Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế kế hoạch hóa thời Xô Viết không hiệu quả, không thể cung cấp đủ hàng hóa cho đất nước, không cạnh tranh được với nền kinh tế thị trường Phương Tây; chính nền kinh tế này đã làm suy yếu, và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết - điều liên tục được nhắc đi nhắc lại quanh đời sống chính trị của nước Nga.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào nước Nga, nhà nước kế thừa của Liên Xô, người ta không khó để có thể nhận thấy những di sản và tài sản khổng lồ của nền kinh tế, khoa học-kỹ thuật và văn hóa thời kỳ Xô Viết còn tồn tại.
Các công trình cơ sở hạ tầng thời Xô Viết
Phần lớn người dân Nga hiện nay vẫn sống trong những ngôi nhà được xây dựng từ thời Xô Viết. Trong khi những ngôi nhà được xây vào thời Khrushchev đang dần được tháo dỡ, thì những ngôi nhà xây từ thời Stalin vẫn tồn tại vững bền, vì chúng được đánh giá cực kì cao về chất lượng.
Những ngôi nhà hiện đại được xây dựng trong thời kỳ hậu Xô Viết, thực tế cũng có nguồn gốc từ thời Xô Viết. Nói như vậy là bởi toàn bộ các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như nhà máy sản xuất gạch và xi măng, nhà máy sản xuất kết cấu xi măng cốt thép, các nhà máy sản xuất kim loại... đều được xây dựng từ thời Liên Xô.
Hầu hết cơ sở hạ tầng và giao thông nước Nga đang sử dụng hiện nay được xây dựng bởi Chính quyền Liên Xô cũ. Những năm gần đây người ta cũng chỉ rải thêm nhựa đường lên những con đường sẵn có.
Đa số nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, các tòa nhà của các cơ quan hành chính - đều là các công trình Xô Viết. Tháp Ostankino (tháp Đài truyền hình Trung ương tại thủ đô Moscow) và các trung tâm truyền hình địa phương cũng được xây dựng từ thời Liên Xô.
Tháp truyền hình Ostankino. Ảnh: Askideas.
Các xí nghiệp lớn còn hoạt động hiện nay cũng đều được chính quyền Xô Viết xây dựng. RusAl (Nhà máy sản xuất nhôm), NHK (Tập đoàn sản xuất kim loại Magnitogorsk), Nornikel (Nhà máy sản xuất nikel) và rất nhiều nhà máy, xí nghiệp khổng lồ khác có cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay đều hình thành dưới thời kỳ Xô Viết.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, không thể không nhắc đến cái tên nhà máy sản xuất ô tô KAMAZ được thành lập từ thời Xô Viết. Bản thiết kế của nhà máy là AvtoVAZ được người Ý mua, nhưng sau đó chính quyền Liên Xô đã mua lại bằng ngân sách nhà nước, và tiếp tục hoàn thiện nó trong thời kỳ Xô Viết.
Cách đây không lâu, nhà máy này vẫn tiếp tục cho xuất xưởng các mẫu xe từ thời Xô Viết như xe "Deviatka" (VAZ-2109) và "Deciatka" (VAZ-2110). Chỉ mới gần đây, các mẫu xe Xô Viết Ziguli mới được thay thế hoàn toàn bằng các mẫu xe mới hiện đại.
GAZ, một tổ hợp công nghiệp ô tô quy mô khác, cũng lại là một công trình của Xô Viết. Vì điều này mà tất cả các xe Gazelle đang được sản xuất hiện nay, có thể nói là nhờ chính quyền Xô Viết.
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng VPK cũng sử dụng 100% các tài sản từ thời Xô Viết. Các cơ sở trực thuộc VPK như Nhà máy xe tăng Uralvagonzavod, các nhà máy đóng tàu, sản xuất máy bay, các phòng thiết kế và nhiều nhiều công trình quân sự khác cũng được xây dựng dưới thời Xô Viết. Ngay cả loại xe tăng tiên tiến T-14 "Armata" cũng là sản phẩm hoàn thiện từ những thiết kế vốn đã được triển khai từ thời Liên Xô.
Xe tăng chủ lực T-90, súng tự động và súng máy Kalashnikov, súng bắn tỉa SVD, súng ngắn PM, các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Grad, Smerch và Uragan đều là các thiết kế huyền thoại của thời kỳ Xô Viết và nay chúng vẫn vang danh khắp thế giới.
Thậm chí cả Iskander – loại tên lửa đạn đạo có tính răn đe chiến lược của Quân đội liên bang Nga cũng được phát triển dựa trên các mô hình tên lửa thời Xô Viết.
Công nghiệp chế tạo máy bay trực thăng, một trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao mà nước Nga còn giữ được vị trí dẫn đầu, cũng là một tài sản thừa kế từ thời Liên Xô. Đến nay nước Nga vẫn sản xuất các mẫu trực thăng Mil Mi thời Xô Viết, và đương nhiên chúng vẫn rất được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Bệ phóng tên lửa tại sân bay vũ trụ Baikonur. Ảnh: Space.com.
Các tàu vũ trụ vẫn được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan – một công trình vũ trụ được xây dựng từ thời Xô Viết. Sân bay vũ trụ Vostochny, dự tính sẽ thay thế cho Baikonur, vẫn chưa biết khi nào mới có thể chính thức đi vào hoạt động.
Thành phố khoa học Akademgorodok, một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất của nước Nga nói riêng và của toàn thế giới nói chung, cũng được xây dựng vào thời kỳ Xô Viết.
Ngay cả thành phố Skolkovo, nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon của nước Nga, cũng không thể sánh bằng Akademgorodok nếu xét về quy mô. Ngoài ra còn có thành phố Zelenograd cùng các Viện khoa học, phòng thí nghiệm và các viện thử nghiệm trên khắp đất nước Nga, gần như toàn bộ các cơ sở này đều được hình thành dưới thời kỳ Xô Viết.
Trào lưu "Sản xuất tại Liên Xô"?
Quả thực, nước Nga vẫn còn được kết thừa nhiều di sản khác từ thời Xô Viết.
Người Nga bây giờ vẫn xem các bộ phim sản xuất từ thời Xô Viết. Phần lớn các trường học và các trường đại học cũng được xây dựng trong thời kỳ Xô Viết.
Hiện nay sinh viên nước Nga vẫn tiếp thu kiến thức qua những cuốn sách giáo khoa tốt nhất được viết dưới thời Xô Viết. Trong các trường phổ thông, giáo viên vẫn tiếp tục sử dụng những bộ sách giáo khoa thời kỳ Xô Viết để giảng dạy, bởi vì chưa có hệ thống sách giáo khoa mới nào có chất lượng cao hơn để thay thế.
Trong thời gian gần đây, một vài doanh nghiệp thực phẩm đã sản xuất theo Bộ tiêu chuẩn nhà nước Liên Xô (GOST) hoặc áp dụng một số tiêu chuẩn của GOST. Lí do GOST được áp dụng là vì bộ tiêu chuẩn này đảm bảo chất lượng cao, và trong kí ức của phần lớn người dân Nga vẫn còn lưu lại ấn tượng về những chiếc bánh mỳ, kem, và xúc xích kolbasa tuyệt hảo thời Xô Viết.
Ở thành phố Novosibirsk hiện có một chuỗi cửa hàng thịt mang tên Torgovaya Ploshad. Tại đây, ngoài các loại xúc xích kolbasa và xúc xích hiện đại, cửa hàng còn bán một mặt hàng xúc xích đặc biệt với nhãn hiệu "Như Ngày xưa", để nói rằng loại xúc xích này có chất lượng giống như thời Xô Viết.
Ảnh minh họa - xúc xích kolbasa. Nguồn: russianfoods.com.
Các món hàng này được xếp tại nơi dễ nhận thấy nhất trong cửa hàng, và luôn luôn được người tiêu dùng lựa chọn. Những người tiêu dùng vẫn xếp hàng dài để mua chúng bởi họ vẫn nhớ món xúc xích kolbasa luộc thời Liên Xô rất ngon và được làm hoàn toàn bằng thịt (tức không pha trộn phụ gia).
Đối với kem cũng vậy, một trong những loại kem đắt tiền và chất lượng nhất là kem làm theo kiểu Xô Viết cũ, tuy hiện nay mặt hàng này đã không còn phổ biến bởi sự lấn át của kem nhập khẩu.
Cách đây không lâu, có một trường hợp rất thú vị tại một cửa hàng thực phẩm, đó là một món thịt hộp có tên là "Sản xuất tại Liên Xô". Nhãn hiệp trên hộp thịt có 2 màu đỏ và vàng, phía bên trên là lá cờ đỏ búa liềm lớn với dòng chữ "Sản xuất tại Liên Xô".
Món thịt hộp này chắc chắn được sản xuất theo tiêu chuẩn GOST hiện đại, chứ không phải GOST Xô Viết. Nhưng nó được cố ý làm theo phong cách Xô Viết, đó là phương pháp quảng cáo sản phẩm nhằm thu hút thị hiếu của người mua.
Kết luận
Vậy tại sao nhà sản xuất lại quyết định "Xô Viết hóa" các sản phẩm của mình để lôi kéo người tiêu dùng? Chỉ có đúng một lý do là trong trí nhớ của mọi người vẫn còn lưu giữ cảm nhận rằng những sản phẩm Xô Viết đều vô cùng chất lượng.
Và ngay cả ông Vladimir Putin, vị Tổng thống mà nếu không có ông, thì người Nga sẽ không tưởng tượng được tương lai của nước Nga sẽ ra sao, cũng là một con người được "sinh ra tại Liên Xô".
Liên đoàn tài nguyên Nga – có cơ sở hình thành dựa trên các mỏ dầu khí giàu có và được các nhà địa chất Xô Viết phát hiện, cùng toàn bộ cơ sở hạ tầng đường ống đều được gây dựng tại Liên Xô.
Đây chính là những di sản của Liên Xô trong lòng nước Nga, mà bấy lâu nay nhiều người cho rằng nó đã hoàn toàn biến mất không để lại bất cứ dấu vết nào.
* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Alexander Rusin, cây viết trên trang publizist.ru.