Cận Tết, đường xá ùn tắc kinh hoàng. Tôi ra đường thấy ai ai mặt mày nhăn nhúm, họ chạy bên lọ, xọ bên kia, chửi tục, lầm bầm, cáu bẳn, đánh nhau... họ có bao nhiêu việc phải lo nhưng lại phải đứng phơi mặt ngửi khói ở đường. Họ hoàn toàn không biết tận hưởng cuộc sống tắc đường như thế nào cho hạnh phúc nhất.
Với riêng tôi, tắc đường là những ngày tuyệt đẹp. Thậm chí có thể nói, tôi yêu những ngày tắc đường cận Tết này một cách khủng khiếp.
Đầu tiên, tôi sẽ không phải đi trốn nợ. Năm nào đến Tết chủ nợ cũng phải lạy van tôi trả tiền đúng hạn.
Tôi chẳng có tiền nhưng hay bảo họ, gần Tết tôi sẽ trả, anh chị cứ đến ngay chỗ tôi đang đứng, tôi cầm cả bọc tiền tỷ trong tay, đến đây tôi trả cho bằng hết. Mặc dù chủ nợ rất thèm tiền nhưng họ không có cách gì đến được.
Như hôm qua, tôi đi bộ, len vào giữa đoạn đường từ Giải Phóng ra bến xe nước ngầm.
Tôi đứng giữa vòng tay che chở của hàng ngàn người, hàng ngàn phương tiện rồi giục chủ nợ, tôi cho các anh 5 tiếng, mời các anh ra lấy tiền, nếu ra chậm tôi không chịu trách nhiệm.
Anh chủ nợ phải nói cũng là người tử tế, anh ta vâng vâng dạ dạ rồi bảo tôi chờ ở đó, anh ta sẽ ra ngay. Nhưng tôi biết anh ta có mọc cánh bay cũng chẳng đến kịp.
5 tiếng sau anh ta gọi lại, mồm miệng méo xệch đi rồi khóc, anh chủ nợ bảo ối giời ôi, tôi mới ra được khỏi cửa, chưa nhúc nhích được bước nào. Tôi cười khoái trá nhưng bất chợt cũng thấy mình đểu cáng quá.
Hoàn cảnh ép tôi đến bước đường cùng. Nhưng thôi kệ, tôi chỉ áy náy một lúc rồi lại cầm điện thoại gọi cho những chủ nợ khác. Hầu hết họ đều khóc than và xin lỗi tôi.
Đường phố Hà Nội ùn tắc liên tục những ngày cận Tết. Ảnh: VOV
Ngoài chuyện thoát được kiếp nạn đòi nợ, tôi cũng thoát luôn cảnh vợ mình kìm kẹp, bắt phải về nhà đúng giờ như những ngày thường. Nói không ngoa chứ những ngày tắc đường là những ngày tôi tự do đúng nghĩa.
Sáng sớm tôi xách xe đi làm. Chiều tôi ngồi chén chú chén anh với đám bạn. Cả lũ hồ dô uống say bò lê bò càng rồi ôm vai bá cổ nhau đi bộ về nhà.
Chúng tôi được sống như thời trai trẻ, tự do tán tỉnh mấy cô em phục vụ bàn, tự do ra đường liếc mắt đưa tình với những cô gái chân dài đi kẹp ba kẹp bốn và đang tắc cứng ở đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Khánh Toàn, đường Láng...
Bình thường họ được chở trên xe máy 4,5 người phóng bay phơi phới. Nay họ đứng đó, dậm chân bành bạch vì không kịp giờ đến chỗ khách gọi.
Tôi rất muốn khuyên các cô gái trẻ ấy hãy sống thật chậm như tôi, coi tắc đường là niềm vui nhưng chỉ lo các anh bạn trẻ bảo kê họ đấm cho tôi mấy nhát.
Tắc đường khiến tôi không còn sợ vợ, không sợ chủ nợ và cũng không sợ luôn sếp của mình. Sếp của tôi là người nguyên tắc, lão ta hay hỏi tiến độ, tiến độ.
Nếu ngày bình thường tôi thường phải xun xoe rằng thưa anh, em sẽ cố gắng, em sẽ phát huy, tích cực, thực hiện theo quy trình nhanh nhất...
Nhưng những ngày này, tôi ưỡn ngực mà nói rằng, ông có giỏi đưa tôi ra khỏi đám tắc đường này, tôi đến được cơ quan thì ông không phải nhắc.
Sếp tôi quả nhiên hiểu chuyện, ông ta nhã nhặn dặn dò, chú đừng lo lắng quá, anh chỉ nhắc thế thôi chứ bây giờ cả thành phố đang như không có lối thoát.
Anh cũng đang tận hưởng tắc đường đây. Hoá ra lão ta cũng là bậc cao thủ chứ không phải người thường. Nhưng dù gì cũng có người hiểu và chia sẻ những ngày ùn tắc tuyệt diệu với tôi.
Tôi sung sướng quá, tôi đứng giữa đám tắc đường hét vang: Tắc đường tuyệt quá, tôi yêu tắc đường, yêu các bạn, yêu xe máy, yêu oto, hãy ùn tắc nữa đi, mãi mãi.
Khi tôi hét xong thì có vài người chửi thằng thần kinh nhưng cũng có ai đó thông cảm, họ bảo, rõ khổ, nó phát điên vì đường tắc.
Tôi không muốn giải thích, những người đó đúng là chẳng hiểu gì về tôi, về thành phố cận Tết và về nỗi sướng vui tắc đường.
Họ thật tội nghiệp vì tự dồn nhau vào đám tắc đường rồi than vãn. Đó là bi kịch của những người không thể tìm được niềm vui giữa nghịch cảnh của cuộc đời!
>> Clip: Tắc đường khủng khiếp những ngày cận Tết ở Hà Nội (nguồn: Đăng Khoa/VTC News)
Tắc đường khủng khiếp những ngày cận Tết ở Hà Nội (nguồn: Đăng Khoa/VTC News)