Thế giới còn bao nhiêu vũ khí hạt nhân?
Dựa trên số liệu thống kê của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ), tờ Telegraph ước tính các quốc gia sở hữu VKHN trên thế giới hiện có tổng cộng gần 15.000 đầu đạn hạt nhân. Số lượng đầu đạn hạt nhân phục vụ trong quân đội ước tính dưới 10.000 và phần còn lại đang chờ dỡ bỏ.
Bản báo cáo thường niên về số lượng VKHN trên thế giới công bố mới đây, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng đưa ra con số tương tự. Theo đó, tại thời điểm đầu năm 2017, SIPRI ước tính tổng số đầu đạn hạt nhân của các quốc gia sở hữu VKHN là gần 14.935 đơn vị.
Con số này đã sụt giảm chút ít so với con số năm 2016 khoảng 15.395 đơn vị. Trong số này, đầu đạn hạt nhân cấp chiến dịch là khoảng 4.150 đơn vị.
Số vũ khí khổng lồ trên được 9 quốc gia trên thế giới nắm giữ, trong đó theo Hiệp ước Không phổ biến VKHN, chỉ có 5 quốc gia được chính thức công nhận sở hữu VKHN là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, hiệp ước này không cho phép 5 quốc gia nêu trên phát triển hay duy trì VKHN mãi mãi. Bởi vậy, cả 5 quốc gia này đều cam kết loại bỏ VKHN. 4 quốc gia khác gồm: Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên cũng được cho là sở hữu VKHN, mặc dù không ký kết hiệp ước trên.
Tàn tích sau vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Ảnh: AP
Nếu xét về số lượng sở hữu, Nga và Mỹ gần như bỏ xa các quốc gia khác khi nắm trong tay tới 88% kho VKHN của thế giới. Con số này sẽ là gần 93% nếu xét cả những VKHN không còn được sử dụng. Trong báo cáo của mình, SIPRI cho biết Mỹ đang sở hữu khoảng 6,8 nghìn đầu đạn hạt nhân và Nga có khoảng gần 7 nghìn đầu đạn hạt nhân.
Con số này ở Anh là khoảng 215, Pháp là 300 và Trung Quốc là 270. Trong khi đó, cả 4 quốc gia Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên ước tính sở hữu tổng cộng 340 vũ khí hạt nhân. Số đầu đạn hạt nhân Triều Tiên sở hữu chưa được kiểm chứng, nhưng giới chuyên gia ước đoán vào khoảng 10-20 đầu đạn.
Sức mạnh đáng sợ
Nếu nhìn những gì đã xảy ra đối với hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki, nơi hứng chịu sức tàn phá của những quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1945, có thể dễ dàng nhận thấy sức mạnh đáng sợ của loại vũ khí hủy diệt này.
Theo nghiên cứu của Telegraph, khoảng 15.000 VKHN đang tồn tại trên thế giới đủ để giết chết hàng triệu người và san bằng nhiều thành phố. Riêng kho VKHN mà Nga và Mỹ sở hữu đã có sức công phá tương đương 6.600 megaton (triệu tấn thuốc nổ TNT), tức bằng 1/10 tổng số năng lượng mặt trời mà Trái Đất tiếp nhận mỗi phút.
Đáng chú ý, theo trang NukeMap, một quả bom B-83 - loại bom lớn nhất của Mỹ, nếu phát nổ có thể giết chết 1,4 triệu người trong 24 giờ đầu tiên. Hơn 3,7 triệu người sẽ bị thương vì bán kính bức xạ nhiệt 13km của loại bom.
Tương tự, một quả bom Tsar Bomba, loại bom có sức công phá kinh hoàng nhất trong lịch sử VKHN, nếu được thả xuống thành phố New York (Mỹ) có thể khiến 7,6 triệu người thiệt mạng và 4,2 triệu người bị thương. Bụi phóng xạ có thể bao phủ diện tích 7.880km, tác động lên hàng triệu người nữa.
"Giảm lượng, tăng chất"
Đề cập đến khuynh hướng sở hữu VKHN trên thế giới trong báo cáo thường niên, SIPRI nhận định rằng dù giảm dần số lượng VKHN, song các quốc gia sở hữu chúng vẫn tăng cường hiện đại hóa hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới.
Đối với Anh, theo các số liệu được công bố hồi tháng 1-2017, hơn nửa trong số đầu đạn hạt nhân của nước này đã sẵn sàng cho các hoạt động tác chiến nếu như xảy ra chiến tranh. Năm 2016, Quốc hội Anh bỏ phiếu ủng hộ chương trình hiện đại hóa các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Trident.
Một quốc gia châu Âu khác là Pháp cũng đưa ra tuyên bố về các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình. Theo đó, đến năm 2035, Pháp dự định sẽ khai thác tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới được trang bị các tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, dù bị ràng buộc bởi nhiều hiệp ước nhằm giới hạn số lượng và loại đầu đạn cũng như hệ thống phóng hạt nhân, hai cường quốc là Nga và Mỹ đều tỏ ý sẽ không đơn phương cắt giảm VKHN, thậm chí còn mong muốn "dẫn đầu" về năng lực hạt nhân.
Hai cường quốc này có những chương trình hiện đại hóa với chi phí đắt đỏ đối với hệ thống hạt nhân, các đầu đạn hạt nhân và cơ sở chế tạo hạt nhân của mình. Những quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn hơn cũng đều đang phát triển hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới, hoặc tuyên bố ý định làm như vậy.
Các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tham vọng tăng cường sức mạnh hạt nhân đã trở lại và điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ vẫn phải "đau đầu" trước những bước đi khó lường của các quốc gia sở hữu vũ khí đáng sợ này.