Ngày 1/7, đài truyền hình MBC đưa tin một diễn viên gạo cội họ Song, 86 tuổi, hiện cộng tác trong trường đào tạo về diễn xuất. Ông bị nhiều cô gái tố cáo tấn công tình dục, lợi dụng chức quyền để thực hiện hành vi không đứng đắn.
Vụ diễn viên họ Song tiếp tục khiến dư luận phẫn nộ, sụp đổ thần tượng khi gần đây, loạt sao nổi tiếng vướng đời tư ồn ào, từ sử dụng chất cấm, lừa đảo đến bị cáo buộc tấn công tình dục.
"Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc là thế giới khắc nghiệt. Họ có thể nổi tiếng sau một đêm, hoặc mất tất cả trong một ngày", SCMP bình luận.
Mất tất cả sau một đêm
Vụ việc đang gây chấn động và bàn tán nhất trong giới giải trí Hàn hiện tại là danh tính người đàn ông họ Song quấy rối tình dục nữ sinh độ tuổi 20. Trong đoạn ghi âm do MBC tung ra, dù nữ sinh liên tục van xin "Làm ơn đừng làm vậy", "Tôi cầu xin đừng làm thế"... diễn viên 86 tuổi vẫn tiến tới sờ mó, thực hiện hành vi đồi bại trong trường học. Nữ sinh chịu đựng để có bằng chứng tố cáo.
Người đàn ông sinh năm 1938 là giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul. Trong báo cáo, cảnh sát cho biết người đàn ông dùng học bổng làm mồi dụ dỗ nữ sinh. Sau khi vụ việc bị phanh phui, trường học chấm dứt mối hợp đồng với diễn viên họ Song.
Sau khi bị cảnh sát âm thầm điều tra và tung bằng chứng, người đàn ông họ Song thừa nhận tội trạng. Lập tức, ông bị trường chấm dứt hợp đồng do làm ô uế môi trường giáo dục.
Chỉ một ngày trước, nam ca sĩ Yoon Hyuk (thành viên nhóm December) bị bắt giữ, truy tố vì vi phạm Đạo luật trừng phạt hành vi liên quan tội phạm kinh tế, theo SBS. Văn phòng công tố Incheon cho biết nam ca sĩ chiếm đoạt tài sản của hơn 20 người quen với tổng số tiền hơn 1 tỷ won (khoảng 20 tỷ đồng).
Thủ đoạn của Yoon Hyuk là mượn tiền của nạn nhân, hứa trả gốc lẫn lãi cao. Nhưng sau đó anh biến mất cùng số tiền lớn của hơn 20 người. Theo báo cáo, nạn nhân gồm bạn thân, một số nghệ sĩ, người quản lý cùng người hoạt động trong ngành luật.
Đầu tháng 4, công chúng sốc với thông tin Ảnh đế trẻ tuổi nhất Hàn Quốc bị điều tra vì sử dụng chất cấm. Ban đầu, nhiều fan không tin vì Yoo Ah In là một trong những diễn viên kín tiếng, thần tượng hàng đầu của Hàn Quốc. Đến khi Sở cảnh sát Seoul ra lệnh triệu tập, công chúng mới ngã ngửa.
Theo Newsen, Yoo Ah In bị giải đến trại giam vì bê bối sử dụng chất cấm, tiêu hủy chứng cứ và giúp nghi phạm tên Choi trốn ra nước ngoài. Trả lời phóng viên tại tòa án, diễn viên Hellbound thừa nhận phần lớn cáo buộc. Nhưng khi được hỏi việc giúp Choi trốn ra nước ngoài, Yoo Ah In nói: "Tôi chưa bao giờ có ý định giúp ai chạy trốn".
Trong vòng chưa đầy một ngày, Yoo Ah In bị hàng loạt nhãn hàng gạch tên. Sự sụp đổ của thần tượng sa ngã khiến công chúng sợ trước độ khắc nghiệt của giới giải trí Hàn.
Gần đây, Kim Seon Ho trở lại với vai nam chính trong phim điện ảnh Quý công tử. Đẹp trai, diễn xuất ổn, chiều fan... là yếu tố giúp nam diễn viên bật lên sau nhiều năm làm "vai phụ được thích hơn vai chính".
Trước đó, tài tử sinh năm 1986 chiếm tình cảm của fan, trở thành tài tử đắt giá khi đảm nhận vai chàng trai làng chày học giỏi, siêng năng, luôn giúp đỡ người khác trong Điệu cha-cha-cha làng biển. Nhưng mọi thứ như sụp đổ khi Seon Ho bị khui ồn ào đời tư.
Theo SCMP, ít ngày trước khi kết thúc series đưa anh lên hàng sao hạng A, bạn gái cũ tố bị nam diễn viên ép phá thai, nói xấu đồng nghiệp. Vụ việc khiến Kim Seon Ho lên tiếng xin lỗi, hủy bỏ nhiều dự án như chương trình tạp kỹ Hai ngày một đêm, rút khỏi phim Dog Days, 2 O'Clock Date. Nhiều thương hiệu cũng rút quảng cáo của Kim Seon Ho.
Đến khi tin tức Kim Seon Ho chăm sóc bạn gái mang thai ngoài ý muốn được tung ra, nam diễn viên dần lấy lại danh tiếng, mất khoảng hai năm để xuất hiện với vai trò nam chính trong bộ phim điện ảnh.
Số phận sao Hàn phụ thuộc công chúng
Theo Korea Times, số phận sao Hàn Quốc đối mặt cáo buộc hành vi sai trái hoàn toàn trái ngược với minh tinh Hollywood. Song Jae Ryong, giáo sư xã hội học tại Đại học Kyung Hee, lý giải người nổi tiếng Hàn Quốc đôi khi trở thành nạn nhân của những kỳ vọng cao trong xã hội tập thể, nơi mà sự tuân thủ và vâng lời được coi trọng và sự khác biệt bị phản đối.
"Người Hàn có xu hướng đứng về phía đám đông, đặt đối tượng từ các nhóm xã hội khác nhau vào phe đối lập. Họ ít chấp nhận những người khác biệt. Người nổi tiếng lại nổi bật, thu hút sự chú ý nên công chúng có xu hướng ít khoan dung hơn với bất kỳ hành vi sai trái nào về đạo đức", giáo sư nói.
Nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik cho rằng cấu trúc xã hội tập thể đặt tiêu chuẩn đạo đức lên quyền riêng tư cá nhân. Điều đó khiến nhân vật của công chúng phải tuân theo quy tắc ứng xử nghiêm ngặt.
"Hàn Quốc có cấu trúc truyền thông tập trung, dù nó đang thay đổi với sự xuất hiện của phương tiện truyền thông xã hội, kỹ thuật số. Vì vậy, sau khi truyền thông phản ánh, vấn đề tiêu cực của sao lan nhanh chóng và tác động lớn", chuyên gia nói.
Mạng xã hội khiến công chúng dễ kích động hơn. Chỉ cần tin tiêu cực về nghệ sĩ xuất hiện, họ tập họp lại thành nhóm tẩy chay và gây áp lực lên nhãn hàng.
"Trong xã hội gắn bó chặt chẽ, họ dễ dàng chi phối, quyết định số phận nhãn hàng. Vì vậy, các tập đoàn có hành động hủy bỏ hợp đồng quảng cáo với người nổi tiếng để tránh xa tiêu cực", Kim Hern Sik nói.
Nhà phê bình Ha Jae Geun lại cho rằng công chúng như được "hành đạo", cảm giác được minh oan khi đuổi người nổi tiếng dính bê bối khỏi công việc.
"Việc công chúng lên tiếng khiến người nổi tiếng bị hủy show, rút lui mang lại cảm giác hài lòng. Điều đó đôi khi khiến họ trở thành những nhà phê bình gay gắt, đồng thời làm người nổi tiếng 'sống đúng hơn", Ha Jae Geun nói.