Sức mạnh Trung Quốc: Chi phối toàn bộ thị trường vàng, dân mua vào như thể 'không có ngày mai', cầu tăng cao ngay cả khi giá đang phi mã

Vũ Anh |

Nhu cầu vàng ở Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng.

Ngay sau khi vàng tăng vọt lên mức giá cao nhất từ trước đến nay, Xena Lin đã tham gia “cơn sốt” bằng cách tích góp những “hạt đậu” vàng hàng tháng. Đối với cô, một nhân viên hành chính 25 tuổi ở miền nam Trung Quốc, việc mua chúng với giá khoảng 80 USD/hạt là vừa sức.

Trước đây, Lin từng đầu tư cổ phiếu, song chỉ đến khi mua vàng theo cách thú vị này, cô gái trẻ mới được truyền cảm hứng đầu tư.

“Tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ để tiết kiệm nhiều hơn”, cô Lin nói và cho biết bản thân đang thực sự đang đầu tư tiền vào thứ có thể sờ, chạm. “Giá vàng luôn lên xuống. Mức tăng nằm trong phạm vi tôi có thể kiểm soát được nên như vậy là ổn”.

Vốn được coi là khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và kinh tế, vàng tăng phi mã sau căng thẳng Nga-Ukraine. Việc cạm mốc trên 2.400 USD/ounce cũng một phần nhờ động thái của Trung Quốc.

Người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô đến vàng khi niềm tin với bất động sản và chứng khoán lung lay. Ngân hàng trung ương liên tục bổ sung dự trữ vàng, trong khi các nhà đầu cơ Trung Quốc đánh cược rằng vẫn còn dư địa để vàng tăng giá.

“Không lâu trước đây, vàng thường bị coi là trang sức lỗi thời của thế hệ cũ. Nhưng nay chúng lại là ‘tuyên ngôn bản sắc’ của Gen Z nhằm thể hiện phong cách cá nhân và lòng trung thành với văn hóa truyền thống của giới trẻ”, Giáo sư Wang Zhongwu của Học viện Triết học và Phát triển xã hội, Đại học Sơn đông nhận định về xu hướng mua vàng của người trẻ hiện nay.

Trung Quốc tác động đáng kể trên thị trường vàng. Sức ảnh hưởng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong đợt tăng giá mới nhất gần 50% kể từ cuối năm 2022. Tháng trước, giá vàng cũng tăng vọt ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang phát đi tín hiệu duy trì lãi suất trong khoảng thời gian dài, còn đồng USD tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ chính.

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng không còn bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế mà bởi ý muốn bất chợt của người mua Trung Quốc. Ross Norman, giám đốc điều hành MetalsDaily.com - một nền tảng thông tin kim loại quý có trụ sở tại London, cho biết: “Trung Quốc chắc chắn đang thúc đẩy giá vàng. Dòng vàng chảy vào Trung Quốc đã chuyển sang trạng thái tuyệt đối”.

“Nhu cầu vàng ở Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục tăng khi nhà đầu tư nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục”, nhà phân tích Rebecca Sin nhận định.

Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, tiêu thụ vàng trong nước đã tăng 6% trong quý I so với một năm trước đó. Đầu tư vàng trở nên hấp dẫn hơn khi các khoản đầu tư truyền thống khác trở nên mờ nhạt. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, nơi gửi tiền tiết kiệm của hầu hết các gia đình, vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng. Niềm tin vào thị trường chứng khoán trong nước cũng chưa hoàn toàn trở lại.

Các nhà buôn trực tuyến đang ráo riết rao bán “hạt đậu vàng”. Trên taobao của Alibaba, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, mặt hàng này còn được bán livestream. Mua “đậu” cũng giống như đầu tư vậy. 87 USD/hạt.

Kelly Zhong, một giáo viên ở Bắc Kinh, bắt đầu mua vàng vào năm 2020. Bản thân cô đã tích lũy được hơn 2 pound vàng miếng nhưng cũng đầu tư vào kim loại này thông qua các quỹ giao dịch trao đổi. Câu nói “Ngọc lúc thịnh, vàng lúc khó khăn” chính là nguồn cảm hứng của Zhong.

Vào tháng 3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bổ sung dự trữ vàng trong tháng thứ 17 liên tiếp. Năm ngoái, ngân hàng này cũng mua nhiều vàng hơn bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác trên thế giới, bổ sung thêm lượng vàng dự trữ nhiều hơn mức họ có trong gần 50 năm.

Sức mạnh Trung Quốc: Chi phối toàn bộ thị trường vàng, dân mua vào như thể 'không có ngày mai', cầu tăng cao ngay cả khi giá đang phi mã- Ảnh 1.

Nhu cầu vàng ở Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng.

Bắc Kinh đang mua vàng để đa dạng hóa quỹ dự trữ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD từ lâu vốn được coi là loại tiền tệ quan trọng nhất. Trung Quốc cũng giảm nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trong hơn một thập kỷ.

Theo Guan Tao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại BOC International, các biện pháp trừng phạt đã làm lung lay “niềm tin đối với hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại” và buộc các ngân hàng trung ương phải bảo vệ nguồn dự trữ của mình bằng các khoản nắm giữ đa dạng. “Chúng ta có thể thấy làn sóng tăng giá vàng này khác so với trước đây”.

Hoạt động mua bán rầm rộ của người tiêu dùng Trung Quốc và ngân hàng trung ương đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu cơ. Khối lượng giao dịch trung bình của vàng trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 4 so với một năm trước đó. Ông Norman từ MetalsDaily cho biết: “Họ đang bơi theo thủy triều. Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường vàng”.

“Nhu cầu vàng ở Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng”, ông Philip Klapwijk, giám đốc công ty tư vấn Precious Metals Insights Ltd. tại Hồng Kông, nhận định. “Trong bối cảnh không có nhiều lựa chọn để đầu tư, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài còn thị trường chứng khoán biến động mạnh, tất cả đều đang đổ tiền vào những tài sản được xem là an toàn hơn, trong đó có vàng”.

Theo các nhà phân tích, giá cao kỷ lục có thể kìm hãm nhu cầu mua vàng, song thị trường Trung Quốc bền bỉ đến kỳ lạ. Thông thường, họ chỉ gom vàng khi giá giảm nhưng nay sẵn sàng mua vào ngay cả khi giá đang tăng.

“Điều này cho thấy nhu cầu vàng ở Trung Quốc tăng bền vững và người mua vàng trên thế giới nên cảm thấy thoải mái về sự bùng nổ nhu cầu đối với kim loại quý này ở Trung Quốc”, ông Nikos Kavalis, giám đốc công ty tư vấn Metals Focus Ltd., nhận xét.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại