Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn?

Trang Ly |

Siêu bão Dorian xác lập kỷ lục là trận bão mạnh nhất trong lịch sử Quần đảo Bahamas; đồng thời là siêu bão mạnh thứ hai trong lịch sử Đại Tây Dương.

Sáng ngày 2/9/2019, siêu bão Dorian Cấp 5 (cấp thảm họa, mạnh nhất trên thang đo bão Saffir-Simpson) đã đổ bộ miền Bắc Quần đảo Bahamas và tàn phá quốc gia vùng Caribe nặng nề với sức gió hủy diệt lên đến 290 km/giờ.

Sự xuất hiện của siêu bão Dorian ngay lập tức xác lập kỷ lục là siêu bão mạnh nhất trong lịch sử Quần đảo Bahamas; đồng thời là siêu bão mạnh thứ hai trong lịch sử Đại Tây Dương.

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 1.

Ngày 28/8, vệ tinh thời tiết Aqua của NASA cung cấp những hình ảnh đầu tiên về bão Dorian. Theo phân tích của NASA thời điểm đó, bão Dorian mới chỉ đạt Cấp 1 (sức gió từ 119 đến 153 km/giờ).

Chỉ vài ngày sau, từ cơn bão Cấp 3 (ngày 30/8), Dorian đã tăng cấp dữ dội, đạt cực đỉnh để trở thành siêu bão Cấp 5 (ngày 1/9) với sức gió trên 250 km/giờ, càn quét dữ dội ở những nơi mà nó đi qua. 

CNN ngày 6/9 thông tin, hậu quả mà siêu bão mạnh nhất lịch sử Quần đảo Bahamas để lại rất tàn khốc: Số người chết không ngừng tăng lên, đặc biệt là hòn đảo Great Abaco và quần đảo Grand Bahama, nơi tâm bão đổ bộ đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Siêu bão Dorian đã gây nên một bi kịch lịch sử chưa từng có với người dân quốc đảo vùng Caribe: Hội Chữ thập đỏ ước tính, có tới 13.000 ngôi nhà tại đảo Grand Bahama và Abaco bị phá hủy và hư hỏng nặng sau khi Dorian đổ bộ; Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 60.000 người dân nước này cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu khẩn cấp.

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 2.

Siêu bão Dorian đã gây nên một bi kịch lịch sử chưa từng có với người dân Quần đảo Bahamas. Photo: Jose Jimenez / Getty Images

Tính đến ngày 6/9, đã có 30 người thiệt mạng, hàng trăm (thậm chí hàng nghìn) người mất tích, AP thông tin. Hệ thống điện, thông tin liên lạc và giao thông của quốc đảo này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ quan cứu nạn của Quần đảo Bahamas vẫn tiếp tục tìm kiếm cư dân mất tích sau trận siêu bão lịch sử.

Hiện tại, siêu bão Dorian đã hạ cấp dần (xuống Cấp 2), với sức gió mạnh nhất đạt 161 km/giờ khi đổ bộ vào các bang miền nam của Mỹ (như Florida, Virginia, Georgia, Carolinas...). Bão tiếp tục gây mưa lớn, mất điện trên diện rộng, theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo bão Quốc gia Mỹ (NHC).

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 3.

Lý giải nguyên nhân cụ thể tăng tốc sức mạnh 'quái vật' của siêu bão Dorian, National Geographic cung cấp bài viết tựa đề "How warm oceans supercharge deadly hurricanes", mời độc giả theo dõi.

Sau khi đạt đỉnh, trở thành siêu bão Cấp 5 ngày 1/9, siêu bão Dorian đổ bộ miền bắc Quần đảo Bahama. Liên tiếp trong 24 giờ sau khi đổ bộ, siêu bão Dorian tàn phá quốc đảo này với sức gió hủy diệt, gây nên những trận mưa dữ dội, cuồng phong và lụt lội gần biển nhiều nơi.

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 4.

Washington Post nhận định, siêu bão Dorian còn có thể lập thêm kỷ lục là siêu bão duy trì sức mạnh Cấp 4 và Cấp 5 lâu nhất khi tấn công (đổ bộ) một địa điểm thuộc Bắc Đại Tây Dương (Quần đảo Bahamas) kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên vệ tinh. Nghĩa là bão di chuyển chậm hơn nhưng vẫn duy trì sức mạnh. Tuy nhiên, vì dữ liệu lịch sử tương đối thưa thớt nên kỷ lục này cần có thêm minh chứng.

Từ lâu nay, giới chuyên gia khí tượng thế giới rất thận trọng khi đưa ra nhận định về sự gia tăng sức mạnh của các cơn bão gần đây (bất thường về cường độ và số lượng) gắn với vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, như nhận định của Washington Post, sức mạnh hủy diệt kèm tốc độ tăng cấp khác thường của siêu bão Dorian PHÙ HỢP với những tiên liệu sẽ có trong một trận bão dữ dội ở thời của một thế giới khi mà sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nói về sức mạnh tăng tốc của siêu bão Dorian, NASA miêu tả: "Nguồn nhiên liệu" gia tăng thêm sức mạnh cho siêu bão Dorian đến từ những vùng nước ấm rộng lớn ở Quần đảo Bahamas và phía nam bang Florida (Mỹ).

Trong bản phúc trình lần thứ 4 của cơ quan Đánh giá Khí hậu Quốc gia Mỹ (NCA) đề cập đến vấn đề: Các cơn bão trong tương lai có thể dữ dội hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn trong bối cảnh khí hậu ấm hơn. Một số nghiên cứu đã cho thấy, bầu không khí nóng hơn có thể làm cho gió chậm hơn, từ đó khiến bão di chuyển chậm hơn và ẩm ướt hơn.

Để hiểu được điều này, phải hiểu mối liên hệ giữa nước (đại dương) ấm và bão.

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 5.

Khi một cơn bão đổ bộ đất liền như cơn bão Harvey ở bang Houston (Mỹ) năm 2017 và cơn bão Florence ở Carolinas (Mỹ) năm 2018, nó thường suy yếu nhanh chóng vì không còn nước biển ấm để cung cấp nhiên liệu.

Đối với siêu bão Dorian, khi đi đến vùng biển ngoài khơi Quần đảo Bahamas, nó đã được nạp năng lượng dồi dào từ khối không khí nóng ẩm (di chuyển theo mùa) từ Đại Tây Dương thổi vào.

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 6.

Nguyên lý: Khối khí nóng khiến cho nhiệt độ ở bề mặt đại dương và sâu dưới biển ấm lên rõ rệt. Không những thế, khi thổi qua đại dương, khối không khí nóng này làm cho nước bốc hơi mạnh và bay vào bầu khí quyển nơi nó nguội đi, ngưng tụ và tạo thành những đám mây bão.

Dorian nhanh chóng có được sức mạnh từ đây, để rồi đổ bộ đất liền với sức hủy diệt khủng khiếp.

Theo NASA, nhiệt độ bề mặt đại dương phải ở khoảng 26 độ thì một cơn bão mới có thể hình thành.

Với siêu bão Dorian ở Quần đảo Bahamas, sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó, trong khi gió trong bầu khí quyển sẽ quyết định tốc độ của bão di chuyển trên đại dương nhanh hay chậm. Những cơn bão hút được nhiều hơi nước ấm hơn sẽ gây mưa nhiều hơn.

Khi một cơn bão gặp phải một vùng nước biển lạnh, sức mạnh tự nhiên của bão có thể bị suy giảm do chúng không còn nhận được nguồn nhiên liệu để duy trì hệ thống.

Hiện nay, dù Dorian đã giảm cấp song các nhà khí tượng Mỹ vẫn theo sát sức mạnh và đường đi của Dorian khi nó tiến vào Bờ Đông nước Mỹ cuối tuần này.

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 7.

Các nhà khoa học Trái Đất lo ngại, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người phát thải (chủ yếu) ra bầu khí quyển đang khiến cho sự nóng lên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kết quả, không chỉ khiến băng ở hai cực tan nhanh mà còn khiến cho đại dương ngày càng nóng lên, góp phần tăng tốc sức mạnh của các cơn bão.

Viện Vật lý Khí quyển (IAP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 2018 báo cáo: Năm 2018, nhiệt độ đại dương giữ kỷ lục nóng nhất trong lịch sử 70 năm trở lại đây.

Cụ thể, phần trên cùng của đại dương thế giới đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 (Mức nhiệt "quái vật" này bằng 19,67 x 1022 Joules).

Lý giải nguyên nhân khiến đại dương năm 2018 giữ mức kỷ lục về hấp thu nhiệt, các nhà khoa học cho biết, vì sự nóng lên toàn cầu được thúc đẩy bởi "sự mất cân bằng năng lượng" của Trái Đất do có nhiều khí nhà kính trong không khí, nên có đến hơn 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu được lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.

Việc nước đại dương càng ngày càng ấm lên sẽ khiến cho chúng ta hứng chịu nhiều cơn bão, siêu bão mạnh và khó lường trong tương lai.

Những hình ảnh bi kịch tại Quần đảo Bahamas sau khi siêu bão Dorian càn quét:

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 9.

Photo: Dante Carrer / Reuters

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 10.

Photo: Handout / Getty Images

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 11.

Photo: Dante Carrer / Reuters

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 12.

Photo: Marco Bello / Reuters

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 13.

Photo: Ramon Espinosa / AP

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 14.

Photo: Dante Carrer / Reuters

Bi kịch lịch sử từ siêu bão Dorian: Vì sao bão ngày càng hung dữ và bất thường hơn? - Ảnh 15.

Cứu trợ lương thực thiết yếu cho người dân vùng bão. Photo: Miami Herald / Getty Images

Bài viết sử dụng nguồn: AP, CNN, Washington Post, National Geographic

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại