Suy gan là tình trạng suy giảm khả năng thực hiện các chức năng bình thường của gan, xảy ra khi phần lớn tổ chức gan bị tổn thương và không có khả năng hoạt động. Đây thường là giai đoạn cuối của nhiều bệnh gan, xảy ra khi phần lớn cơ quan đã bị hư hại, không thể phục hồi, nhưng cũng có thể xảy ra cấp tính do ngộ độc thuốc…
Cảnh báo đáng báo động về suy gan
Một chuyên gia về tiêu hóa người Mỹ đã lên TikTok cảnh báo về tình trạng gia tăng ca bệnh suy gan ở người trẻ.
Tiến sĩ Joseph Salhab, bác sĩ tiêu hóa và chuyên gia về gan tại Florida, Mỹ, cho biết: "Các bác sĩ về gan vừa đưa ra một thống kê đáng báo động, đó là ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ bị suy gan ở độ tuổi 25 đến 35".
"Và thủ phạm phổ biến nhất đằng sau điều này là sử dụng rượu. Và điều này chắc chắn trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch".
Trong clip TikTok, bác sĩ Salhab trích dẫn một bài viết đăng trên báo CNBC tháng 10 năm 2023. Bài báo có đoạn: "Theo các bác sĩ, việc uống rượu quá mức trong đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ mắc bệnh gan liên quan đến rượu cần ghép gan tăng vọt".
Theo bài báo, các trung tâm cấy ghép trên khắp Mỹ đang báo cáo nhiều bệnh nhân cần gan mới hơn bao giờ hết, đôi khi số lượng bệnh nhân cần cấy ghép tăng gấp đôi so với mức trước đại dịch.
Trên thực tế, bệnh gan do rượu đã vượt qua các bệnh lý khác như viêm gan C và bệnh gan nhiễm mỡ để trở thành lý do số một để ghép gan.
"Nhân khẩu học cũng đã thay đổi. Trước đây, bệnh nhân cần ghép gan là những người đàn ông lớn tuổi ở độ tuổi 60. Hiện nay, bệnh nhân cần ghép gan thường ở độ tuổi 20, 30 và số lượng phụ nữ cần ghép gan ngày càng tăng", bài báo có đoạn.
Bác sĩ Salhab cũng nhấn mạnh vấn đề bệnh gan ngày càng trẻ hóa.
"Bạn thường thấy bệnh gan và xơ gan do rượu ở người lớn tuổi. Bây giờ chúng ta thấy nó thường xuyên hơn ở những người trẻ tuổi", bác sĩ tiêu hóa nói.
"Và một khi bạn đã đến mức xơ gan thì gần như không thể đảo ngược và thường phải ghép gan".
"Và gan hiến tặng thực sự rất hiếm. Bạn không bao giờ muốn để bệnh diễn tiến đến giai đoạn đó. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang chăm sóc sức khỏe gan của mình".
Cuối clip, bác sĩ Salhab nhắn nhủ những điều mọi người cần làm để bảo vệ lá gan.
"Hãy đảm bảo bạn luôn theo dõi thực phẩm mình tiêu thụ, tránh bất kỳ chất độc nào có thể gây hại trực tiếp cho gan, đảm bảo bạn được kiểm tra gan ít nhất một hoặc hai lần một năm", bác sĩ Salhab nói.
Người phụ nữ phải ghép gan ở tuổi 30
Bài báo của CNBC còn trích dẫn một ca bệnh ung thư gan cần phải ghép gan ở tuổi 30.
Một phụ nữ giấu tên đã ghép gan tại hệ thống y tế UCHealth (Mỹ). Cô nói mình đã uống rượu nhiều tháng trước khi xảy ra đại dịch nhưng cảm thấy điều đó dễ chấp nhận hơn khi mọi nơi phong tỏa.
Cô nói: "Việc uống rượu được chấp nhận nhiều hơn vào thời điểm đó. Uống rượu khiến tôi tạm quên mọi lo lắng, giúp tôi phấn chấn... Và tôi đã rất buồn, tôi chỉ uống khi tôi buồn. Tôi đã tự điều trị cảm giác buồn của mình".
Người phụ nữ cho biết mình đã ngừng uống rượu vào đầu năm 2021 và bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu để cai rượu.
Tuy nhiên, cô bắt đầu trở nên ốm yếu suốt nhiều tháng cho đến khi được chuyển đến UCHealth vào tháng 11 năm 2021. Tại đây, cô được chẩn đoán mắc ung thư gan. Cô được ghép gan vào tháng 12 năm 2022.
Cô nói: "Thật đáng sợ. Phải thừa nhận sai lầm. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy bị phán xét khi ở bệnh viện, điều đó rất quan trọng và chính thái độ không phán xét đó đã giúp tôi đi đúng hướng, giúp tôi nhận ra rằng những người khác tin tưởng vào tôi và tôi không thể nói cho bạn biết điều đó có ích đến mức nào".
Dấu hiệu suy gan
Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng của suy gan:
Triệu chứng ban đầu có thể là:
- Cảm giác buồn nôn
- Chán ăn
- Cảm giác mệt mỏi
- Tiêu chảy
- Giảm cân
Khi tình trạng suy gan trở nên nặng hơn, các dấu hiệu cũng sẽ bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn:
- Vàng mắt, vàng da
- Bầm da hoặc chảy máu
- Phù chân
- Bụng bị chướng, tích tụ dịch trong bụng
Mọi người cần lưu ý rằng các dấu hiệu trên có thể liên quan đến các vấn đề hoặc các rối loạn khác. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.