Trước đó, vào ngày 25-2, bệnh nhân L.L.H. (31 tuổi) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau bụng dữ dội 3 ngày liên tiếp.
Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân H. có dấu hiệu ấn đau ở hông phải, số lượng bạch cầu 10.600/mm3. Siêu âm cho thấy có dịch ổ bụng, nhiều mạc nối tập trung vùng hạ sườn, ruột thừa ở hố chậu có kích thước to hơn bình thường.
Cây tăm xỉa răng trước và sau khi phẫu thuật lấy ra khỏi ruột non của bệnh nhân. Ảnh: MINH NGHIÊM
CT scan bụng cho thấy hình ảnh dày thành 1 quai ruột non ở hông phải, thành ruột dày 1 cm, dài 8 cm.
Chẩn đoán trước mổ là viêm ruột thừa cấp. Ê kíp phẫu thuật gồm BS.CKII Trương Thanh Sơn và ThS-BS Lê Quang Huy, phẫu thuật nội soi ổ bụng thấy cây tăm xỉa răng dài 5 cm đâm thủng hồi tràng.
"Chúng tôi lấy dị vật ra ngoài ổ bụng, khâu lại chỗ thủng ruột non qua nội soi với chỉ tan. Ngày hậu phẫu thứ nhất bệnh nhân tỉnh, vết mổ đau ít, chưa trung tiện. Bệnh nhân không nhớ đã nuốt tăm xỉa răng" – đại diện của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết.
Theo y văn, thủng ruột non do tăm xỉa răng là cấp cứu ngoại khoa hiếm gặp. Tỉ lệ tổn thương liên quan tới tăm xỉa răng 3.6/100.000 dân. Tuổi trung bình gặp là 52 tuổi. Tỉ lệ nam chiếm 88% các trường hợp.
Tuy vậy, chỉ có 12% bệnh nhân nhớ rằng mình có nuốt tăm xỉa răng. Yếu tố nguy cơ của nuốt tăm xỉa răng gồm nghiện rượu, răng giả, ăn quá nhanh, thói quen ngặm tăm xỉa răng và có bệnh tâm thần.