Vào năm 1965, từ Australia, chàng thanh niên 19 tuổi Brian Robson mong mỏi được về thăm quê nhà ở Cardiff, cách thủ đô London của Anh khoảng 240 km. Vì không đủ tiền mua vé máy bay từ Melbourne đến London, Robson quyết định mạo hiểm. Anh nhờ hai người bạn gửi chính mình về nhà trong một thùng bưu kiện, hậu quả là suýt mất mạng trên đường vận chuyển do bất ngờ bị đổi chuyến bay.
Robson làm việc tại công ty đường sắt Victoria ở Melbourne, Australia, theo một chương trình hỗ trợ nhập cư. Chi phí bay tới Australia của anh được chính phủ nước này chi trả. Để về thăm nhà, anh phải tự chi khoảng 800 bảng. Điều này là bất khả thi đối với mức lương 30 bảng mỗi tháng của anh.
“Tôi sẽ phải mất nhiều năm trời mới kiếm đủ tiền vé về nhà. Thế rồi tôi quyết định tự đóng thùng mình gửi về nhà, nhờ John và Paul giúp đỡ”, Robson kể lại.
Chàng trai mất một tuần để thuyết phục hai người bạn của mình. Paul sử dụng máy đánh chữ giúp anh hoàn thiện giấy gửi bưu kiện. Kế hoạch của họ là gửi Robson đến một địa chỉ ở Anh. Sau đó, anh sẽ bỏ lại chiếc thùng ở sân bay Heathrow (London) và trốn về Cardiff.
Họ chuẩn bị một chiếc thùng vừa đủ lớn. Ba ngày trước khi khởi hành, Robson cẩn thận uống thuốc nhuận tràng để tránh đi vệ sinh trong chuyến bay. Đúng ngày, John và Paul niêm phong “món hàng” và gửi thùng chứa Robson lên máy bay.
Cuộc hành trình nguy hiểm và mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Sau khi đến trạm dừng ở Sydney, Robson phải chờ 24 giờ trong kho hàng. Không may, chuyến bay thẳng đến Heathrow đã hết chỗ và chiếc thùng chứa Robson bị chuyển lên chuyến bay đến Los Angeles.
“Tôi đã ngồi trong thùng 5 ngày và cuối cùng bị chuyển đến một kho chứa hàng. Tôi cứ nghĩ rằng mình đang ở London”, Robson nói.
Lúc này, người thanh niên đã quá yếu để tự mình thoát ra. Anh có thể mất mạng nếu hai nhân viên vận chuyển hàng hóa không phát hiện ra tín hiệu kêu cứu từ chiếc thùng.
Robson làm việc tại công ty đường sắt Victoria ở Melbourne, Australia (Ảnh: Getty Images)
Sau 96 giờ ròng rã trong thùng hàng, Robson phải nằm viện 5 ngày để phục hồi sức khỏe. Tiếp đó, anh phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn với Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ để chứng minh mình không phải gián điệp. Cuối cùng, Robson được giám đốc FBI sắp xếp đưa về Vương quốc Anh.
Hiện Brian Robson đã 76 tuổi. Ông tha thiết muốn tìm lại hai người bạn đã giúp đỡ mình. Ông không nhớ được quê quán và tên họ đầy đủ của họ. Tất cả thông tin chỉ là là hai cái tên John và Paul, hai người từng học ở Ireland và làm việc cùng công ty.
“Nếu có thể gặp lại họ, tôi chỉ muốn nói rằng tôi xin lỗi vì đã khiến họ vướng vào chuyện này và tôi rất nhớ hai người”, ông Robson nói.