Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga

Thái An |

Cờ của Thụy Điển được kéo lên tại trụ sở NATO hôm 11/3, củng cố vị trí của quốc gia Bắc Âu này với tư cách là thành viên thứ 32 , chấm dứt hàng thập kỷ trung lập. Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ tăng cường chiều rộng và chiều sâu chiến lược của liên minh, nhưng cũng dẫn tới nguy cơ xung đột với Nga.

Theo bà Ewa Björling, cựu Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển , cuối cùng, Thụy Điển đã vượt qua được rào cản ngoại giao cản đường tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lực lượng vũ trang Thụy Điển sẽ mang lại tài sản chiến lược đáng kể cho liên minh. Thụy Điển có thể đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột giữa Nga với phương Tây.

Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2/2022 khiến Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5. Phần Lan cũng nộp đơn cùng thời điểm. NATO đã nhanh chóng gửi lời mời tới cả hai nước tại hội nghị thượng đỉnh Madrid vào tháng 6, sau một bản ghi nhớ ba bên với Ankara nhằm giải quyết vấn đề chống khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 4/2023, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Tuy nhiên, Thụy Điển gặp nhiều trở ngại hơn.

Để đáp lại yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Thụy Điển đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với luật chống khủng bố trong nước. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra yêu cầu bổ sung về các vấn đề không liên quan đến Stockholm. Ankara tìm cách mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và thúc đẩy hội nhập với Liên minh châu Âu (EU), tập trung vào cải cách liên minh hải quan và tự do hóa thị thực.

Các cuộc thảo luận tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào tháng 10/2023. Cuối cùng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã phê chuẩn nghị định thư, tán thành tư cách thành viên NATO của Thụy Điển sau khi được quốc hội phê chuẩn.

Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 1.

Sau khi quốc hội Hungary phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson viết trên mạng xã hội X: “Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương”. Ảnh: Getty Images.

Sau các cuộc đàm phán sâu rộng và nỗ lực ngoại giao, Thụy Điển đã vượt qua rào cản cuối cùng để gia nhập NATO vào ngày 26/2, khi quốc hội Hungary cuối cùng bỏ phiếu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Trước đó, Hungary trì hoãn việc phê duyệt, trích dẫn những lời chỉ trích của Thụy Điển về tình trạng dân chủ Hungary.

Ngày 7/3, Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO. Quá trình chuyển đổi này cho phép Thụy Điển tham gia đầy đủ vào các hoạt động của liên minh, thay vì chỉ quan sát các cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương và Ủy ban quân sự NATO. Việc tham gia tích cực vào các cuộc tập trận chung, lập kế hoạch mua sắm vũ khí và trao đổi thông tin giờ đây sẽ được tăng cường.

Quá trình này đánh dấu một bước quan trọng ngay trước hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Washington vào tháng 7/2024.


Khu vực Bắc Âu thống nhất trong NATO

Giờ đây, toàn bộ khu vực Bắc Âu là một phần của NATO; châu Âu sẽ có thể chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của chính mình và đóng vai trò là đối tác quốc phòng mạnh mẽ hơn của Mỹ và Canada.

Ở phía bắc, băng tan tạo ra những cơ hội mới cho cả liên minh và đối thủ. Sự mở rộng của NATO sẽ nâng cao khả năng của lục địa trong việc bảo vệ an ninh ở khu vực then chốt này. Thụy Điển và Phần Lan sẽ cùng nhau tăng cường phòng thủ ở Bắc Cực, nơi Na Uy và Iceland trước đây phải đối mặt với biên giới rộng lớn của Nga.

Sự hiện diện thống nhất của châu Âu trong NATO cũng gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng kỳ vọng làm suy yếu liên minh này rất khó hiện thực hóa, bà Björling nhận định. Sự đoàn kết này củng cố khả năng của NATO ở châu Âu trong việc đối đầu với Điện Kremlin và giải quyết các thách thức trên toàn lục địa như khủng bố, đe dọa mạng, tham nhũng và các yếu tố gây bất ổn khác.

“Thụy Điển gia nhập NATO vì chúng tôi tin vào tầm quan trọng của phòng thủ tập thể. Nhưng chúng tôi cũng tham gia NATO để trở thành nhà cung cấp an ninh, từ Biển Baltic đến Biển Đen” - Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu ngày 11/3/2023.

Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 2.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau khi NATO phê chuẩn ở Washington. Ảnh: Getty Images.

Thụy Điển gắn kết các khu vực

Theo bà Björling, Thụy Điển gắn kết các khu vực Đại Tây Dương, Bắc Cực và Baltic lại với nhau. Sự hiện diện của Thụy Điển sẽ mang lại chiều sâu chiến lược và đảm bảo sự di chuyển của quân đội đồng minh cho các hoạt động phòng thủ tập thể, chủ yếu cho các nước Bắc Âu và khu vực Bắc Cực, cũng như cho các quốc gia Baltic và Ba Lan.

Thụy Điển có kế hoạch phát triển hơn nữa khả năng quân sự của mình. Sau nhiều năm giữ chi tiêu quốc phòng ở mức khoảng 1% GDP, chính phủ trung hữu đã tăng đáng kể ngân sách cho quốc phòng, có thể cho phép Stockholm đạt được mục tiêu của NATO là phân bổ 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng ngay từ đầu năm 2024.

Thụy Điển đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Bắc Âu và thúc đẩy các kết nối đa phương, đặc biệt là với Mỹ và Anh - hai nước mà Thụy Điển đã ký các thỏa thuận hợp tác quân sự.

Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 3.

Các thành viên NATO và mốc gia nhập. Đồ họa: The Guardian.

Lợi thế chiến lược mới cho liên minh

Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển mang lại một số lợi thế, trong đó nổi bật là khả năng phòng thủ toàn diện, ảnh hưởng chiến lược trên Biển Baltic và ngành công nghiệp quốc phòng, bà Björling nhận định.

Khả năng chuyên môn của Thụy Điển trong việc di chuyển ở Biển Baltic, đặc biệt do tầm quan trọng chiến lược của đảo Gotland của nước này, giúp tăng cường quyền kiểm soát của NATO trong khu vực. Điều này ngày càng quan trọng trong bối cảnh có bất kỳ xung đột tiềm ẩn nào với Nga.

Thụy Điển có lực lượng hải quân lớn thứ ba ở Biển Baltic, sau Nga và Đức. Cùng với lực lượng không quân, lực lượng hải quân Thụy Điển sẽ góp phần đảm bảo việc vận chuyển binh sĩ và trang thiết bị qua Biển Baltic.

Thụy Điển cũng có lực lượng đổ bộ cơ động được thiết kế đặc biệt để đảm bảo tốc độ và tính linh hoạt ở các khu vực ven biển. Điều này có thể tăng cường đáng kể hiệu quả hoạt động trong môi trường quần đảo khó điều hướng, như bờ biển Estonia.

Thụy Điển và Phần Lan sở hữu những khả năng mà các quốc gia vùng Biển Baltic thuộc NATO khác không có: tàu chiến di chuyển nhanh, thủy phi cơ và “thợ săn” ven biển được huấn luyện để phòng thủ trước bộ binh hải quân của đối phương nhưng cũng có khả năng tấn công.

Ngoài khu vực Baltic, chỉ có Mỹ và Anh trong số các thành viên NATO duy trì lực lượng đổ bộ mạnh mẽ. Hơn nữa, Thụy Điển, nhờ có các tàu ngầm chạy bằng diesel được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nông và đầy thách thức, được coi là có chuyên môn chuyên sâu trong việc săn tàu ngầm của đối phương.


Tài sản chiến lược của l ực lượng v ũ trang Thụy Điển

Lực lượng vũ trang Thụy Điển là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia của Thụy Điển, cung cấp cơ chế phòng thủ trên không, trên bộ và trên biển toàn diện phù hợp với lợi ích chiến lược của NATO.

- Kiểm soát biển Baltic : Hạm đội mặt nước của Thụy Điển bao gồm bảy tàu hộ tống, trong đó có năm tàu lớp Visby được biết đến với khả năng tránh radar. Các kế hoạch đang được tiến hành nhằm tăng cường khả năng phòng không bằng tên lửa Sea Ceptor. Thụy Điển có một hạm đội tàu ngầm đáng kể trong khu vực Biển Baltic, dự kiến sẽ mở rộng từ 4 lên 5 tàu vào năm 2028.

- Chuyên môn đổ bộ : Lực lượng đổ bộ độc đáo của Thụy Điển, bao gồm các tàu chiến đấu di chuyển nhanh và thủy phi cơ, sẽ mang lại cho NATO sự linh hoạt và các phương án phòng thủ nâng cao trong các tình huống ven biển và quần đảo. Các tàu ngầm chạy bằng diesel của Thụy Điển được thiết kế để hoạt động trong những điều kiện đầy thách thức ở vùng nước nông và khó điều hướng, với chuyên môn chuyên sâu về tác chiến chống tàu ngầm.

- Ưu thế trên không : Không quân Thụy Điển vận hành 94 máy bay phản lực JAS-39 C/D Gripen, với thêm 60 phiên bản E đang được đặt hàng, được trang bị cho tác chiến chống hạm và không đối không. Thụy Điển duy trì khả năng cảnh báo sớm và vận chuyển tiên tiến, bao gồm máy bay Saab 340 Erieye (sẽ được thay thế bằng GlobalEye) và máy bay vận tải C-130H Hercules.

Về máy bay chiến đấu, Không quân Thụy Điển có số lượng lớn nhất ở khu vực Bắc Âu. Trong khi tính hiệu quả của hạm đội bị hạn chế do việc bảo trì phụ thuộc vào lính nghĩa vụ và quân dự bị, những chiếc máy bay này được trang bị tốt với tên lửa chống hạm RBS15, tên lửa không đối không Meteor và AMRAAM, hỗ trợ đáng kể cho NATO trong các cuộc đối đầu ở Baltic.

Tuy nhiên, bất chấp sức mạnh và sự hiện đại của lực lượng vũ trang Thụy Điển, nước này cần bổ sung các hệ thống vũ khí tinh vi hơn. Hải quân sẽ phải được tăng cường để có thể bảo vệ Thụy Điển và biển Baltic trước lực lượng hải quân Nga đang phát triển nhanh chóng.

Hơn nữa, lực lượng trên bộ của Thụy Điển có số lượng rất ít và họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thành lập và luân chuyển nhóm chiến đấu NATO quy mô tiểu đoàn ở nước ngoài. Do đó, đóng góp của Thụy Điển cho hoạt động phòng thủ tập thể trong lĩnh vực này sẽ khá khiêm tốn, bà Björling nói.


Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 4.

Không quân Thụy Điển hiện có 94 máy bay chiến đấu JAS-39 C/D Gripen được coi là “quái thú trên bầu trời”. Ảnh: The National Interest.

Vai trò địa chiến lược của Thụy Điển trong NATO

Nhiệm vụ chính của Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác trong NATO sẽ là hỗ trợ phòng thủ tập thể cho các đồng minh Bắc Âu, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, các nước vùng Baltic và Ba Lan. Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng tháng 6/2023 mô tả Thụy Điển là một căn cứ tiền phương cho các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của đồng minh, đồng thời là khu vực tiếp tế và quá cảnh cho NATO.

Thụy Điển không tự coi mình là một quốc gia tiền tuyến mà là một quốc gia có chiều sâu chiến lược và đảm bảo các tuyến đường trung chuyển để bảo vệ phía bắc Na Uy, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic. Nhờ thỏa thuận hỗ trợ quốc gia chủ nhà giữa Thụy Điển và NATO, các lực lượng đồng minh đã có thể sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải của Thụy Điển, mặc dù điều này mỗi lần đều phải có sự chấp thuận của Chính phủ Thụy Điển.

Những năm qua, Thụy Điển tìm cách phát triển hợp tác với các nước láng giềng Bắc Âu, trước hết là với Phần Lan. Do đó, Thụy Điển chủ yếu coi mình là một phần của nhóm Bắc Âu trong liên minh.

Tháng 3/2023, ngay sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch đã ký kết một bản ghi nhớ về việc hợp nhất lực lượng không quân của họ. Giờ đây lực lượng này có thể hành động chung trong mọi tình huống.

Các bên ký kết cam kết tích hợp các cơ cấu chỉ huy, lập kế hoạch hoạt động, giám sát chung về không phận, huấn luyện và tập trận. Mặc dù tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO sẽ cho phép nước này tham gia đầy đủ vào các cấu trúc và cơ chế của mình, nhưng người ta hy vọng rằng sự hợp tác của Bắc Âu trong các hình thức đã phát triển cho đến nay sẽ tiếp tục và sẽ là sự bổ sung quan trọng cho liên minh.

Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 5.

Thụy Điển muốn nâng cao năng lực phòng không nhờ tên lửa Sea Ceptor. Ảnh: Naval News.

Kịch bản

Theo bà Björling, tong thời gian tới, nhiều khả năng Nga sẽ có động thái kiên quyết hơn với các nước Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, đe dọa sẽ thực hiện các hành động cả chính trị và quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng “việc từ bỏ chính sách lâu dài về không liên kết quân sự và gia nhập một nhóm công khai thù địch với Nga khó có thể củng cố cảm giác an toàn của những người Thụy Điển bình thường”.

Nếu xung đột nảy sinh gần biên giới phía bắc của NATO, liên minh này có kế hoạch tăng cường lực lượng và nguồn lực quân sự cho Thụy Điển. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng khả năng xảy ra các mối đe dọa chiến sự tự động hóa và máy bay không người lái.

Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ nhắm mục tiêu vào Thụy Điển bằng các hệ thống không người lái như vậy nếu nước này gia nhập liên minh. Ngoài ra, Nga đã bố trí tên lửa Iskander-M ở Kaliningrad, chỉ cách Thụy Điển 300 km. Các nhà nghiên cứu tin rằng sau khi sửa đổi, loại tên lửa hành trình này có thể đạt tầm bắn lên tới 2.000 km. Do đó, từ vị trí ở Kaliningrad, hệ thống tên lửa Iskander-M có khả năng nhắm tới các khu vực rộng lớn ở châu Âu.

Về lâu dài, Nga có tấn công một nước NATO Nga; các nước vùng Baltic có nguy cơ cao nhất, và có lẽ Thụy Điển cũng vậy. Các cuộc tấn công mặt đất trong thời gian tới khó có thể xảy ra vì Nga sẽ thiếu năng lực tác chiến.

Kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn là liên quan đến các chiến thuật chiến tranh gián tiếp, như không kích và sử dụng máy bay không người lái. Bất chấp các lệnh trừng phạt, việc Nga tiếp tục nhập khẩu công nghệ từ một số đồng minh cho phép nước này có khả năng phát triển và sản xuất hàng loạt vũ khí tiên tiến, bao gồm các loại máy bay không người lái phóng từ mặt đất hoặc trên biển.

Sức mạnh tương lai của NATO và Ukraine cũng như vị thế của Nga có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, bà Björling nhận định.

Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 6.

Thụy Điển có kế hoạch đối phó với máy bay không người lái tấn công. Đồ họa: Electropages.

Phản ứng của Nga

Một nghị sĩ Nga nói rằng, việc Thụy Điển gia nhập NATO là một trong những quyết định thiển cận nhất trong lịch sử nước này, vì từ nay trở đi nước này sẽ bị Nga coi là mối đe dọa, hãng tin Nga Tass đưa tin.

“Theo tôi, việc Thụy Điển gia nhập NATO chính thức diễn ra hôm nay là một trong những quyết định liều lĩnh và thiển cận nhất trong lịch sử vương quốc này. Thứ nhất, ngay cả khi nước này là 'nửa thành viên' của liên minh, Nga không coi đó là một mối đe dọa. Nhưng bây giờ thì khác”, ông Konstantin Kosachev, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga), viết trên Telegram.

Ông Kosachev nhấn mạnh rằng đây là một sự mất mát to lớn về vị thế của Thụy Điển. “Đất nước sẽ không còn được coi là trung lập ”. Ngoài ra, theo ông Kosachev, thay vì duy trì quan hệ bình thường với cường quốc hạt nhân láng giềng, Stockholm sẽ phải tuân theo các học thuyết quân sự của Brussels và trở thành kẻ thù của Mátxcơva.

“Việc có rất nhiều nỗ lực nhằm kéo Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cho thấy rằng hoạt động quân sự đặc biệt (của Nga tại Ukraine) chỉ là một cái cớ chứ không phải là lý do cho điều đó. Sự mở rộng của NATO là điều quan trọng nhất”, ông Kosachev nhận định.

Sức mạnh Thụy Điển mang đến NATO và nguy cơ xung đột với Nga- Ảnh 7.

Tàu hộ tống lớp HMS Karlstad Visby của Thụy Điển. Khả năng của Hải quân Thụy Điển trong các địa hình bờ biển đầy thách thức sẽ là tài sản chiến lược quan trọng đối với NATO. Ảnh: SAAB AB.

Theo ông Kosachev, Thụy Điển không cần thiết phải tăng cường phòng thủ vì Nga không có yêu sách về quân sự, biên giới, nhân đạo hay các lý do xung đột khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại