Sục sôi cầu xin tài lộc không giúp gì việc thờ phụng tâm hồn

Nhung Nguyễn |

Ở Nam Mỹ, tôi chẳng thấy những nơi thờ tự sục sôi không khí cầu tài lợi bao giờ. Có chung một điều, tất cả đều lặng lẽ. Dù có là nhà thờ của một xứ đạo nhỏ, thì cũng thanh thoát gọn gàng.

Tết vừa rồi, tôi có dịp đưa một số bạn bè người Đức đi thăm các danh thắng ở miền Bắc. Không phải giải thích về độ ngạc nhiên của các bạn tôi khi đứng suốt gần 2 tiếng đồng hồ ở cửa động Hương Tích để chờ tới lượt vào động.

Họ thốt lên "Hôm qua nghe cậu nói là đông, thì tớ cũng nghĩ là đông. Nhưng bây giờ, tớ mới thực sự hiểu nghĩa của từ này!" Và tiếp đó là họ ngậm ngùi bỏ ý định đi thăm Ninh Bình vì sợ phải nhìn thấy cảnh đông đúc đó một lần nữa.

Các bạn tôi đều thán phục vẻ đẹp đẽ của các đình chùa, nhưng có hai điều họ luôn tò mò. Thứ nhất là những thứ đồ ăn thức uống được dâng cúng, cuối cùng thì người ta làm gì với chúng? Liệu họ có đốt đi không? Thứ hai, tại sao ở đền chùa lại có nhiều hòm công đức thế? Chỗ này có rồi, sao chỗ kia lại phải có tiếp?

Tôi không biết có bao giờ các bạn tôi đủ dũng cảm đến đền Trần hay ở lại ngày khai hội chùa Hương năm nay. Có thể nếu tôi dụ khị bằng cách giới thiệu những bức ảnh tuyệt đẹp trên mạng, thì họ sẽ đi ngay. Nhưng về rồi tôi sẽ bị oán, và mất lòng tin mãi mãi.

Sục sôi cầu xin tài lộc không giúp gì việc thờ phụng tâm hồn - Ảnh 1.

Dòng người nườm nượp trẩy hội chùa Hương. Ảnh chụp ngày 2/2/2017. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhầm lẫn giữa đức tin và mua bán lộc tài

Càng đi nhiều, tôi càng không thích luận điệu "ở Việt Nam thì chỉ thế thôi" hay là "Tây nó mới thế được". Thế nhưng quả thật là bên "tây", không có ai mang tiền và đồ cúng nhiều như "ta" vào những nơi thờ tự.

Sục sôi cầu xin tài lộc không giúp gì việc thờ phụng tâm hồn - Ảnh 2.

Trên hồ Titicaca, tôi đi thăm đảo Amantani, ở đó có đền thờ Mẹ (Wacha Mama) và đền thờ Cha (Wacha Tata), là tôn giáo cổ xưa của người Quechua, một tộc người thiểu số dưới chân dãy Andes, mà tôi thấy có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, tôi cũng không nhìn thấy điều tương tự.

Những người bạn Đức của tôi rất ngạc nhiên khi người ta nhét tiền vào tay những pho tượng cổ. Tôi cũng đã phải rất vất vả để giải thích cho họ rõ ràng, do có một thời gian bị hiểu lầm, việc hướng dẫn cho người dân thực hành tôn giáo một cách đúng đắn đã bị bỏ quên.

Thế rồi khi kinh tế phát triển, thị trường tràn ngập vào từng ngõ ngách, cuộc sống phức tạp hơn, cám dỗ cũng nhiều hơn, con người lại cần có một niềm tin, và họ tìm về tôn giáo. Thế nhưng, rất nhiều người đã nhầm lẫn về khái niệm giữa "cầu nguyện" và "mưu lợi".

Tôn giáo - nơi trở về tâm hồn mình của mỗi cá nhân

Những cơ sở thờ tự ở nhiều nước tôi từng đến tham quan thường không thu phí bao giờ.

Trong đêm mưa lạnh ở Cuzco (Peru), tôi đi qua hai nhà thờ trong thời điểm sắp Noel. Nhà thờ nào cũng mở cửa và có làm lễ. Những người đàn ông đàn bà ăn mặc sang trọng và đẹp như các quý tộc thời xưa. Họ lặng lẽ ngồi xuống, cầm trên tay những cuốn kinh được đọc sẵn ở hàng ghế trước.

Và cầu nguyện. Ở trên bục, đức cha giảng đạo bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ mà tôi không hiểu gì, ngoài từ "cozaron", có nghĩa là "trái tim".

Có chung một điều, tất cả đều lặng lẽ. Không gian thì từ cổng tới vòm, hầu hết chỗ nào cũng nguy nga đẹp đẽ. Dù có là nhà thờ của một xứ đạo nhỏ, thì cũng thanh thoát gọn gàng. Chẳng nơi nào thấy không khí cầu xin tài lợi sôi sục, hay những tờ tiền nhét vội vào tay tượng.

Ở Panama, tôi cũng tranh thủ đi thăm được một nhà thờ vào buổi sáng hôm tôi chuẩn bị trở về. Trước cửa là hai chị bán một vài đồ lễ, một vài bức ảnh chúa Jesus và mẹ Maria, một vài cái dây đeo cổ có ảnh, một vài bức bưu thiếp.

Tôi cũng sà vào xem, nâng lên đặt xuống, nhưng với thói tiết kiệm của dân du lịch bụi, cuối cùng tôi đặt tất cả xuống, nở một nụ cười, nói "gracias", mà không cần áy náy. Đó là hình thức có thể gọi là kinh doanh duy nhất ở nhà thờ khu phố cổ Panama.

Thế thôi. Không có vô vàn lễ vật nặng và cồng kềnh đến nỗi người ta không thể tự mình mang trên tay mà phải thuê người đội hoặc gánh vào, rồi bày la liệt khắp sân, trên một diện tích hàng trăm mét vuông, như nhiều nơi thờ tự ở Việt Nam.

Không có cảnh mịt mờ hương khói, ai cũng thi nhau đốt cả bó nhang to cả ôm để khi nhang chưa kịp cháy được đến ba giây đã có người nhổ lên hết lạnh lùng dìm vào thùng nước.

Chỉ có sự tĩnh lặng, trang nghiêm, và giản dị.

Bước chân vào tới những nơi thờ tự ấy, tôi quên luôn mình là một trong những người nếu móc ví ra, có thể gọi là nghèo nhất thế gian.

Tìm may mắn ở đâu?

"Tôn giáo là nơi con người thờ phượng linh hồn của chính mình. Nó giữ người ta khỏi cái xấu và vinh danh cái tốt…

Tuy nhiên, tôn giáo chỉ nên dừng ở đó, hơn là làm công cụ cho ai đó nô dịch tâm hồn và linh hồn của con người…"

Đây là những dòng mà tôi viết vào ngày 16 tháng 12 năm 2015, trong cuốn nhật ký hành trình của mình.

Ở Việt Nam chúng ta, nhiều năm qua, cứ vào thời điểm này sau Tết là người người cuồng lên đi khấn các chùa chiền. Người ta tin vào một niềm tin mù quáng là nếu bỏ tiền ra mua bán vật phẩm để cúng cho thánh thần thì mình sẽ được trả lại xứng đáng hoặc gột rửa những tội lỗi mà mình đã cố tình phạm vào.

Người ta đã quên đi mục đích chính khi bước chân vào chốn linh thiêng, là thờ phượng cái tốt đẹp trong chính tâm hồn chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại