“Sức mạnh mới” cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57

TUẤN SƠN |

Cuối cùng, máy bay thế hệ thứ 5 của Nga Su-57 đã có “trái tim mới”, khi Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga công bố máy bay Su-57 đã thực hành chuyến bay thử đầu tiên với động cơ phản lực mới “Sản phẩm số 30”.

Dòng động cơ phản lực mới này được phát triển với mục tiêu tối ưu khả năng tàng hình của máy bay Su-57 khi hoạt động.

Trong chuyến bay thử đầu tiên kéo dài 17 phút với động cơ mới, phi công thử nghiệm Sergey Bordan đánh giá cao độ tin cậy của động cơ phản lực “Sản phẩm số 30”. 

Với động cơ mới, Su-57 đã mang đầy đủ tính năng của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 thực thụ khi đảm bảo được khả năng bay hành trình siêu âm và tối ưu khả năng tàng hình kể cả khi hoạt động với công suất lớn.

Mạnh mẽ hơn, đáng tin cậy hơn, chi phí duy trì thấp hơn

Trong quá trình thử nghiệm chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA, các nguyên mẫu T-50 đều sử dụng động cơ phản lực AL-41F1 với vòi phun điều khiển 3D chủ động. Đây vốn là động cơ dành cho máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35S.

Vấn đề này phát sinh do quá trình phát triển động cơ mới dành cho PAK FA là “Sản phẩm số 30” thời điểm đó vẫn trong quá trình hoàn thiện. Động cơ AL-41F1 dù mang nhiều đặc điểm ưu việt ở khả năng tiêu thụ nhiên liệu, hệ thống điều khiển số hóa, nhưng nó vẫn không đáp ứng yêu cầu động cơ phản lực thế hệ mới trang bị trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

“Sức mạnh mới” cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 - Ảnh 1.

Động cơ "Sản phẩm số 30" như mảnh ghép cuối cùng biến Su-57 trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hoàn chỉnh.

Theo lời ông V. Pryadk, động cơ “Sản phẩm số 30” giúp Su-57 bay nhanh hơn, tin cậy hơn và kinh tế hơn. Nó giúp máy bay thế hệ thứ 5 của Nga hoạt động trên không lâu hơn, tầm hoạt động lớn hơn so với máy bay chiến đấu thế hệ trước.

Chuyên gia công nghệ hàng không này đánh giá, động cơ “Sản phẩm số 30” đóng vai trò quan trọng trong cả chương trình phát triển máy bay PAK FA. 

Chính vì tiến trình phát triển động cơ phản lực thế hệ mới này chậm trễ, giới chuyên gia quân sự Nga trước đây từng bày tỏ hoài nghi về tương lai của Su-57 so với việc sản xuất hàng loạt máy bay Su-35S vì nó đã là sản phẩm hoàn chỉnh.

Ưu việt hơn so với “đối thủ bên kia bờ đại dương”

Thực tế, việc thử nghiệm động cơ “Sản phẩm số 30” đã được thực nghiệm trên các nguyên mẫu T-50 sản xuất lô thứ 2 từ T-50-6 tới T-50-11.

Đại diện Tập đoàn chế tạo Hàng không hợp nhất Liên bang Nga (UAC) khẳng định, động cơ “Sản phẩm số 30” là thế hệ động cơ hoàn toàn mới, chứ không phải biến thể nâng cấp từ động cơ phản lực hiện có.

Điểm mạnh của động cơ mới là sử dụng cơ cấu nén khí mới giúp hòa quyện tốt hơn các dòng khí lạnh và nóng trong động cơ để tăng hiệu suất lực đẩy tổng thể, cũng như hệ thống điều khiển số hóa thế hệ mới giúp tối ưu quy trình hoạt động.

Cung cấp lực đẩy tới 15 tấn (đốt tăng lực là 19 tấn), động cơ “Sản phẩm số 30” giúp Su-57 có thể bay hành trình siêu âm mà không cần bật chế độ đốt tăng lực.

“Sức mạnh mới” cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor trong biên chế Không quân Mỹ.

Chuyên gia công nghệ hàng không Anton Chechukov đánh giá: “Động cơ “Sản phẩm số 30” được trang bị nhiều công nghệ mang tính đột phá, có một không hai trên thế giới. Chúng tôi tin rằng, động cơ mới của Nga có nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn so với các động cơ đang được trang bị trên các dòng máy bay thế hệ 5 khác trên thế giới”.

Từ các thông tin công khai, cặp động cơ “Sản phẩm số 30” trên máy bay Su-57 tạo ra lực đẩy tới 36 tấn. Trong khi đó, động cơ trên máy bay F-22 Raptor của Mỹ chỉ là 32 tấn. Ngoài ra, “Sản phẩm số 30” còn đảm bảo duy trì lực đẩy của động cơ ở mọi hướng phụt giúp máy bay không bị thất tốc khi cơ động.

Nói cách khác, với động cơ mới, Su-57 sẽ có khả năng cơ động ở tốc độ cao và ưu thế hơn hẳn so với các dòng máy bay chiến đấu hiện có của Mỹ và phương Tây. 

Có thể dễ dàng hình dung, trong tác chiến quần vòng, chiếc Su-57 có thể đột ngột thay đổi hướng bay mà không bị giảm tốc độ để vọt ra khỏi tầm giám sát của ra-đa máy bay đối phương sẽ tạo ưu thế lớn như thế nào trong không chiến.

Su-57 đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt

Hồi tháng 7-2017, Thượng tướng Victor Bondarev, Tư lệnh Không quân Nga thời điểm đó đã ký biên bản ghi nhớ cho phép sản xuất thử nghiệm máy bay Su-57. Thực tế, các nguyên mẫu T-50-10 và T-50-11 chính là phiên bản hoàn thiện của máy bay Su-57 được sản xuất thử nghiệm.

Máy bay Su-57 với động cơ "Sản phẩm số 30" trong chuyến bay thử đầu tiên.

“Chúng tôi có thể khẳng định, những giới hạn về sinh lý đối với phi công khi điều khiển máy bay PAK FA là không tồn tại. Các nhà phát triển đang tiếp tục làm việc để tối ưu cho vấn đề này”, ông V. Bondarev cho biết.

Tới thời điểm hiện tại, các hạng mục trang bị trên máy bay Su-57 như: Vũ khí, hệ thống điện tử trên khoang, ra-đa và trang bị đi kèm… đã hoàn thiện. Động cơ “Sản phẩm số 30” chính là yếu tố cuối cùng để Su-57 trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hoàn chỉnh.

Vẫn chưa rõ năng lực chế tạo máy bay Su-57 của hãng Sukhoi. Tuy nhiên, theo chương trình mua sắm vũ khí quốc gia Nga đến năm 2025, sẽ có 60 máy bay Su-57 được cung cấp cho Không quân Nga. 12 chiếc Su-57 đầu tiên theo dây chuyền lắp ráp hàng loạt sẽ xuất xưởng và chuyển giao vào năm 2021.

Nga đang có kế hoạch, trang bị các loại vũ khí vốn thuộc máy bay Su-57 lên các dòng máy bay chiến đấu trước đó của Nga. Đại diện Tập đoàn Tactical Missiles khẳng định, các dòng vũ khí mới trang bị trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sẽ sớm có biến thể phù hợp trang bị trên nhiều dòng máy bay chiến đấu hiện có của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại