Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh vừa tổ chức tại Hà Nội , ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình cho biết, theo thống kê tại các cơ sở y tế công lập, hàng năm tại Việt Nam vẫn có từ 120.000 đến 130.000 ca nạo phá thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 400 ca nạo phá thai.
Theo ông Tân, tỷ lệ nạo phá thai đã liên tục giảm, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố. Hiện nay tính trung bình trên cả nước có 73 trường hợp phá thai trên tổng số 100 trường hợp trẻ sống.
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam từng có thời gian ở mức 100/100, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì cũng có 100 ca phá thai. Thậm chí ở khu vực thành thị năm 2003, tỷ lệ phá thai lên tới 190%, năm 2006 là 140%.
Năm 1999, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo và xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tại Bệnh viện Từ Dũ có thời kỳ ước tính bình quân có trên 40.000 ca nạo phá thai/năm.
Ông Tân cho biết, trong số những người phá thai thường xuyên thì có 2,4% là trẻ vị thành niên. Những số liệu nghiên cứu riêng rẽ cho thấy tỷ lệ phá thai đối với vị thành niên và thanh niên đang tăng lên.
Tình hình nạo phá thai quá nhiều chính là một trong những nguyên nhân gây tình trạng vô sinh. Phá thai thực sự là một thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản từ nhiều năm qua. Nhưng trong khi tỷ lệ nạo phá thai đã thuyên giảm rõ rệt thì hiện tượng vô sinh do nguyên nhân thứ phát lại tăng ở mức báo động.
Hiện nay ở nhiều bệnh viện phụ sản, hoặc các khoa sản hay phòng khám sản phụ khoa tư nhân, hình ảnh những người phụ nữ, bạn gái ngồi chờ nạo hút thai do có thai ngoài ý muốn là khá quen thuộc.
Đề cập đến vấn đề vô sinh, ông Tân phân tích, hầu hết các nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy, tỷ lệ vô sinh của Việt Nam đang ngày càng tăng lên và đặc biệt tăng lên do yếu tố thứ phát, liên quan đến các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản, các bệnh do phá thai ở vị thành niên và thanh niên.
Các chuyên gia y tế cho hay, biến chứng của phá thai sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề. Những hậu quả đó có thể biểu hiện ngay sau nạo hút hoặc sau này, các biểu hiện có thể là rách, thủng cổ tử cung, băng huyết, sót rau, nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung, chửa ngoài dạ con thậm chí vô sinh.
Ngoài nguyên nhân tình trạng vô sinh cao và tỷ lệ nạo phá thai vẫn lớn, còn do sự phát triển kinh tế, xã hội với tình trạng cạnh tranh trong môi trường sống. Ngoài ra, các giá trị sống của con người cũng thay đổi, nhiều người muốn hưởng thụ cuộc sống, độ tuổi kết hôn muộn hơn, số người sống độc thân cao hơn. Lý do quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của chính sách giảm sinh của nước ta thời gian qua.
Tổng cục trưởng Dân số kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng cho biết, do mức sinh giảm và tuổi thọ tăng cao, cấu trúc dân số của Việt Nam đã và đang thay đổi. Chính vì vậy, bài học từ các quốc gia trong khu vực về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh sẽ rất hữu ích cho Việt Nam.