Hai ngày nay, TP HCM chìm trong sương mù vào buổi sáng. TP HCM hiện chưa có hệ thống quan trắc không khí liên tục, cố định do cơ quan Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAM Air với hàng chục điểm đo, ô nhiễm không khí ở TPHCM sáng qua và sáng nay lên ngưỡng đỏ với chỉ số chất lượng không khí AQI dao động từ 150-200.
Đáng lưu ý, điểm đo ở Tân Tạo (quận Bình Tân) lên ngưỡng tím-ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.
Cùng với TPHCM, ô nhiễm nghiêm trọng xuất hiện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Theo ghi nhận của Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí Hà Nội sáng nay lên ngưỡng xấu (ngưỡng đỏ-có hại cho sức khỏe mọi người, tại điểm đo vườn hoa Hồng Hà của tỉnh Quảng Ninh lên ngưỡng kém (chỉ số chất lượng không khí AQI dao động từ 100-150).
Trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng ở mức đỏ. Nhiều điểm đo ở Bắc Trung Bộ như thành phố Vinh, thành phố Huế, thị xã Hồng Lĩnh cũng lên ngưỡng đỏ vào sáng nay.
Trước đó, tại cuộc họp liên ngành của Bộ TNMT với các bộ, ngành địa phương về tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhiều nguyên nhân ô nhiễm được xác định.
Nguyên nhân hàng đầu là giao thông. Tại TPHCM có 700 nghìn ô tô, 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông từ của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Ô nhiễm tại TPHCM sáng nay, theo ghi nhận của Hệ thống quan trắc PAM Air
Ô nhiễm còn phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại TP HCM).
Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..), riêng tại TP HCM thải.
Ngoài ra, ô nhiễm còn xuất phát từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh (chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày).
Phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.
Ô nhiễm môi trường không khí thường tập trung cao điểm vào thời kỳ giao mùa, xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt.
Trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về người dân bảo vệ sức khoe trong những ngày ô nhiễm lên ngưỡng xấu như thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin của cơ quan chức năng, hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời.
Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Với nhóm nhạy cảm gồm người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.