Sức mạnh biển và tinh thần thượng tôn pháp luật

Hồng Ngọc |

Mọi hoạt động dù đơn thuần là xây dựng, củng cố sức mạnh hay tăng cường đối phó với các nguy cơ thì đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong bối cảnh các tranh chấp trên biển ngày càng nóng, việc tăng cường xây dựng sức mạnh trên biển là phương thức cơ bản để các nước bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Lực lượng trên biển ở đây là tên gọi chung của các lực lượng quân sự và bán quân sự có thể sử dụng để bảo vệ lợi ích biển quốc gia, với chủ thể của nó là Hải quân.

Tuy nhiên, mọi hoạt động dù đơn thuần là xây dựng, củng cố sức mạnh hay tăng cường đối phó với các nguy cơ thì đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Sức mạnh biển và tinh thần thượng tôn pháp luật - Ảnh 1.

Chiến sĩ Hải quân đứng gác canh giữ cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Lê Đồng

Mạnh từ nội lực

Theo giới phân tích, nếu làm phép so sánh thì lực lượng trên biển của Việt Nam, Malaysia và Indonesia có sự phát triển nhanh chóng, trong đó, sự phát triển của Việt Nam là nhanh chóng nhất. Trên thực tế, sự nâng cấp nhanh chóng về quy mô và trình độ công nghệ của lực lượng trên biển Việt Nam là hiếm thấy.

Rất khó tìm trong lịch sử Hải quân một nước nhỏ đang phát triển lại có lực lượng trên biển hiện đại với quy mô lớn như vậy. Ít nhất, trong lịch sử Đông Á, ngoài Trung Quốc, chỉ có sự lớn mạnh của lực lượng Hải quân đầu tiên của Nhật Bản sau thời cải cách Minh Trị là có thể so sánh được.

Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam đã thiết lập và duy trì phương châm chiến lược “phòng ngự tích cực”, coi tác chiến trên biển là nhiệm vụ quốc phòng cơ bản.

Căn cứ vào "Chiến lược mới về quân sự và quốc phòng toàn dân", “Chiến lược quân sự trước năm 2010” của Việt Nam được công bố năm 2003, “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” được công bố năm 2007 và một số quy hoạch phát triển Hải quân trong ngắn hạn và dài hạn, lực lượng trên biển của Việt Nam đã tập trung sức xây dựng Hải quân làm hạt nhân, lấy các đảo san hô làm hệ thống phòng thủ, hình thành vững chắc chuỗi đảo phòng ngự ba lớp; đồng thời, chuyển đổi mô hình sang một lực lượng trên biển có năng lực hành động khu vực, dần dần có năng lực bảo vệ tàu và năng lực tác chiến ở biển xa, tìm kiếm ưu thế tương đối trong vùng biển tranh chấp cục bộ.

Lực lượng trên biển của Việt Nam có sự phát triển quy mô khá lớn trong hơn 10 năm ngắn ngủi với quy mô đầu tư tăng đáng kể.

Cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, chi ngân sách quốc phòng cũng gia tăng tương ứng, đầu tư cho lực lượng trên biển cũng theo đà phát triển.

Cùng với Việt Nam, ngân sách quốc phòng của Indonesia - nước lớn quân sự hàng đầu ở Đông Nam Á tăng từ 3 tỷ USD lên 7,78 tỷ USD, tăng khoảng 2,6 lần; ngân sách quốc phòng của Philippines tăng từ 2,5 tỷ USD lên 3,99 tỷ USD, tăng khoảng 1,6 lần; Malaysia thì tăng từ 3,9 tỷ USD lên tới 4,3 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 lần.

Về xây dựng lực lượng bán quân sự, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nguồn lực lớn để mở rộng xây dựng lực lượng cảnh sát biển, đồng thời mua tàu tuần tra xa bờ, máy bay tuần tra để gia tăng khả năng hành động biển xa của cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, nâng cao khả năng giám sát trinh sát và cảnh báo trên biển xa.

Tôn trọng luật pháp

Kể từ khi thực thi chính sách Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam tin rằng một môi trường quốc tế hòa bình và thuận lợi là không thể thiếu để phát triển kinh tế, và một trong những mục tiêu chính của chính sách đối ngoại Việt Nam là “tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi và những điều kiện thuận lợi để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, nguyên tắc chính sách đối ngoại “duy trì một môi trường hòa bình” cũng được phản ánh trong chiến lược giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các nước khác chỉ bằng biện pháp hòa bình.

Bất kỳ sự đối đầu nào với các nước khác có liên quan đến các vấn đề tranh chấp sẽ không tránh khỏi việc gây tổn hại đến mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu là duy trì một môi trường hòa bình.

Năm 2009, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng tái khẳng định rằng: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là nhằm giải quyết cả những tranh chấp lịch sử lẫn những tranh chấp mới nổi về chủ quyền lãnh thổ trên đất liền và trên biển thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Mục tiêu của Việt Nam là không để các cuộc đấu tranh liên quan đến các vấn đề hàng hải tác động tiêu cực đến khía cạnh hợp tác hay toàn bộ quan hệ với các nước liên quan.

Giới phân tích nhận định trên thực tế, Việt Nam ngày càng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Bằng việc tuân thủ và dựa vào luật pháp quốc tế, Việt Nam đang hóa giải dần những bất đồng và tới nay chưa phải viện đến sự phân xử của bên thứ ba để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Việt Nam đã ủng hộ động thái của Philippines đưa tranh chấp trên Biển Đông của nước này ra phân xử theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Ngày 5-12-2014, Việt Nam đã đệ trình lên đoàn trọng tài một tuyên bố công nhận quyền tài phán của Tòa Trọng tài đối với trường hợp này và bác bỏ “Đường 9 đoạn”.

Trước phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 7-7-2016, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Việt Nam hoan nghênh thực tế rằng ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết trong vụ phân xử... Việt Nam mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trong đó có các tiến trình pháp lý và ngoại giao... và việc tôn trọng pháp trị ở các vùng biển và đại dương”.

Trong các cuộc khủng hoảng do hành động của các nước trên Biển Đông từ trước đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện những đối sách phù hợp trong mối quan hệ không đối xứng để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong khi tìm cách duy trì một mối quan hệ hòa bình với các bên liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại