Suýt chết vì ngừng tuần hoàn, bác sĩ chỉ 3 bước sơ cứu tim ngừng đập

K.Chi |

Đột ngột ngừng tuần hoàn rất hay gặp trong cộng đồng, theo các bác sĩ, việc sơ cứu ngừng tuần hoàn có thể giúp nạn nhân thoát chết trong gang tấc.

Suýt chết vì ngừng tuần hoàn

Nguyễn M.Tr. (25 tuổi, trú tại Hà Nội) được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Tr. có tiền sử bản thân khỏe mạnh, nhưng trước đây bố của Tr. bị đột tử lúc mới có 41 tuổi.

Người nhà của Tr. phát hiện cậu hôn mê, ngừng tuần hoàn nên nhanh chóng gọi cấp đưa vào bệnh viện. Trong thời gian đó người nhà của Tr. liên tục sơ cứu cho cậu và chỉ 10 phút Tr. được đưa vào bệnh viện.

Tại Khoa Cấp cứu, BV Trung ương Quân đôi 108, bệnh nhân được tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh cân bằng toan kiềm máu.

Tim bệnh nhân đập lại sau 20 phút cấp cứu. Trong quá trình cấp cứu, trên điện tim của bệnh nhân xuất hiện nhiều ngoại tâm thu thất. Nhận định có thể đây là trường hợp ngừng tim do rối loạn nhịp có yếu tố gia đình. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã phối hợp chặt chẽ với Viện Tim mạch tiến hành sốc điện và đặt máy phá rung tự động cho bệnh nhân.

Sau quá trình cấp cứu và điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, ra viện và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. May mắn, Tr. được sơ cứu kịp thời.

BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết khoa cấp cứu Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngưng hô hấp tuần hoàn ngoài bệnh viện, đa số không được thực hiện hồi sinh tim phổi và các trường hợp này đều tử vong.

Suýt chết vì ngừng tuần hoàn, bác sĩ chỉ 3 bước sơ cứu tim ngừng đập - Ảnh 2.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra với bất cứ ai vì vậy cần nhớ cách sơ cứu.

Đối với người từ 35 tuổi trở lên, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các vấn đề về tim mạch đặc biệt là bệnh mạch vành. Đối với những người dưới 35 tuổi và trẻ em, nguyên nhân chủ yếu là do có bệnh tim cấu trúc có thể chưa được chẩn đoán trước đó, các rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim... Ngoài ra, ngưng hô hấp tuần hoàn còn xảy ra ở các tai nạn thường gặp như: điện giật, đuối nước, chấn thương...

Tỉ lệ sống sót ra viện của người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn là dưới 10%. Vì vậy, bác sĩ Chức cho biết cách xử lý cấp cứu hồi sinh tim phổi sớm và đúng chuẩn tại cộng đồng vô cùng quan trọng mà bất cứ ai cũng cần có kỹ năng để phòng trường hợp gặp ca ngừng tuần hoàn.

Khi phát hiện người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn và thực hiện hồi sinh tim phổi sớm, đúng, cùng với áp dụng các biện pháp hồi sức cấp cứu tại bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc cấp cứu và kết cục của người bệnh.

Việc thực hiện hồi sinh tim phổi bởi người bên cạnh bệnh nhân đóng vai trò rất lớn. Để làm được điều này người dân cần được tập huấn cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn cơ bản giúp cho việc thực hiện hồi sinh tim phổi tốt là vấn đề thiết yếu.

Các bước sơ cứu

Khi gặp trường hợp ngừng tuần hoàn nhanh chóng gọi cấp cứu 115 sau đó sơ cứu người bệnh. Vì sau 4 phút ngừng tuần hoàn, não sẽ bị tổn thương không hồi phục.

Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân cũng như bản thân người cấp cứu (đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, ngắt nguồn điện nếu nạn nhân bị điện giật…)

Thứ hai, cần xác định tình trạng bệnh nhân, lay, gọi hoặc sờ mạch trong 10 giây. Nếu không còn mạch nhanh chóng ép tim, thổi ngạt.

Thứ ba, ép tim, thổi ngạt, nếu có người hỗ trợ thì bắt đầu ép tim 30 lần, rồi thổi ngạt 2 lần, làm 5 chu kỳ (mỗi chu kỳ gồm 30 lần ép tim/2 thổi ngạt), rồi kiểm tra lại mạch cảnh. Nếu có 1 người cứu, chỉ ép tim, không thổi ngạt cho đến khi có người đến hỗ trợ.

Khi ép tim nên đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân. Đặt cườm tay của một tay vào giữa ngực nạn nhân, ở nửa dưới của xương ức. Duỗi thẳng cánh tay và đặt vai thẳng đứng so với bàn tay. Ép nhanh - ít nhất 100 lần/phút và mạnh - sâu 5cm.

Sau mỗi lần ép, nhả tay để ngực phồng trở lại hoàn toàn, thời gian ấn bằng thời gian nhả, không nhấc hẳn tay khỏi ngực nạn nhân. Ép liên tục, tránh ngắt quãng.

Khi thổi ngạt, đặt đầu nạn nhân ở tư thế đầu ngửa, cằm cao. Bóp 2 lỗ mũi nạn nhân bằng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay đặt trên trán nạn nhân. Thổi miệng – miệng, đủ mạnh tới mức nhìn thấy ngực nạn nhân phồng lên rõ.

Nếu không thấy ngực nạn nhân phồng lên, kiểm tra đường thở để đảm bảo thông đường thở, và thay đổi mức độ ngửa của cổ để luồng khí vào phổi được thuận lợi. Nếu có bóng ambu, dùng bóng ambu thay cho thổi ngạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại