Việt Nam có thể trị được virus giống SARS

Theo Tiền Phong |

TS.Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu có bệnh nhân nhiễm virus mới này, ngành y tế hoàn toàn có thể chữa được.

Ngày 20-2, TS.Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Coronavirus, một loại virus giống SARS, nhưng có thể điều trị được bệnh này.

Đề phòng virus này gây dịch tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có công lệnh đề nghị tăng cường kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu nhằm phát hiện và cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus mới. Hiện ngành y tế đã có thể xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm để tìm ra loại virus mới. Trong trường hợp các địa phương có mẫu nghi ngờ sẽ gửi về các Viện Vệ sinh Dịch tễ và Viện Pasteur để xét nghiệm.

Ông Dương cho biết thêm, nếu có bệnh nhân nhiễm virus mới này, ngành y tế hoàn toàn có thể chữa được vì đã có phác đồ điều trị, cũng như tập huấn cho cán bộ y tế về cách nhận biết và điều trị cho bệnh nhân.

Việt Nam có đủ khả năng kiểm soát Coronavirus. Ảnh: Xuân Phú

Việt Nam có đủ khả năng kiểm soát Coronavirus. Ảnh: Xuân Phú.

TS.Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết Coronavirus là một họ virrus lớn, được chia làm ba giống khác nhau theo phân loại sinh học.

Mặc dù có nhiều chủng Coronavirus, nhưng cho đến nay người ta chỉ phát hiện được năm chủng Coronavirus gây bệnh ở người, trong đó ba chủng gây bệnh cảm lạnh và hai chủng gây bệnh hô hấp cấp tính nặng, bao gồm SARS Coronavirus năm 2003 và Coronavirus năm 2012 (virus mới).

Ở người, Coronavirus chủ yếu xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và gây bệnh đường hô hấp. Khoảng 30% số người bị cảm lạnh là do virus này.

Hình ảnh một Coronavirrus trên kính hiển vi điện tử được cho là thủ phạm giết sáu người trên thế giới. Ảnh: AP

Hình ảnh một Coronavirrus trên kính hiển vi điện tử được cho là thủ phạm "giết" sáu người trên thế giới. Ảnh: AP.

Triệu chứng cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, đau họng, ho , nhức đầu, sốt, ớn lạnh... Nhiều trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng rõ ràng nhưng vẫn có khả năng truyền virus qua ho, hắt hơi. Hầu hết bệnh nhẹ và tự khỏi. Miễn dịch sau mắc bệnh thường ngắn, do đó thường bị mắc lại và nhiễm các típ virus khác.

Chỉ có hai chủng Coronavirus được phát hiện năm 2003 (SARS coronavirus) và virus mới (xuất hiện lầ đầu tháng 9-2012) gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng gây tử vong cao. Đây là hai loại khác nhau hoàn toàn về mặt di truyền học.

Những trường hợp bệnh nhân nhiễm Coronavirus mới bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (sốt cao, ho, khó thở), kèm theo có suy thận, không có liên quan về mặt dịch tễ học.

TS.Trần Thanh Dương cho biết, mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người của chủng virus mới này nhưng vẫn cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng ở các bệnh viện, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng bất thường, lấy bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện được chủng virus mới;

Cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính bao gồm hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh hô hấp cấp tính; khi có dịch cúm hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại