính trị; Tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và Thường xuyên tái cấu trúc nền kinh tế.
Tuy nhiên, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại luôn phản đối các nỗ lực bình thường hóa quan hệ thương mại với Syria, cáo buộc Chính phủ nước này vi phạm nhân quyền.
Washington từng công khai nêu việc lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và hất cẳng các lực lượng của Iran ở Syria như điều kiện tiền đề để gỡ bỏ các đòn trừng phạt mà nước này nhằm vào Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái từng tuyên bố sẽ rút binh sỹ Mỹ khỏi Syria, nhưng đến nay kế hoạch rút quân toàn diện vẫn chưa được thực hiện.
Trong lúc mà Mỹ bắt đầu chuyển hướng tập trung từ hậu thuẫn phe nổi dậy sang đánh bại IS ở Syria, Lầu Năm Góc đã hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một nhóm mà phần lớn là các chiến binh người Kurd.
SDF đã tham gia các vòng đàm phán với Chính phủ Syria, nhưng một số nhánh ly khai của họ lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là những kẻ khủng bố.