Anh L.V.Q (40 tuổi, trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng đau tức vùng hạ vị nhiều ngày. Trước đó, anh cũng đã đi khám và điều trị nhưng không đỡ, gia đình đã đưa anh tới Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy để kiểm tra.
Tiếp nhận trường hợp của anh, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp - LCK đã thăm khám, chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy tại bàng quang của anh có nhiều sỏi, viên lớn nhất kích thước 32 x 37mm.
Nhận được kết quả kiểm tra, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật lấy sỏi bàng quang cho anh L.V.Q. Sau gần 1h đồng hồ trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy 4 viên sỏi như những viên đá trứng ra khỏi bàng quang bệnh nhân.
Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe anh Q. đã ổn định và được ra viện.
Nhận biết triệu chứng của sỏi bàng quang và cách điều trị
Sỏi bàng quang được hình thành bởi sự tích tụ của các khoáng chất. Sỏi bàng quang thường gặp ở nam giới và liên quan đến sự ứ đọng nước tiểu do chướng ngại ở cổ bàng quang hay niệu đạo.
Khi mắc sỏi bàng quang, người bệnh thường có biểu hiện đường tiểu dưới, tiểu ngắt quãng giữa dòng. Bí tiểu, tiểu máu, nước tiểu cặn đục. Sốt khi có nhiễm trùng, tuy nhiên trên thực tế có một số trường hợp không có triệu chứng.
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, trong đó với nguyên tắc lấy sạch sỏi; Giải quyết tình trạng bế tắc đường tiểu dưới; Phòng ngừa tái phát sỏi.
Các phương pháp có thể được chỉ định đối với sỏi bàng quang là:
- Đối với sỏi nhỏ: Người bệnh chỉ cần uống thật nhiều nước để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bằng dòng nước tiểu.
- Đối với sỏi lớn bị kẹt: Có thể sử dụng nội soi lấy sỏi; Tán sỏi nội soi; Tán sỏi ngoài cơ thể... Tuy vậy, các phương pháp này thường chỉ định với trường hợp sỏi nhỏ dưới 6 mm. Nếu sỏi to hơn thì cần phẫu thuật mở để lấy sỏi.
- Mổ mở bàng quang lấy sỏi: Khi sỏi to, có nhiễm khuẩn, có các bệnh lý kết hợp kèm theo như: hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, bướu tuyến tiền liệt, túi thừa bàng quang…