Sau khi hình tượng Diệp Vấn được phổ biến tại Việt Nam thông qua những tác phẩm điện ảnh, Vịnh Xuân cũng trở thành cái tên rất “hot” trong làng võ Việt Nam.
Để tìm hiểu sâu hơn về sức mạnh thực sự của môn phái này, chúng tôi tìm đến võ sư Nguyễn Khắc Chương – Chưởng võ phái Y Võ Thiên Phúc, một cao thủ hàng đầu trong làng Vịnh Xuân Việt Nam, người được giới võ lâm ca ngợi là “thần lực công phu”.
Sự khác biệt giữa Vịnh Xuân Việt Nam và Vịnh Xuân của Diệp Vấn
Một sáng mùa xuân khi tiết trời Hà Nội vẫn còn dầm dề bởi những cơn mưa phùn, võ đường Y Võ Thiên Phúc vẫn hoạt động từ sáng sớm như thường lệ.
Sau khi thiền để luyện nội công, võ sư Nguyễn Khắc Chương bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về sức mạnh thực sự của Vịnh Xuân Việt Nam.
Theo võ sư, cũng giống như tại Hồng Kông (Trung Quốc) hay Trung Hoa đại lục, Vịnh Xuân Việt Nam vẫn là môn võ thuật nội gia (sử dụng nội lực, thiên về nhu nhuyễn), trái ngược với các môn ngoại gia vốn thiên cương, chú trọng sức mạnh.
Tuy nhiên, Vịnh Xuân Việt Nam lại có những đặc điểm rất khác biệt so với chi phái tại Hồng Kông, vốn được phát triển bởi đại tông sư Diệp Vấn.
Võ sư Chương lý giải, sự khác nhau này nằm ở chỗ, Vịnh Xuân Hồng Kông phát triển theo hướng phổ cập rộng rãi nên đòn thế đơn giản.
Trong khi đó, Vịnh Xuân Việt Nam lại giữ được nguyên vẹn những nét độc đáo từ cổ xưa của Vịnh Xuân tại Trung Hoa đại lục.
Tại Hồng Kông, Diệp Vấn cách tân, bỏ đi những bộ chi sao (tay đeo vòng sắt khi thi triển công phu), đánh đơn giản, cứng cáp thì Vịnh Xuân Việt Nam vẫn giữ nguyên bộ chi sao và ra đòn rất uyển chuyển mềm mại.
Thậm chí theo võ sư Chương, ngay đến Trung Hoa đại lục cũng phải “ngưỡng mộ” Vịnh Xuân Việt Nam bởi tại Trung Quốc (nơi sản sinh ra Vịnh Xuân), không ít tuyệt kỹ đến nay đã thất truyền nhưng ở Việt Nam lại vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Sở dĩ vậy là bởi thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xã hội Trung Quốc có nhiều biến động. Không ít võ sư nổi tiếng bị liên lụy.
Thời cuộc xô đẩy khiến Diệp Vấn từng phải trốn sang Hồng Kông. Trước đó, sư huynh của ông là cụ Tế Công cũng sang nước ta lánh nạn và sau này trở thành người sáng lập Vịnh Xuân Việt Nam.
Cũng do bị mai một nên Vịnh Xuân ở Trung Hoa đại lục thậm chí còn phải học tập Vịnh Xuân Việt Nam để khôi phục lại những tinh hoa năm xưa.
Vì vậy võ sư Nguyễn Khắc Chương khẳng định, nếu xét về độ tinh túy, Vịnh Xuân tại Trung Quốc đại lục khó có thể so sánh với Vịnh Xuân Việt Nam.
Võ sư Trần Xuân Đạt – HLV võ thuật cho lực lượng đặc công (học trò của võ sư Nguyễn Khắc Chương) thi triển với mộc nhân.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu Vịnh Xuân Việt Nam với Vịnh Xuân Hồng Kông của Diệp Vấn, đâu mới là đặc sắc nhất? Võ sư Chương lý giải:
“Chuyện văn bàn võ sàn thật khó để so sánh. Vịnh Xuân của Diệp Vấn với Vịnh Xuân Việt Nam cũng vậy. Giống như chuyện con kiến với con cá, nếu xuống nước tất nhiên con cá thắng nhưng lên bờ, con cá sẽ thua.
Vịnh Xuân của Diệp Vấn phổ cập đại chúng nhưng muốn tinh túy phải tập rất lâu, ra đòn thì chú trọng thốn kình, đoản kình, ly thủ trong khi Việt Nam chú trọng nhu quyền, linh giác, bám dính để đánh.
Đòn thế của Vịnh Xuân Việt Nam cũng chú trọng ngắn, uyển chuyển, tùy địch chi biến, dựa vào đòn thế đối phương để vừa bám dính, vừa phản công. Nói chung mỗi chi phái đều có những đặc sắc riêng”.
Đâu là tuyệt kỹ “bá đạo” nhất của Vịnh Xuân Việt Nam?
Theo Chưởng võ phái Y Võ Thiên Phúc, nói về tuyệt kỹ thì giữa Vịnh Xuân Việt Nam và Vịnh Xuân Hồng Kông đều có những nét khá tương đồng nhau.
Trong đó, nét độc đáo nhất của Vịnh Xuân Việt Nam chính là hệ thống công phu, có thể đòn đánh tưởng chừng rất nhẹ nhưng sử dụng nội kình thay vì ngoại kình, có thể tạo ra sức mạnh ghê gớm.
“Vịnh Xuân chú trọng nội khí, thốn kình, một thốn có thể công phá bê tông, một thốn có thể gây ra chấn thương cực nặng, hạ gục đối thủ.
Đơn giản như cách công phá gạch ngói, các môn phái khác phải giơ tay lên dùng lực nhưng Vịnh Xuân chỉ cần xòe tay và nắm tay lại cũng đủ vỡ” – võ sư Chương tiết lộ.
Với những cao thủ sở hữu nội công thâm hậu, đặc biệt là tuyệt kỹ Nhất thốn kình, họ có thể tung ra những miếng đòn cực nặng chỉ với 1 ngón tay trong cự ly đúng 1 thốn (khoảng hơn 1 đốt ngón tay)!.
Vịnh Xuân Việt Nam tập luyện khá nhiều loại binh khí ngoài côn, bát trảm đao...
Còn nói về quyền thuật, Vịnh Xuân Việt Nam tập khuyên thủ là nhiều (tập xoắn tay), từ tiểu khuyên, trung khuyên, đại khuyên, coi trọng đánh đoản kiều, đoản thủ (đánh cự ly ngắn, áp sát).
Điều đặc biệt là do Vịnh Xuân vốn là môn nhu quyền nên muốn trở thành cao thủ phải tập luyện từ nhu đến cương, nhu mà nhuần nhuyễn ắt cương sẽ mạnh.
Muốn cương nhu phối triển thì phải sử dụng lục hợp, gồm ngoại tam hợp (tay hợp chân, chỏ hợp gối, eo hợp vai) và nội tam hợp (tâm hợp ý, ý hợp khí, khí hợp lực) để toàn cơ thể hợp đồng, phát huy tối đa sức mạnh.
“Cái hay của Vịnh Xuân là dùng ít sức nhất nhưng lại đạt hiệu quả cao nhất. Trong chiến đấu, Vịnh Xuân thường hòa với đối phương để đánh đối phương. Vì thế, ưu điểm của Vịnh Xuân là lấy yếu thắng mạnh, lấy tiểu thắng đại, lấy đoản thắng trường.
Trong chiến đấu, Vịnh Xuân còn có Tâm ứng thủ, nghĩa là lấy bám dính làm kín, có thể lấy cảm giác, xúc giác ở trên da mà biết hành động của đối phương để hóa giải" – võ sư Chương tiết lộ.
Trước quan niệm Vịnh Xuân thường không xuất chiêu trước mỗi khi giao đấu, võ sư Nguyễn Khắc Chương đã phủ nhận:
“Đó là chỉ lời đồn. Trong thực tế, Vịnh Xuân thường “tùy địch chi biến”, nghĩa là tùy từng đối thủ và tùy cục diện trận đấu để lựa chọn lúc nào nên đánh trước, lúc nào đánh sau, lúc nào hòa với địch để đánh…”.
Vịnh Xuân Việt Nam có thua võ MMA?
Trước câu hỏi hóc búa này, võ sư Nguyễn Khắc Chương đưa ra quan điểm của mình:
“Nếu đánh trên võ đài thi đấu thể thao, tất nhiên MMA, như các võ sĩ UFC sẽ có lợi thế bởi họ được tập chuyên để thi đấu võ đài và họ vốn dĩ nhỉnh hơn về thể trạng, sức mạnh thể hình, cơ bắp…
Tuy nhiên trong một cuộc đấu tự do ở ngoài đời, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Bởi Vịnh Xuân vốn chú trọng tiểu khuyết, sử dụng bộ đàn chỉ, bộ tễ (sử dụng bàn tay, ngón tay rất nhiều trong tấn công) nên chỉ khi không đeo găng mới phát huy hết được tác dụng, trong khi những chiêu này võ hiện đại không thể có.
Vì thế nếu có một cuộc đấu như vậy, sẽ không dễ để biết được ai mới là người giành chiến thắng”.
Những cao đồ Vịnh Xuân đều rất giỏi y thuật. Trong ảnh, võ sư Nguyễn Khắc Chương điều trị cho một bệnh nhân bị tai biến.
Cũng theo võ sư, các môn võ hiện đại như Muay Thái, boxing, UFC… là những môn thể thao được phổ cập quốc tế nên đòn thế chú trọng đơn giản, phát huy sức mạnh thể hình, cơ bắp.
Trong khi đó, Vịnh Xuân bản chất không phải là môn để thi đấu trên võ đài mà đây là thứ để rèn luyện tinh thần, mang tính triết lý của phương Đông nên nhìn chung không thể đem ra để so sánh.
“Vịnh Xuân có thể tham gia thi đấu tới 80-90 tuổi nhưng MMA thì chỉ có thể thi đấu khi còn trẻ. Vịnh Xuân hướng tới mục đích chiến thắng bản thân trước khi chiến thắng kẻ thù còn MMA thì ngược lại.
Để giỏi MMA thì không cần tập quá công phu và thời gian quá dài nhưng Vịnh Xuân thì ngược lại. Chính vì thế, sự thật là những người đạt tới trình độ đỉnh cao của Vịnh Xuân không phải là nhiều” – võ sư Nguyễn Khắc Chương kết lại.
Đặc công Việt Nam rất coi trọng võ thuật Vịnh Xuân
Có mặt tại võ đường Y Võ Thiên Phúc, võ sư Trần Xuân Đạt – HLV võ thuật thuộc Lữ đoàn đặc công 1- Binh chủng Đặc công đã có những chia sẻ về Vịnh Xuân.
Võ sư Đạt vốn là Chủ nhiệm võ đường môn phái Vũ Long Quyền tại Nam Thăng Long, từng tập võ từ nhỏ và kinh qua rất nhiều môn phái trên thế giới (Teakwondo, Karate, Thiếu Lâm, Boxing, Judo…) nhưng anh quyết định bái võ sư Nguyễn Khắc Chương làm sư phụ để được truyền những tuyệt kỹ Vịnh Xuân.
Võ sư Trần Xuân Đạt chia sẻ: “Mặc dù tập không ít môn phái nhưng Vịnh Xuân là môn võ đặc biệt bởi những tinh hoa mà các phái không thể có được.
Chỉ khi đến với Vịnh Xuân, tôi mới nhận ra rằng đòn đánh bằng lực âm (nội kình) của môn này còn kinh khủng hơn rất nhiều so với lực dương của các môn võ hiện đại.
Chính vì thế, tôi rất say mê tập luyện Vịnh Xuân với mục đích có thể áp dụng kết hợp môn võ này cho lực lượng đặc công Việt Nam”.
(Còn tiếp: Cao thủ Vịnh Xuân VN và lần đo ván “người khổng lồ Tiệp Khắc”)