Ảnh minh họa: AP
Theo đài RT, nhu cầu vũ khí của Ukraine bao gồm 1.000 pháo 155mm tiêu chuẩn NATO, 300 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái. Hiện vẫn chưa rõ Ukraine cần những loại máy bay không người lái và xe bọc thép nào để đẩy lùi cuộc tấn công đang diễn ra của Nga.
Nhiều tờ báo phương Tây chỉ ra rằng thực hiện các yêu cầu của Ukraine sẽ khiến Mỹ - nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Ukraine trong suốt cuộc xung đột - không khác gì phải giải giáp quân đội của chính mình.
Chẳng hạn, Ukraine đã yêu cầu cung cấp số lượng hệ thống MLRS lên tới gần một nửa kho vũ khí này còn lại của Mỹ. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Lục quân Mỹ có khoảng 363 pháo tên lửa bánh lốp HIMARS và 225 bệ phóng M270 MLRS, trong khi Thủy quân lục chiến Mỹ có thêm 47 chiếc.
Theo The Guardian, nhu cầu về pháo 155mm của Ukraine có thể làm cạn kiệt toàn bộ kho dự trữ hiện có của Mỹ, vì nếu đáp ứng, Lầu Năm Góc sẽ giao gần như toàn bộ số pháo M777 của mình. Tuy nhiên, tờ The Guardian không đề cập đến việc Mỹ còn dự trữ các hệ thống pháo kéo cũ hơn, có khả năng được cung cấp cho Ukraine.
Theo The Guardian, nhu cầu duy nhất của Ukraine có vẻ tương đối dễ dàng được đáp ứng là yêu cầu về xe tăng, vì riêng Lục quân Mỹ ước tính có một đội khoảng 6.000 chiếc Abrams đang được bảo quản và đang hoạt động.
Trong khi đó, tờ Financial Times đã giải thích cách khác, nói rằng yêu cầu vũ khí của ông Podolyak đã được đáp ứng một phần theo các đợt chuyển giao vũ khí trước đây từ các nước phương Tây, chứ không phải là một danh sách hoàn toàn mới.
Tuy vậy, ngay cả khi hiểu yêu cầu của Ukraine theo cách của tờ Financial Times thì danh sách vũ khí mong muốn của ông Podolyak chỉ có thể được đáp ứng khoảng 270 xe tăng được “giao hoặc được cam kết giao” trong cuộc xung đột. Tờ báo cũng thống kê khoảng 250 pháo cỡ 155mm trong danh sách, dường như bao gồm cả pháo kéo và pháo tự hành.
Các hệ thống tên lửa phóng loạt có vẻ khó đáp ứng nhất, vì chỉ có khoảng 50 chiếc - có vẻ như là các bệ phóng cũ từ thời Liên Xô do một số quốc gia châu Âu cung cấp.
Mỹ và Anh, cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, đã tích cực cung cấp cho chính quyền Ukraine các loại vũ khí cả trước và kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đang diễn ra. Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc bơm vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không làm thay đổi kết quả.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/6 cho biết ông đã thông báo với người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ an ninh mới trị giá 1 tỷ USD.
Trong một thông cáo báo chí, Tổng thống Biden nói rằng gói viện trợ an ninh mới cho Kiev sẽ bao gồm pháo, vũ khí phòng thủ bờ biển, cùng đạn pháo và các hệ thống rocket tiên tiến mà Ukraine yêu cầu trong cuộc xung đột với Nga, đặc biệt tại khu vực miền Đông Donbass.
Hãng tin Bloomberg cho biết Mỹ sẽ bàn giao cho Ukraine các tên lửa chống hạm Harpoon. Trước đó, tin cho biết Mỹ đã quyết định chuyển giao thêm 8 hệ thống MLRS cho Ukraine trong khi quân đội Ukraine có kế hoạch triển khai MLRS trên chiến trường vào tuần tới.