Sức mạnh hải quân Nga cuộn trào từ lòng biển, không phải trên mặt nước!

Trung Phạm |

Việc duy trì được ít nhất một vài phương tiện hải quân mặt nước là yếu tố quan trọng nhưng với Nga, danh tiếng về một cường quốc quân sự lớn phải dựa nhiều hơn vào các tàu ngầm.

Tàu mặt nước suy yếu

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng suy giảm rõ rệt nhất trong các đơn vị vũ trang Nga có lẽ là binh chủng tàu chiến mặt nước hải quân. Thời kỳ khi Liên Xô còn tồn tại, phần lớn các tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Quân chủng Hải quân được đóng ở Ukraine, gồm cả các tàu khu trục và tàu sân bay.

Các siêu tàu sân bay đầu tiên lớp Ulyanovsk của Liên Xô cũng được đóng tại nhà máy đóng tàu nổi tiếng Black Sea ở Mykolaiv của Ukraine vào thời điểm liên bang này tan rã.

Kế thừa các di sản của Liên Xô, nước Nga sau này và cho tới tận ngay nay, vẫn chưa thể phát triển được một ngành công nghiệp đóng tàu mặt nước đủ mạnh để cho ra đời các tàu chiến hiện đại cỡ lớn trang bị cho hải quân.

Sức mạnh hải quân Nga cuộn trào từ lòng biển, không phải trên mặt nước! - Ảnh 1.

Tàu khu trục lớp Udaloy của Nga

Tất cả các tàu khu trục trong biên chế của hải quân Nga hiện nay, kể cả chiếc tàu ngầm duy nhất - Đô đốc Kuznetsov cũng đều kế thừa từ Liên Xô và được hạ thủy bên ngoài nước Nga.

Mặc dù đã nâng cấp đáng kể các khả năng tác chiến của tàu mặt nước, đưa vào trang bị những hệ thống vũ khí hiện đại nhất như tổ hợp S-300F phiên bản hải quân và tên lửa hành trình mới Kalibr, Hải quân Nga vẫn đang ở vị thế mất cân bằng lớn nếu so với các cường quốc khác trên thế giới.

Hiện nay, mặc dù Hải quân Nga đang sở hữu hạm đội tàu khu trục lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản nhưng lực lượng này vẫn chưa thể bù đắp được cho những mất mát sau khi Liên Xô sụp đổ hay đưa vào biên chế các tàu mới để khuếch trương sức mạnh.

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu những tàu chiến này nghỉ hưu trong vài thập kỷ tới thì binh chủng hải quân mặt nước của Nga sẽ như thế nào? Các chương trình cải tiến, kéo dài tuổi thọ và nâng cấp vũ khí cho đến nay chỉ diễn ra với các chiến hạm từ thời Liên Xô.

Sức mạnh hải quân Nga cuộn trào từ lòng biển, không phải trên mặt nước! - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-33 bay phía trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Tàu ngầm lên ngôi

Trong khi các khả năng đóng tàu mặt nước của Nga vẫn còn nghèo nàn thì Moscow lại được thừa kế cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết để chế tạo những loại tàu chiến đóng vai trò nòng cốt trong học thuyết phòng thủ đất nước, đó chính là các tàu ngầm tấn công nhanh và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Đặc điểm này, xét theo nhiều góc độ rất giống với nước láng giềng Triều Tiên - quốc gia với những khả năng phòng thủ dựa chủ yếu vào tàu ngầm hơn là tàu mặt nước. Tương tự Triều Tiên, Nga sở hữu các khả năng chế tạo tàu ngầm tiên tiến nhưng lại chỉ có thể sản xuất được các tàu chiến hạng nhẹ cơ bản cho hạm đội mặt nước.

Kết quả là, Nga có thể đầu tư mạnh mẽ vào việc hiện đại hóa các khả năng tàu ngầm và trên thực tế đã nâng cao đáng kể sức mạnh kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Ngành công nghiệp này không những đáp ứng đủ nhu cầu của Hải quân Nga mà còn xuất khẩu nhiều tàu ngầm tấn công diesel cho các nước bạn bè đồng minh.

Các tàu ngầm lớp Kilo - "Hố Đen Đại Dương" theo cách gọi của phương Tây bởi sự tĩnh lặng cực kỳ của nó là một ví dụ điển hình, trở thành một trong những loại tàu chiến được sản xuất nhiều nhất của Nga và các biến thể tiên tiến của nó đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Iran, Algeria và Việt Nam.

Sức mạnh hải quân Nga cuộn trào từ lòng biển, không phải trên mặt nước! - Ảnh 3.

Tên lửa hành trình Kalibr

Những quốc gia này cũng đã được cung cấp các tên lửa hành trình Kalibr mới nhất, giúp các đối tác của Nga có trong tay loại vũ khí giá trị, đồng thời mang lại cho Moscow thêm nguồn tài chính phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.

Viễn cảnh sản xuất các tàu ngầm lớp Kilo dự kiến sẽ còn rất sáng sủa khi nhiều nước như Indonesia, Venezuela và Ai Cập vẫn đang mong muốn sở hữu chúng.

Ngoài ra, Nga còn đang có những dự án tàu ngầm tham vọng khác như tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Yasen - được phát triển từ những năm 1990 và mới chỉ đưa vào biên chế năm 2013. Đó là chưa kể tới dự án Husky tân tiến hơn.

Hải quân Nga hiện mới chỉ triển khai có 1 chiếc lớp Yasen nhưng hai chiếc khác cùng lớp đang chạy thử trên biển và tổng cộng sẽ có khoảng 10 chiếc theo kế hoạch. Đối ngược với các khả năng mặt nước, tàu ngầm Nga được xếp vào loại tiên tiến nhất trên thế giới.

Các tàu chiến với chiều dài 140 m này có tầm hoạt động không hạn chế, có khả năng triển khai 40 tên lửa hành trình Kalibr và Kh-101 để thực hiện vai trò tấn công cùng với các ngư lôi. Chúng có thể mang theo 32 tên lửa hành trình chống hạm Oniks động cơ ramjet để thay thế cho Kalibr.

Mặc dù có kích thước to lớn nhưng các tàu ngầm Yasen chỉ có thủy thù đoàn 90 người, cho thấy chúng có các mức độ tự động hóa cao so với các đối thủ Mỹ, Trung. Bản thân các tàu lớp Yasen cũng để lại ấn tượng rất mạnh mẽ với các quan chức hàng đầu của Hải quân Mỹ.

Với việc các tàu ngầm tấn công mới Husky và các tàu ngầm không người lái vũ trang hạt nhân sẽ được sản xuất trong tương lai gần, các khả năng đóng tàu ngầm của Nga sẽ còn tiếp tục được cải thiện.

Sức mạnh hải quân Nga cuộn trào từ lòng biển, không phải trên mặt nước! - Ảnh 4.

Dự án tàu ngầm thế hệ thứ năm lớp Husky của Nga. Ảnh: RIA Novosti

Liệu Nga có khôi phục được vị thế là quốc gia chế tạo tàu chiến mặt nước hàng đầu thế giới hay không vẫn là một cầu hỏi còn để ngỏ.

Nhưng với việc các tàu chiến dạng này ngày càng dễ bị tổn thương trước các công nghệ tên lửa chống hạm tiên tiến cũng như thiếu vắng các khả năng sống sót và tác chiến phi đối xứng của tàu ngầm, Nga có lẽ sẽ không việc gì phải lãng phí hàng tỷ USD để khôi phục khả năng đóng tàu mặt nước hay đáng phải đầu tư trong tương lại gần.

Điều này dự kiến sẽ tiếp tục định hình cơ cấu Hải quân Nga trong những thập kỷ tới đây. Trong khi các hạm đội tàu khu trục và tàu sân bay sẽ tiếp tục được cải tiến và tái trang bị thì lực lượng tàu ngầm mới đáng được đầu tư mở rộng và hiện đại hóa, cả để bảo vệ các vùng biển của Nga và cả để khuếch trương sức mạnh ra bên ngoài.

Tất nhiên, việc duy trì được ít nhất một vài phương tiện hải quân mặt nước là yếu tố khá quan trọng nhưng đối với Nga, danh tiếng về một cường quốc quân sự lớn phải dựa ngày càng nhiều hơn vào các tàu ngầm.

Từ những tiến bộ trong công nghệ vũ khí chống hạm những năm gầy đây, dễ nhận thấy rằng đây có lẽ cũng sẽ là xu hướng chung đang được các cường quốc hải quân trên thế giới tập trung đẩy mạnh trong những năm tới.

Nga công bố video tàu ngầm nguyên tử bắn tên lửa Kalibr

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại