Trong thế kỷ qua, miền Nam nước Pháp đã trở thành nơi sinh sống ưa thích của giới siêu giàu. Khi nắm trong tay số tài sản kếch xù, các nhà tư bản công nghiệp, hoàng tử hay chủ ngân hàng không tiếc tiền xây dựng những cung điện xa hoa dọc Địa Trung Hải.
Đến khi thất thế trong các đợt khủng hoảng như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929 hay Thế chiến II, họ lại tìm cách bán nhà cho thế hệ thượng lưu tiếp theo của thế giới.
Một phòng khách trong ngôi biệt thự. Ảnh: Ambroise Tezenas
Hiện nay, chủ sở hữu của căn biệt thự Les Cedres, khối kiến trúc rộng hơn 1.600 m2 với 14 phòng ngủ nằm trên khu đất có diện tích 14 hecta, đánh cược rằng các yếu tố lịch sử, xa hoa và vị trí đắc địa dọc bờ biển Saint-Jean-Cap-Ferrat sẽ đủ để khiến căn nhà có giá bán đắt nhất trong lịch sử: 350 triệu euro.
Mặt tiền biệt thự được xây theo lối kiến trúc của Vương quốc Sardinia. Ảnh: Ambroise Tezenas
Les Cedres được xây năm 1830 và được thị trưởng của Villefranche-sur-Mer mua lại năm 1850, khi nó còn là một trang trại olive. Sau đó, biệt thự trở thành tài sản của vua Bỉ Leopold II vào năm 1904.
Dãy núi Alps thấp thoáng phía xa nhìn từ ban công biệt thự. Ảnh: Ambroise Tezenas
Ngôi biệt thự lấy tên Les Cedres vì những cánh cổng của nó dẫn tới một con đường dài quanh co được bao quanh bởi những cây cọ và tuyết tùng (trong tiếng Pháp là cedres) cao chót vót.
Ngay tại cổng trước là một bức tượng đồng nữ thần Athena. Bên trong, nội thất được trang trí xa hoa với những sảnh đón khách siêu rộng, đèn chùm, cửa ra vào kiểu Pháp và các bức tranh trang trí từ thế kỷ 19 kéo dài từ sàn nhà đến trần.
Một phòng khách được thiết kế theo phong cách của vua Leopold. Ảnh: Ambroise Tezenas
Thư viện của biệt thự có tới 3.000 quyển sách về thực vật và tự nhiên, trong đó có một quyển gồm 1.640 tiêu bản thực vật có giá trị lên tới hàng trăm ngàn euro. Xung quanh Le Cedes vẫn còn các khu vườn có những cây olive hơn 300 năm tuổi.
Phòng ngủ xa hoa. Ảnh: Ambroise Tezenas
Vào năm 1924, 15 năm sau cái chết của vua Leopold, gia tộc Marnier-Lapostolle đã mua lại căn biệt thự. Họ là những nhà công nghiệp nổi tiếng nhất về sản xuất rượu Grand Marnier, một dạng rượu mùi cognac.
Trong suốt 80 năm, gia tộc Marnier-Lapostolle đã trồng hàng loạt những loại cây cỏ quý hiếm bên trong các khu vườn của ngôi biệt thự. Đây cũng là nơi họ thu hoạch loại cam đắng dùng để tạo nên mùi vị của Grand Marnier.
Có khoảng 14.000 loại cây cỏ bên trong các khu vườn của Les Cedres. Ảnh: Ambroise Tezenas
Les Cedres thuộc sở hữu của gia tộc Marnier-Lapostolle đến năm 2016. Sau đó, công ty Campari mua lại Société des Produits Marnier Lapostolle (SPML), công ty mẹ của Grand Marnier.
Đối diện với khối tài sản có thể chiếm tới 20% tổng doanh thu năm 2016, Campari ngay lập tức đưa ngôi biệt thự vào thị trường bất động sản qua công ty Savills.
Phòng khách lớn theo phong cách Belle Époque. Ảnh: Ambroise Tezenas
Trước đây, truyền thông địa phương từng đồn thổi căn biệt thự được treo giá tới 1 tỉ euro nhưng ông Fabio Di Fede, giám đốc điều hành của SPML, khẳng định đây là con số "điên rồ và vô lý".
Ông Di Fede cho rằng giá bán 350 triệu euro là một điều hợp lý nếu xét đến diện tích, kích thước và vị trí của căn biệt thự. Theo các công ty bất động sản, Saint-Jean-Cap-Ferrat là khu vực được ưa thích nhất cùng với Cap d’Antibes và Cap-d’Ail.
Thư viện quý giá với hơn 3.000 cuốn sách. Ảnh: Ambroise Tezenas
Vườn chính của biệt thự nằm trong top 10 vườn thực vật trên thế giới. Ảnh: Ambroise Tezenas
Hồ nước sen lá Amazon. Ảnh: Ambroise Tezenas