Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những người am hiểu về quân đội Trung Quốc nhận ra rằng các binh sĩ đều mặc áo có ghi các dòng chữ "Balian" (Liên 8) và "Xuefeng" (Tuyết Phong).
Những tên gọi này được hiểu là chỉ Đội Tianlang (Thiên Lang) - lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố hàng đầu ở vùng Tây Bắc Trung Quốc, hiện trực thuộc Chiến khu miền Tây của PLA - với phạm vi kiểm soát bao gồm các khu vực như Tây Tạng và Tân Cương.
Năm 2000, trên nền tảng Liên 8 - một đơn vị thuộc Liên tác chiến đặc chủng của PLA, "lữ đoàn Xuefeng" đã thành lập đội đặc nhiệm chống khủng bố đầu tiên trong lịch sử lữ đoàn này.
Đến nay, Liên 8 được gọi bằng cái tên Đội đặc nhiệm Tianlang.
"Thần binh lợi kiếm" của Quân giải phóng
Xuefeng - một lữ đoàn thuộc Quân khu Lan Châu (nay thuộc Chiến khu miền Tây, PLA) - có tiền thân là đại đội thuộc Tân tứ quân, chủ lực của đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật Bản.
Lữ đoàn Xuefeng thành lập vào tháng 6/1938 tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, và được gọi theo tên của nhà sáng lập là tướng Peng Xuefeng (Bành Tuyết Phong).
Trong thời kỳ lịch sử mới, đơn vị này được cải tiến thành một đại đội đặc chủng, sau đỏ mở rộng thành lữ đoàn tác chiến đặc chủng.
Theo báo PLA Daily của Quân giải phóng, Xuefeng đã tham gia nhiều hoạt động quan trọng của quân đội Trung Quốc, nhiều lần được chọn là đơn vị huấn luyện quân sự số 1, được mô tả là một "thần binh lợi kiếm" với mục tiêu trở thành lực lượng có "biện pháp đặc chủng, chiến pháp đặc thù, tác phong mạnh mẽ", "từ 'kỳ binh' trong kháng chiến chuyển thành lực lượng 'tinh nhuệ toàn năng' trên chiến trường hiện đại".
Các binh sĩ PLA trong trang phục có chữ "Balian" và "Xuefeng" tham gia dọn dẹp trên đường phố Hồng Kông (Ảnh: Takungpao)
Chương trình đào tạo và tuyển chọn khắc nghiệt
Năm 2010, lữ đoàn Xuefeng tổ chức "tuần huấn luyện ma quỷ" đối với đội đặc nhiệm Tianlang, bao gồm tập luyện thực hiến trên nhiều loại địa hình hiểm trở như rừng sâu, núi cao, vách đá, sa mạc,...
PLA Daily cho hay, trong kỳ huấn luyện khắc nghiệt này, các binh sĩ mỗi ngày chỉ được phát 1 bánh bao, 1 bình nước, một túi rau; hàng ngày chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ, hành quân 55km, và phải tập luyện sinh tồn dựa vào điều kiện tự nhiên như ăn bọ cạp, thằn lằn, uống nước mưa, máu rắn,...
Cùng năm, Tianlang còn lần đầu tiên tổ chức kỳ huấn luyện "niềm tin": Một người cầm bia, một người bắn súng. Đây được cho là cuộc thử thách khốc liệt đối với các xạ thủ, cả về trình độ xạ kích lẫn tâm lý, bởi những sai lầm có thể gây ra thương vong cho đồng đội.
Nhằm đào tạo mỗi binh sĩ thành một đặc nhiệm tinh nhuệ, lữ đoàn Xuefeng đưa ra mục tiêu "4 trong 1" đối với các thành viên: Biết nhảy dù trên không, mang vũ trang vượt sông, trên bộ biết lái xe, trên mạng biết chỉ huy.
Hình ảnh "Sói Tây Bắc" trên huy hiệu của Đội đặc nhiệm Thiên Lang, Trung Quốc (Ảnh: 81.cn)
"Không phải mỗi binh sĩ đều có đủ tiêu chuẩn trở thành lính đặc nhiệm," chỉ huy đội Tianlang Vương Khánh Tân trả lời trên tuần san Liaowang Dongfang năm 2010. Do những yêu cầu đặc thù về thân hình và tâm lý nên tỷ lệ bị loại trong các vòng tuyển chọn của Tianlang chỉ xếp sau các cuộc tuyển phi công của không quân.
Vương mô tả, một binh sĩ được tuyển vào Tianlang hoặc lữ đoàn Xuefeng cần phải có tố chất thể hình tốt, phản ứng nhạy cảm, tinh thần thép và trình độ kỹ thuật chiến thuật xuất sắc.
"Không sợ hãi" và "Đánh đâu thắng đó" là hai trong số bốn biểu ngữ xuất hiện trong doanh trại của Tianlang.
Liaowang cho hay, các thành viên đội Tianlang toàn bộ có trình độ cấp 3 trở lên, trên 30% đạt trình độ cao đẳng. 85% sĩ quan nắm vững kỹ thuật máy tính, tiếng Anh quân sự, thủ ngữ chống khủng bố,...
Theo ông Vương Khánh Tân, đào tạo một lính đặc nhiệm cần ít nhất 3 năm. Mỗi đội viên chạy 5km/ngày, mỗi tuần hai lần chạy việt dã vũ trang 10km. Mỗi ngày trước giờ ngủ tập 600 lần 6 bài tập thể lực khác nhau.
Trang Đa Chiều cho hay, nhiều khả năng các binh sĩ thuộc đội đặc nhiệm tinh nhuệ nói trên đã có mặt ở Hồng Kông trong đợt luân chuyển lực lượng ngày 29/8. Việc một đơn vị chống khủng bố "có máu mặt" ở miền Tây Trung Quốc được đưa tới Hồng Kông cũng được cho là bất thường và có thể coi là một thông điệp cứng rắn từ Bắc Kinh.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Hồng Kông diễn biến phức tạp và bạo lực leo thang từ ngày 11/11, nhóm Tianlang dường như đã được Quân ủy trung ương Trung Quốc giao trọng trách "trụ cột" của lực lượng PLA đồn trú.