Ra đời để thay thế M72 LAW - Vũ khí kém hiệu quả trên chiến trường
AT4 là sản phẩm phát triển từ nguyên mẫu Pansarskott M/68 cỡ nòng 74 mm, được Thụy Điển thông qua với vai trò súng chống tăng tiêu chuẩn của quân đội nước này vào năm 1960. Giống như M/68, AT4 cũng được thiết kế bởi Försvarets Fabriksverk (FFV) và sản xuất tại cơ sở chính của họ ở Zakrisdal, Karlstad, Thụy Điển.
FFV bắt đầu nghiên cứu một khẩu súng mới để thay thế cho M/68 trong năm 1976, họ cố tình tạo ra loại vũ khí cá nhân không có khả năng xuyên thủng giáp trước xe tăng hiện đại, tuy nhiên lại phát huy tác dụng tốt khi bắn từ phía sau hoặc hai bên.
Ngoài ra khẩu súng này còn hướng đến việc có thể "thổi bay" các loại xe bọc thép vừa và nhẹ từ mọi hướng, cũng như dùng để phá các tòa nhà, công sự.
Súng chống tăng Pansarskott M/68 của Thụy Điển
FFV dự kiến thiết kế một loại vũ khí đơn giản trong sử dụng, chắc chắn và chính xác hơn nhiều khi so sánh với thế hệ cũ. Yêu cầu quan trọng khác là khẩu súng mới phải có sức công phá mạnh sau khi xuyên qua lớp giáp, kết quả của họ chính là mẫu AT-4.
Quân đội Thụy Điển cùng FFV tiến hành đợt đánh giá đầu tiên vào mùa xuân năm 1981, 100 khẩu khác được đưa vào thử nghiệm trong năm 1982.
Điều thú vị là trước khi Quân đội Thụy Điển thông qua AT4, nó đã tham gia cuộc thi được Quốc hội Mỹ chỉ định vào năm 1982 nhằm tìm ra loại vũ khí chống tăng mới, do khẩu FGR-17 Viper thất bại trong việc thay thế M72 LAW.
Các ứng viên được mang ra đánh giá trong năm 1983 bởi Quân đội Mỹ bao gồm: LAW 80 của Anh, Armbrust của Đức, APILAS của Pháp, M72E4 của Na Uy (M72 nâng cấp), FGR-17 Viper Hoa Kỳ (mục đích tham chiếu) và AT4 của Thụy Điển.
Bản báo cáo của Quân đội Mỹ trước Quốc hội vào tháng 11/1983 đã chỉ ra rằng mẫu AT4 đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn mà họ đưa ra để thay thế M72, tiếp sau mới tới Armbrust.
Súng chống tăng AT4 trong một buổi giới thiệu
Mặc dù rất ấn tượng với cấu tạo đơn giản và độ bền của khẩu AT4, Quân đội Mỹ vẫn tìm thấy một vài chi tiết có thể cải tiến như bổ sung các tấm cản trước và sau ở hai đầu ống phóng, cũng như những thay đổi khác liên quan đến cơ cấu ngắm cùng dây đeo. AT4 được Quân đội Mỹ thông qua với vai trò súng phóng rocket đa năng hạng nhẹ dưới tên gọi M136.
Phía Thụy Điển cũng công nhận những cải tiến này và chấp thuận "phiên bản Mỹ" của AT4, họ gọi nó là Pansarskott M/86 (Pskott M/86). M/86 có chút khác biệt khi bổ sung một tay nắm gập phía trước để ổn định súng khi ngắm bắn. Đây là thay đổi duy nhất giữa AT4 do Mỹ và Thụy Điển sản xuất.
Khẩu súng chống tăng có thiết kế ưu việt
Súng không giật M136 của Quân đội Mỹ
AT4 có chiều dài 1.016 mm, khối lượng 6,7 kg, đường kính nòng bên trong là 84 mm, hoạt động tốt trong dải nhiệt độ từ -40°C đến 60°C.
Súng kế thừa nhiều đặc điểm của khẩu Carl Gustav, hoạt động trên nguyên tắc không giật, trong đó độ giật của súng được triệt tiêu nhờ lượng khí đẩy ra từ phía sau ống phóng. Trong khi Carl Gustav dùng ống phóng bằng thép nặng và đắt tiền với nòng cắt rãnh bên trong, AT4 tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất nhờ ống phóng làm bằng sợi thủy tinh, nhẹ và rẻ hơn.
Nguyên tắc chung của súng không giật là các bộ phận không phải chịu áp lực quá nhiều mà hầu hết được chuyển theo luồng khí phụt ra phía sau. Thực tế này cho phép súng có trọng lượng nhẹ, kết hợp được với đầu đạn lớn, sức công phá mạnh.
AT4 có bộ phận chặn bằng nhựa đặt ở chính giữa ống phóng, ngay sau vỏ đạn và nơi chứa nhiên liệu đẩy được che chắn bởi ống phóng bên ngoài.
Khi nhiên liệu cháy tạo ra áp suất tới ngưỡng để đẩy đầu đạn, chi tiết chặn sẽ tự động hủy, cho khí thoát ra phía sau, khẩu súng không bị giật nhưng tạo ra luồng khí phụt có áp lực rất lớn. Đây chính là nhược điểm của các loại súng không giật nói chung.
Một binh sĩ đang sử dụng AT4 CS với đầu đạn HP
Luồng khí phụt có thể gây thương tích nặng, thậm chí tử vong cho người đứng phía sau, đôi khi chính bản thân người bắn, nhất là trong không gian không gian hẹp, ngoài ra còn dễ làm xạ thủ bị lộ vị trí. Vấn đề này được giải quyết bằng phiên bản AT4 CS (Confined Space - Không gian hạn chế), thiết kế đặc biệt cho chiến tranh đô thị.
AT4 CS dùng thiết bị giảm giật chuyên dụng bằng nước muối để hấp thu tác động, làm cho áp lực luồng khí đi ra phía sau giảm hẳn, phù hợp điều kiện tác chiến chật hẹp.
Điểm cần lưu ý là AT4 CS giảm sơ tốc đầu đạn (290 m/s) xuống còn 220 m/s để phù hợp hơn khi bắn trong không gian nhỏ, điều này khiến khẩu AT4 CS kém hiệu quả hơn phiên bản tiêu chuẩn. Nhưng để tối ưu cho chiến trường Trung Đông trong cuộc chiến chống IS, Quân đội Mỹ đã hủy các đơn hàng M136 (AT4 sửa đổi cũ) để thay vào đó bằng AT4 CS.
M136 với ống ngắm nhìn đêm
Các khẩu AT4 tương thích nhiều loại kính ngắm. Khi phục vụ trong Quân đội Mỹ, nó thường được gắn hệ thống ngắm ban ngày như AN/PAQ-4C hay AN/PEQ-2, còn ban đêm sẽ sử dụng AN/PAS-13, AT4 thậm chí chỉ cần thước ngắm tiêu chuẩn vẫn tác xạ chính xác.
Đầu đạn của AT4 bao gồm: đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) có khả năng xuyên 420 mm giáp đồng nhất; đạn HEDP 502 cho phép phá hủy boongke, công sự và những mục tiêu bọc giáp nhẹ; đạn HP đâm xuyên cao hơn với mức thâm nhập 500 - 600 mm.
Bên cạnh đó, AT4 còn được nhìn thấy sử dụng đầu đạn ER cho tầm bắn hiệu quả xuyên giáp lên tới 600 m, hoặc loại nổ mạnh HE để tiêu diệt mục tiêu cá nhân ở cự ly xa tới 1.000 m.
Một lính đặc nhiệm đang sử dụng AT4 CS trong phòng hẹp
Hiện nay, AT4 là súng không giật đa chức năng được lựa chọn bởi nhiều quân đội trên khắp thế giới, tuy rằng thiết kế ban đầu của nó chỉ là chống thiết giáp. Ngoài Quân đội Mỹ và Thụy Điển, AT4 còn có mặt tại nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Phần Lan, Indonesia hay Hy Lạp...