Cấp cứu vì dị ứng ba ba
Bệnh viện Medlatec Hà Nội vừa cấp cứu trường hợp của anh P.H.B 34 tuổi, sống tại TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi và sốc phản vệ do ăn ba ba.
Anh B, kể khi ra Hà Nội chơi bạn bè mời đi ăn ba ba, anh B. đồng ý. Trước đây đã từng ăn nhiều món từ thịt ba ba nhưng không bị dị ứng
Sau khi ăn ba ba và uống coca được khoảng 30 phút thì anh thấy xuất hiện mẩn đỏ toàn thân, ngứa nhiều.
Ngay sau đó, mắt sung huyết, đỏ 2 bên và đau bụng quanh rốn dữ dội. Những người ngồi cùng bàn không ai có biểu hiện gì, còn anh buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày lẫn thức ăn nhiều lần, có cảm giác tức ngực, khó thở và sẩn ngứa trên da. Ngay lập tức bạn bè đưa anh vào bệnh viện cấp cứu.
Baba dễ gây ngộ độc
Hay như trường hợp của chị Đào Thị My – Hoàng Văn Thái, Hà Nội cũng bị dị ứng ba ba. Chị My cho biết buổi trưa cả cơ quan chị đi ăn ba ba. Chị My chưa bao giờ ăn baba nên chị có ăn ba ba rang muối và baba om chuối đậu.
Sau khi ăn về tới cơ quan, chị thấy toàn thật khó thở, tức ngực, người đỏ ngầu như tôm lột. Đồng nghiệp nhanh chóng đưa chị My vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn.
Sau khi được điều trị theo phác đồ sốc phản vệ và truyền dịch, hai ngày sau chị My được ra viện. Tuy nhiên, kỷ niệm ăn ba ba chị không bao giờ quên.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trường hợp của anh B. bị sốc phản vệ độ II do thức ăn và nhanh chóng được xử trí cấp cứu. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Vì sao ba ba dễ dị ứng?
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, thịt ba ba cũng như các thực phẩm khác đều có thể gây dị ứng. Đặc biệt đối với sữa bò, trứng gà, tôm, cua, ốc… có khả năng gây sốc phản vệ cao vì chúng là những dị nguyên mạnh nhất là ở người có cơ địa dị ứng.
PGS Đoàn cho biết các loại thực phẩm có nồng độ protein càng cao thì nguy cơ dị ứng càng lớn như các loại thịt ba ba, các loại nhộng, trứng kiến.
BS Đoàn tư vấn cho bệnh nhân
Thịt ba ba là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, vì nhiều protein nên thịt ba ba khi chết là chất đạm sẽ phân hủy, các acid amin chuyển hóa thành chất gây ngộ độc và có thể gây dị ứng cho người ăn.
Do thức ăn của ba ba là tôm cá, ốc, thủy sinh nên đường ruột của chúng chứa nhiều vi khuẩn có hại. Khi ba ba chết, các vi khuẩn này sinh sôi nảy nở, hơn nữa các axit amin trong thịt của chúng sẽ nhanh chóng phân giải thành các nhóm amin dễ dàng khiến người dùng trúng độc nặng.
Nếu người chế biến không biết cách chế biến hoặc chế biến không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Ngoài nguyên nhân do bản chất thịt ba ba, thì những người có nguy cơ dị ứng thịt nào đó là người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm với một hoặc một số thành phần có trong thịt ba ba, hải sản. Do cơ thể kém hấp thu trong khi hàm lượng protein trong thịt quá cao dẫn đến đầy bụng, khó tiêu.
Sau khi ăn, nếu thấy cơ thể nổi mẩn đỏ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở kiểu hen, ngạt thở, co thắt thanh quản, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu.
Nếu không cấp cứu kịp thời, có thể bị các biểu hiện nhận biết là co thắt cơ của đường hô hấp, cổ họng sưng, tụt huyết áp, mạch đập nhanh, mất ý thức, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Để phòng dị ứng, không sử dụng thịt ba ba đã chết, không ăn thịt ba ba chế biến sẵn vì nguy cơ thịt ươn chứa chất độc là rất cao.
Không ăn thịt ba ba với rau kinh giới, trứng gà, đào, rau cải…Nên chọn ba ba rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Không sử dụng cho người địa tạng hàn, người từng bị dị ứng hải sản, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, rong kinh, người thừa đạm… Không sử dụng cho người gầy ốm hoặc đang bệnh vì dễ gây dị ứng.