Một trong số đó – sự quan tâm chu đáo đời sống tinh thần và vật chất của từng người lính, của mỗi sỹ quan. Thêm nữa, sự quan tâm này không phải chỉ bằng các câu khẩu hiệu và những lời phát biểu "có cánh" trên các diễn đàn mà nó được luật hóa và thể hiện qua các việc làm rất cụ thể.
Để làm rõ hơn, xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Giáo sư Zakhar Gelman gửi từ Jerusalem cho báo "Bình luận quân sự độc lập" Nga và được đăng trên báo này ngày 20/1/2017.
Trước tiên, có mấy dòng ngắn về Zakhar Gelman (dĩ nhiên, ông là người Do Thái): Sinh 1947 tại Matxcova. Từ năm 1954 đến 1965, học phổ thống tại Matxcova. Năm 1970, tốt nghiệp Khoa Hóa – Sinh Trường đại học sư phạm quốc gia Matxcova, năm 1976 – tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Trường đại học tổng hợp Matxcova.
Từng dạy phổ thông và đại học tại Nga. Nguyên Chủ nhiệm bộ môn lịch sử khoa học và văn hóa Học viện Do thái, Tổng biên tập tạp chí "Hóa học"(tại Nga). Từ năm 1994, định cư tại Israel. Ảnh và chú thích trong bài là của tác giả.
Nếu người lính luôn cảm nhận được sự hỗ trợ của người thân, họ sẽ trở thành những chiến binh bất khả chiến bại. Ảnh : www.idfblog.com
Trong Quân đội Israel, những quân nhân tại ngũ nhưng không có người ruột thịt trên đất nước Israel được nhận quy chế "binh sỹ đơn thân".
Đại đa số trong số đó là những người mới hồi hương (người Do Thái từ các nước khác về Israel) không có cha mẹ tại Israel. Đôi khi đó còn là những người Israel được gọi nhập ngũ nhưng vì một lý do nào đó mà không liên lạc với gia đình. Hiện nay, trong Quân đội Israel có gần 6.000 người là "binh sỹ đơn thân".
PHỤC VỤ VÀ SINH HOẠT – HAI MẶT CỦA TẤM HUÂN CHƯƠNG
Trong quân đội Israel hiện đang có nhiều chương trình đặc biệt hỗ trợ các "binh sỹ đơn thân": họ nhận được nhiều phụ cấp hơn so với các binh sỹ khác, được trả tiền thuê căn hộ và phòng ở trong các khu ký túc xá quân nhân, được thanh toán tiền đi đường tới nơi cha mẹ sinh sống và thời gian ở cùng cha mẹ trong vòng 2 tuần. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Boris Rozantsev và Katia Rozantseva là hai anh em sinh đôi. Họ hồi hương về Israel theo một chương trình thanh niên 4 năm trước đây từ thành phố Mytish ngoại ô Matxcova. Lúc đó cả hai gần 18 tuổi, đã tốt nghiệp phổ thông tại Nga, và khi về Israel, sau một khóa học tiếng Hebrew (tiếng Do Thái), bắt đầu vào học tại trường cao đẳng.
Katia muốn trở thành y tá, còn anh trai Boris của cô quyết định trở thành một kỹ sư lập trình. Họ phục vụ trong các đơn vị quân đội khác nhau (thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự), nhưng khi cấp trên xét thấy hai anh em đến Israel không có cha mẹ đi cùng nên đã quyết định dưa 2 anh em về công tác tại cùng một dơn vị.
Nếu như một người lính Israel bình thường nhận khoản phụ cấp (sinh hoạt phí) là 720 Shegel một tháng (khoảng 170 đô la), còn tại các đơn vị chiến đấu – 1.370 Shegel, thì người lính đơn thân, nếu phục vụ tại các đơn vị tác chiến, nhận 3.500 Shegel, còn nếu phục vụ trong các đơn vị hậu cần – 2.600.
Do cả hai anh em Boris và Katia đều phục vụ trong đơn vị chiến đấu nên họ nhận khoản phụ cấp là hơn 1.000 đôla một tháng (cho cả hai người).
Quy chế "binh sỹ đơn thân" cho những quân nhân này quyền được hỗ trợ không chỉ khi thuê nhà ở, không phải đóng thuế các khoản thuế và trả tiền điện, mà còn được nhận các phiếu ưu đãi khi mua lương thực, thực phẩm (tức được giảm giá).
Theo luật Israel, quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự cứ sau mỗi 21 ngày tính từ thời điểm được gọi nhập ngũ có ít nhất một ngày đêm được nghỉ ở nhà. Sau 4 tháng tại ngũ, người lính được nghỉ phép một tuần.
Trong toàn bộ thời gian phục vụ trong các đơn vị chiến đấu, người lính Israel có quyền đi nghỉ ở nước ngoài 2 lần, - mỗi lần 14 ngày, còn những quân nhân ở các đơn vị không chiến đầu – thì chỉ được một lần.
Trước khi xuất ngũ, quân nhân hoặc nữ quân nhân có thể được nghỉ phép dài hạn - tùy thuộc vào nơi đóng quân và chức vụ - trong thời gian từ 2 tuần đến 2 tháng.
Cũng không quá khó để giải thích tại sao Quân đội Israel là quan tâm đặc biệt đến sinh hoạt của người lính Israel như vậy. Quân đội Israel không giống với bất cứ một quân đội nào khác trên thế giới.
Nếu như, lấy ví dụ, như trong Quân đội Mỹ thì các quân nhân phục vụ tại các căn cứ, và tại đó họ sống trong các điều các điều kiện gần như là giống nhau, trong khi đó thì trong Quân đội Israel, những người lính nào không phải trực cứ chiều thứ sáu lại được về nhà.
Trước và trong các ngày lễ, phần lớn binh sỹ cũng có mặt tại nhà. Thế thì những người lính đơn thân không có nhà, cũng không có những người thân tại Israel sẽ đi đâu trong những ngày đó? Vấn đề này đã được Quốc gia Israel tính toán rất thấu đáo và những quân nhân Israel không có gia đình có nhiều phương án để lựa chọn.
Ở Israel không có doanh trại quân đội theo cách hiểu thông thường. Mặc dù cũng có cái gì đó giống như doanh trại như có các phòng tại những căn cứ quân sự cho các ca trực thay phiên nhau.
Dĩ nhiên, tại đó cũng có nơi ngủ nghỉ và cả nhà bếp. Trong các cuộc tập trận dài ngày ngoài trời, Quân đội sử dụng lều bạt. Còn trong tất cả các trường hợp còn lại, sinh hoạt của quân nhân Israel cơ bản không khác nhiều với sinh hoạt của những công dân khác.
Thường thì Quân đội Israel thuê một căn hộ 4 phòng cho 6 "binh sỹ đơn thân", mỗi phòng cho 2 quân nhân không có gia đình. Căn phòng còn lại được sử dụng làm phòng khách. Nếu như trong một tòa nhà có nhiều căn hộ được thuê như vậy, có thể gọi đó là khu ký túc xá quân nhân.
Vả cũng không phải tất cả các bậc cha mẹ của "bính sỹ đơn thân" đều có thể giao tiếp với con mình qua Internet. Chính vì thế mà chỉ huy đơn vị mỗi tháng cấp cho các "binh sỹ đơn thân" một thẻ nói chuyện điện thoại quốc tế với thời gian là 30 phút.
Không ít người lính đơn thân tại Israel tận hưởng lòng hiếu khách của Ngôi nhà Benji – một tổ hợp nhà ở được xây dựng để vinh danh Thiếu tá Benjamin Hillman,- người đã hy sinh trong Cuộc chiến tranh Li Băng lần thứ hai.
Quả phụ của ông là Ajala đã đầu tư toàn bộ khoản tiền tiết kiệm của gia đình để thành lập Quỹ mang tên ông. Mục đích hoạt động của Quỹ Benji là đảm bảo nhà ở cho những quân nhân không có gia đình.
Các "binh sỹ đơn thân" cũng có quyền được tự mình thuê nơi ở. Trong trường hợp này Quân đội chỉ trả một phần trong tổng số tiền thuê nhà cho 6 tháng sau đó. Những người lính đơn thân như vậy cũng có thể trông đợi vào sự hỗ trợ của Bộ xây dựng.
Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, khi quyết định tự thuê nhà, "binh sỹ đơn thân" cũng phải có đủ tiền để trả gần một nửa số tiền thuê đó. Gần như toàn bộ những người lính đơn thân thuê căn hộ đều là những người đã kịp thành lập gia đình hoặc ít nhất cũng đã có bạn gái.
Ở ISRAEL, KHÔNG CÓ NGƯỜI LÍNH NÀO LÀ KHÔNG CÓ GIA ĐÌNH.
Tại Quốc gia Do Thái có rất nhiều các tổ chức xã hội giúp đỡ những người lính không có gia đình. Một trong số đó là Trung tâm hỗ trợ các "bính sỹ đơn thân" mang tên Michael Levin, - một người hồi hương từ Mỹ, đã phục vụ trong Tiểu đoàn 890 Bộ đội đổ bộ đường không và đã hy sinh trong Cuộc chiến tranh Li Băng lần thứ hai.
Michael Levin cũng từng là một người lính đơn thân, được gia đình Tsviki Ehud tại Israel nhận làm con nuôi. Trên thực tế, mọi người lính đơn thân Israel, kể cả nam lẫn nữ đều có thể nhận được sự hỗ trợ và che chở của những gia đình Israel thậm chí không hề quen biết. Các gia đình đó có thể nhận họ làm con trai nuôi hoặc con gái nuôi.
Những gia đình muốn nhận con nuôi có thể tìm hiểu qua Quỹ Benjamin, Trung tâm hỗ trợ binh sỹ đơn thân hoặc là qua các tổ chức khác như "Akh Gadol" ("Anh trai") và "Mentor le Haim" ("Thầy giáo suốt cuộc đời").
Quân đội cũng sẵn sàng giới thiệu những cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm hoặc "hướng đạo sinh" từ tổ chức "Anh trai" để kèm cặp những người lính đơn thân mới nhập ngũ có thể gặp nhiều khó khăn khi làm quen với điều kiện sống trong quân ngũ còn mới mẻ đối với anh ta.
Nói đến chuyện này, tôi (Zakhar Gelman) không thể không dẫn ra đây những lời biết ơn từ bức thư của Sheril Azair, nữ công dân Los- Angeles, "mẹ của một nữ binh sỹ đơn thân" được công bố trên trang báo Jerusalem Post mới đây.
Sheril Azair gọi bức thư của mình là "thông điệp cá nhân nhưng có liên quan đến tất cả người Israel". Trong thông điệp của mình, bà mẹ người Mỹ này đã cảm ơn những người Israel đã giúp đỡ con gái Ariela của bà – một nữ binh sỹ đơn thân phục vụ tại Tiểu đoàn "Karakal" ("Chuột chũi thảo nguyên") trong Quân đội Israel.
Trong số những người mà Azair kể tên, không chỉ có các quan chức và các tổ chức, mà cả những con người bình thường tình cờ gặp con gái bà.
Ví dụ, trong bức thư này bà đã cảm ơn một thương nhân trên chợ Jerusalem "Makhana Jeguda" vi ông luôn đón cô bằng một nụ cười và gọi cô là "nữ chỉ huy bé nhỏ", pha cho cô đồ uống đặc biệt và không bao giờ cho phép cô trả tiền.
Người mẹ cũng bày tỏ lòng biết ơn vị khách nào đó tại một khách sạn ở Tel _ Aviv vì sau khi biết con gái bà là nữ binh sỹ đơn thân đã trả tiền bữa trưa cho cô mặc dù cô kiên quyết không nhận.
Bà mẹ cũng không quên cảm ơn cô Giti chỉ huy của Ariela, và như bà viết trong bức thư thì "kể từ khi con gái tôi kết thúc khóa huấn luyện tại căn cứ, Giti đã trở thành người bạn gái thân của con tôi, thường xuyên mời tới nhà và luôn giành cho Ariela sự giúp đỡ tận tình.
Trong phần cuối của bức thư Sheril Azair viết rằng mặc dù rất lo lắng cho con gái yêu của mình, nhưng bà cảm thấy rất nhẹ nhõm khi nghĩ rằng con gái mình đã được bao bọc bởi sự quan tâm và lòng nhân hậu.
Các Kibbutz cũng không đứng ngoài cuộc (Kibbutz - công xã hiện đại kiểu Israel).
Trung tá Quân đội Israel nghỉ hưu Roman Polishuk xuất thân từ Chelianinsk (Nga) đã sống 40 năm ở Israel, trong đó có 25 năm làm việv tại một Kibbutz phía Bắc Israel khi trao đổi với "Bình luận quân sự độc lập" (Nga) đã kể về những binh sỹ đơn thân được kibuttz của ông mời đến sống tại "ngôi nhà ấm áp" do Kibbutz xây dựng.
Vào cuối tuần và vào các kỳ nghỉ phép, không chỉ cso các binh sỹ đơn thân đến từ nhiều nước khác nhau, nhưng ngay cả các cựu chiến binh Quân đội Israel có xuất sứ đa dạng, kể cả người A rập và người Druze có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều có thể đến sống trong ngôi nhà mến khách của Kibuutz này.
Còn David Smaja, vốn là cư dân Paris, năm nay đã 33 tuổi. Anh hơn các bạn đồng ngũ của mình tới 15 tuổi. Hiện nay anh là binh sỹ đơn thân cao tuổi nhất trong Quân đội Israel. Smaja sinh ra trong một gia đình bác sỹ và bản thân cũng đã tốt nghiệp trường đại học y khoa.
Sau khóa huấn luyện cơ bản, trong đó có cả khóa học tiếng Hebrew, Smaja học tiếp một khóa đào tạo bác sỹ quân y và hiện nay đang là bác sỹ - binh sỹ đơn thân trong tiểu đoàn "Shaked" thuộc Lữ đoàn "Givaty" Quân đội Israel.
Đại biểu Knesset (Quốc hội) của Đảng "Ngôi nhà của chúng ta – Israel" Julia Malinovskaia (xuất thân từ Lugansk – Ucraine) đã trình Luật sửa đổi Luật hỗ trợ các binh sỹ đơn thân sau khi họ giải ngũ. Theo dự thảo luật sửa đổi này, các binh sỹ đơn thân sẽ nhận được nhiều hơn các quân nhân xuất ngũ khác 1.000 Sheqel.
Vì trên thực tế, các binh sỹ đơn thân khó thích ứng với cuộc sống dân sự hơn so với những người có hậu phương vững chắc là gia đình và những người thân tại Israel. Sự hỗ trợ tài chính bổ sung này sẽ giúp những người lính giải ngũ không (chưa) có gia đình dễ dàng hơn khi chuyển sang cuộc sống dân sự.
Công ty vận tải đường không hàng đầu "El – Al" và Trung tâm hỗ trợ các binh sỹ đơn thân đang cung cấp cho gia đình các binh sỹ này đến thăm con em mình tại Vùng đất thánh Israel (từ các nước khác) vé máy bay được giảm giá 50% cả chiều đi và chiều về.
BẤT NGỜ TỪ SANT – PETERBURG
Cách đây không lâu, tờ báo Israel tiếng Nga "Vesti" (Tin tức) có tổ chức một cuộc gặp giữa một bà mẹ đến từ Sant – Peterburg (Nga) với con trai mình là binh sỹ Quân đội Israel. Phó Tổng biên tập tạp chí "Optima" – phụ san của Tờ "Vesti" Evghenia Lakhimova đã viết về cuộc gặp này bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao như sau:
Ngày 21/9 trên trang "Vesti" trên Facebook có đăng một đề nghị từ Piter (từ thường dùng ở Nga chỉ Sant – Peterburg –ND) như sau: "Con trai tôi đã sống ở Israel, còn tôi thì chưa. Ngày hôm nay cháu gia nhập Quân đội Israel. Tôi và cả gia đình ở rất xa. Con trai tôi là "binh sỹ đơn thân", tên cháu là Igor Parshkin. Xin hãy chuyển tới cháu lời chúc may mắn!".
Đã có hơn 2.000 ý kiến phản hồi của những người Israel không vô cảm trước đề nghị trên của Irina Parshkina (bà mẹ ở Sant Peterburg). Igor (Parshkin) được mời tới làm khách tại các thành phố ở Israel.
Qua tìm hiểu (chúng tôi) được biết Igor đến Israel theo một chương trình thanh niên và định cư tại khu Ashkelon ở phía Nam Israel. Là một người mới hồi hương, anh có thể không bị gọi nhập ngũ trong 2 năm đầu theo Luật Israel, nhưng đã quyết định không lần lữa trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình trước tổ quốc mới Israel.
Khi Irina (mẹ của Igor) chia sẻ với "Vesti" nguyện vọng được đến Đất Thánh thăm cậu con trai 20 tuổi của mình, tòa soạn "Vesti" đã giành cho bà sự hỗ trợ trực tiếp và cụ thể. Còn những người bạn (của Irina) trên Internet là Igor Klark và Inna Klark đã đến đón Irina ngay tại sân bay và đưa về Irina về nhà mình.
Cũng trong thời gian đó, ban biên tập "Vesti" đã làm việc với chỉ huy của Igor, mời bà đến căn cứ, tổ chức cuộc gặp với con trai nhân ngày sinh nhật của anh ta. Dĩ nhiên, tham gia cuộc gặp này còn có các bạn chiến đấu cùng đơn vị của Igor Parshkin.
Đoạn clip quay cuộc gặp của Irina với con trai trên trang Facebook của "Vesti" đã có 25.000 lượt người xem.
Báo "Vesti" cũng kể về số phận không bình thường của nữ binh sỹ độc thân 24 tuổi Yulia Levin. Cô gái này sinh tại Litva trong gia đình cha là người Do Thái và mẹ là người Litva theo Đạo Thiên chúa. Khi Yulia 16 tuổi, gia đình chuyển đến Anh. Tại Anh, cô đã tốt nghiệp trung học và bắt đầu theo học tại trường đại học tổng hợp.
Yulia kể lại trên "Vesti" như sau: "Nhưng, chỉ sau một lần thăm Quốc gia Do Thái, tôi đã yêu đất nước này và nhận thức được rằng mình chỉ có thể sống được ở đây (Israel)". Yulia hồi hương về Israel vào tháng 7/2014, khi Quân đội Israel đang tiến hành chiến dịch "Vành đai bảo vệ".
Đấy hoàn toàn không phải là khoảng thời gian yên bình! Nhưng cũng chính vì thế mà một thiếu nữ sinh ở Litva, - công dân Anh có cơ hội để hiểu rõ: một người công dân Quốc gia Do Thái chân chính nhất định phải phục vụ trong quân đội (trong Quân đội Israel).
Yulia kể tiếp: "Tôi, một nữ binh sỹ (đơn thân) đã có cha mẹ nuôi tuyệt vời. Cha – một người Do Thái hồi hương từ Nam Phi, còn mẹ sinh ra và lớn lên ngay tại Israel, cha mẹ nuôi có 4 người con rất đáng yêu". Cũng theo lời của Yulia Levin, cha mẹ nuôi của cô cùng với các em thường xuyên đến thăm cô. Các buổi chiều thứ sáu và các ngày lễ, cô thường xuyên được sống trong bầu không khí gia đình ấm áp.
Trong một cuốn tiểu thuyết còn chưa viết xong về Israel của nhà văn Đức nổi tiếng Erich Remark có những dòng sau đây: "Sự cô đơn – đấy là một căn bệnh, rất cay đắng và cực kỳ có hại".
Và nếu như căn bệnh ấy có liên quan đến việc (người lính) không có những người thân, thì nó sẽ làm tê liệt người lính, và lúc ấy thì không thể nói gì về khả năng chiến đấu của người lính đó nữa. Quân đội Israel – Quân đội mạnh nhất ở Trung Đông, không chỉ vì nó mạnh về xe tăng mà còn vì những người lính đơn thân của Quân đội này không bao giờ đơn độc.
Zakhar Gelman gửi từ Jerusalem