Việt Nam: Trọng nam khinh nữ cản trở việc giảm tỉ lệ sinh

Hà Thu |

(Soha.vn) - Thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ là một trong những nguyên nhân cản trở việc giảm tỉ lệ sinh ở Việt Nam.

Công tác dân số trong thời gian qua chỉ tập trung vào giảm tỷ lệ sinh nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Đó là khẳng định của ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) khi bàn về các chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh hiện nay ở Việt Nam.

Ông Trọng cho biết, 50 năm qua, số con trung bình của người phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,39 con (năm 1961) xuống còn 2,05 con (năm 2012). Mức sinh, mức chết và di cư là những nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới tăng trưởng dân số và phát triển, trong đó mức sinh và mức chết có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng tự nhiên của dân số. 


	Ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)

Ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)

Theo các số liệu từ các cuộc điều tra dân số, mức sinh ở Việt Nam đã giảm một cách nhất quán và đã xuống mức sinh thay thế: 2,1% năm 2005 xuống 1,99 năm 2011. Tuy nhiên, kết quả mức giảm sinh như vậy vẫn chưa đạt được theo như mong đợi. Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động.

“Nam giới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình giảm sinh, đối xử bình đẳng giới và giảm bạo lực gia đình. Thói gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ của người Việt Nam là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển bền vững của dân số. Bên cạnh những giải pháp đã và đang áp dụng có hiệu quả với công tác dân số cần giáo dục và quán triệt để thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói gia trưởng ở người đàn ông,…” ông Trọng nói.

Tính chung trong cả nước, tổng tỷ suất sinh hiện nay là 2 con nhưng còn có sự khác nhau rõ rệt giữa các vùng miền. Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ hiện nay mức sinh đã ở quanh mức 1,5-1,6 con. Trong khi đó, những tỉnh còn khó khăn ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ suất sinh còn rất cao, gấp đôi so với các tỉnh khác. Như vậy có sự khác nhau rất rõ rệt về các chỉ số về y tế, dân số giữa các tỉnh, vùng miền…

Bà Mandeep K. O’Brien – Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng cho biết: “ Việt Nam đang trải qua thời kì chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử. Nhóm dân số trẻ đông đảo, nhóm dân số cao tuổi đang tăng cao và mất cân bằng giới tình khi sinh.

Luật dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với sự chuyển đổi nhân khẩu học này, đó là cách tiếp cận hướng tới sự phát triển bền vững và theo nguyên tắc tự nguyện và dựa trên quyền…”

Các chuyên gia đầu ngành của ngành y tế dự đoán, các biến phát triển dân số ngày càng tăng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, truyền thống phát triển mạnh mẽ, chính sách KHHGĐ của Việt Nam đã trải qua hơn nửa thế kỉ, mức sinh sẽ tiếp tục giảm sâu sắc dưới ngưỡng mức sinh thay thế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại