Suốt 8 năm nữa sẽ không có ngày 30 Tết: Các chuyên gia lý giải chi tiết nguyên nhân

Duy Anh |

Theo Lịch Vạn niên, đến tận năm 2033, người dân mới lại được đón Giao thừa vào đêm 30 Tết như năm nay.

Vì sao âm lịch lại có tháng thiếu, còn dương lịch thì không?

Theo Lịch Vạn niên, Tết Nguyên đán năm 2024 có ngày 30 tháng Chạp, tức ngày 30/12 âm lịch.

Tuy nhiên, từ năm 2025-2032, tháng Chạp chỉ có 29 ngày. Điều đó có nghĩa là sau năm 2024, phải chờ thêm 8 năm nữa (đến năm 2033) mới lại có ngày 30 Tết, điều này khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng vì cảm giác tất bật, háo hức những ngày giáp Tết thường đem lại những cảm xúc thú vị, ai nấy đều muốn tận hưởng trọn vẹn cảm xúc ấy trong một tháng đủ 30 ngày.

Suốt 8 năm nữa sẽ không có ngày 30 Tết: Các chuyên gia lý giải chi tiết nguyên nhân- Ảnh 1.

Hình vẽ mô tả các pha của mặt trăng tương ứng với vị trí của nó trên quỹ đạo quay quanh trái đất. Ảnh: Vật Lý Thiên Văn

Theo phân tích trên báo Lao động, khác với dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời (làm tròn là 365 ngày, mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày), thì trong âm lịch, số ngày trong tháng được tính dựa trên chu kỳ mặt trăng trong mối tương quan với trái đất và mặt trời.

Thời điểm thứ tự trái đất - mặt trăng - mặt trời nằm thẳng hàng, người quan trắc đứng trên trái đất không còn nhìn thấy mặt trăng, đó là ngày mùng 1 (ngày Sóc).

Khi thứ tự mặt trăng - trái đất - mặt trời nằm thẳng hàng, đó là thời điểm trăng tròn. Mặc dù ngày rằm (ngày 15 âm lịch) chưa chắc đã đúng là lúc trăng tròn, nhưng ngày mùng 1 thì luôn luôn là ngày Sóc.

Cách làm lịch âm khá chi tiết và phức tạp, chu kỳ chính xác của một vòng mặt trăng chuyển động là 29,53 ngày. Vì vậy, sẽ có tháng đủ (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày).

Suốt 8 năm nữa sẽ không có ngày 30 Tết có bất thường?

Trao đổi về hiện tượng trên với PV báo Người lao động, ông Hoàng Quốc Phương, thành viên Ban Chủ nhiệm Hội Thiên văn học Hà Nội cho rằng, việc 8 năm không có ngày 30 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) không phải là hiện tượng thiên văn hay hiện tượng thần bí gì đặc biệt, nó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ở một mức độ hiếm.

Theo ông Phương, trong một năm, có nhiều tháng âm lịch 29 ngày thì việc 8 năm liền tháng 12 âm lịch thiếu ngày cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra về mặt xác suất.

"Mấu chốt của vấn đề này là thời điểm xuất hiện điểm Sóc thay đổi liên tục và không phải lúc nào cũng rơi vào lúc 12 giờ cho chẵn ngày", ông Phương lý giải.

Suốt 8 năm nữa sẽ không có ngày 30 Tết: Các chuyên gia lý giải chi tiết nguyên nhân- Ảnh 2.

Màn pháo hoa rực rỡ chào đón năm mới tại TPHCM.

Bàn về quy luật cách tính lịch âm, chuyên gia Trần Tiến Bình, tác giả cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI đã chia sẻ một ví dụ thú vị trên Chính sách & Cuộc sống, đó là vào năm 1968, Việt Nam bắt đầu dùng lịch tính theo múi giờ thứ 7 thì Việt Nam ăn Tết trước Trung Quốc 1 ngày. Nguyên nhân là ngày 31/12/1967 tương ứng với ngày mùng 1 tháng Chạp cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc nhưng điểm Sóc kế tiếp xảy ra lúc 23 giờ 29 phút giờ Việt Nam ngày 29/1/1968 nên tháng Chạp ở lịch Việt Nam chỉ có 29 ngày (tháng thiếu), lúc này theo giờ Bắc Kinh đã là 0 giờ 29 phút ngày 30/1 (tháng đủ). Do vậy, mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968 tại Việt Nam sớm hơn Trung Quốc 1 ngày.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, người lao động được nghỉ 7 ngày, từ ngày 8/2 đến 14/2/2024, tức từ 29 tháng Chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng Giêng Giáp Thìn.

Dự báo thời tiết trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn ở miền Bắc khả năng có không khí lạnh, trời rét, nhiệt độ khoảng 19-10 độ; miền Nam nắng ráo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại