Sức mạnh ngoài hành tinh nào đã tạo nên những chiếc hố bí ẩn ở Nam Mỹ?

S.T |

Một thập kỷ nay, các nhà hành tinh học tin rằng, những bồn trũng thon dài chạy song song hàng trăm km ở vùng Pampas (Nam Mỹ) hình thành từ các cuộc va chạm thiên thạch lớn.

Năm 1991, một số nhà địa chất học Argentina khi bay qua vùng Pampas (còn gọi là đồng bằng Pampean) đã quan sát thấy những hố trũng thon dài, như thể được tạc nên khi có rất nhiều vật thể khác nhau lao xiên xuống mặt đất, ở góc gần như nằm ngang.

Các bồn trũng này chạy song song với nhau, cho thấy các mảnh thiên thạch đã bay cùng một hướng. Trên mặt đất, họ cũng tìm thấy một số mẩu thiên thạch và các mảnh kính được sinh ra do nhiệt độ cao của vụ va chạm.

Sức mạnh ngoài hành tinh nào đã tạo nên những chiếc hố bí ẩn ở Nam Mỹ? - Ảnh 1.

Thiên thạch. Hình minh họa.

Từ những bằng chứng này, nhóm nghiên cứu suy đoán một thiên thạch lớn, rộng khoảng 150-300m đã văng ngang với vận tốc 90.000km/h, và sượt qua mặt đất ở góc nhỏ hơn 7 độ. Sự kiện này xảy ra khoảng 10.000 năm trước đây, khi đó trong vùng mới chỉ có các thổ dân châu Mỹ sinh sống.

Câu chuyện ly kỳ này được công bố năm 1992, khiến rất nhiều nhà khoa học "nóng mắt". Họ cho rằng một tảng thiên thạch lớn bay với góc thấp như vậy là không thể tồn tại.

Sau một thập kỷ, Philip A.Bland và cộng sự của ông đã vào nghiên cứu. Khi phân tích ảnh vệ tinh của hàng ngàn km2 trong vùng Pampas, nhóm nghiên cứu nhận thấy bức tranh lịch sử phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của họ.

Tuy các hố trũng chạy dọc khắp vùng và ở mỗi vùng, đều thẳng hướng với nhau, nhưng trên ảnh vệ tinh, chúng chẳng giống tí nào với các hố thiên thạch cả, mà giống như các đụn cát hơn.

Sức mạnh ngoài hành tinh nào đã tạo nên những chiếc hố bí ẩn ở Nam Mỹ? - Ảnh 2.

Miệng hố do thiên thạch Barringer đâm xuống bề mặt Trái Đất. (Ảnh: USGS).

Ngày 10/5 vừa qua, công bố trên tạp chí Science, Jay Melosh, cộng sự của Bland ở Đại học Arizona (Mỹ) cho biết: Những hố trũng này là do gió tạo nên, và ở mỗi địa phương, chúng xoay theo một hướng khác nhau, theo đúng hướng gió thịnh hành trong vùng.

Xa hơn nữa, nhóm của Bland kết luận rằng những mẩu thiên thạch được tìm thấy từ một thập kỷ trước đó quả đúng là sản phẩm của các vụ thiên thạch va chạm với trái đất, nhưng đã xảy ra từ rất lâu.

Chúng bị chôn vùi trong đất và cho đến gần đây thì lộ ra trong quá trình gió thổi mạnh các bồn trũng.

Bằng chứng là các mẩu thiên thạch này và cả những mẩu mới được tìm thấy gần đây có hình dạng và thời gian hình thành hoàn toàn khác nhau, chứng tỏ chúng xuất hiện trong những thời điểm địa chất cũng hoàn toàn khác nhau.

Vậy là sau một thế kỷ, bí mật về những chiếc hố trên đồng bằng Pampas đã có lời giải hợp lý hơn cả. Nhưng trong tương lai, có thể lại có những nhận định mới về những chiếc hố bí ẩn. Và chúng ta hãy cùng chờ xem.

Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 149-151, , NXB Từ điển Bách khoa

* Tiêu đề bài viết được tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại