Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh, rối loạn trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến việc giới trẻ có suy nghĩ và hành vi tự sát trước những sang chấn tâm lý, những cú sốc đầu đời.
Hiện tượng tự tử của giới trẻ được nhìn nhận soi chiếu như thế nào dưới góc độ tâm lý học? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ CK II Dương Đình Phúc – Chủ nhiệm khoa Nội Tâm thần kinh, Bệnh viện 354 về vấn đề này.
Trước những sang chấn tâm lý, những áp lực, cú sốc đầu đời, giới trẻ tìm đến việc tự sát ngày càng nhiều (Ảnh Internet - minh họa)
Trầm cảm ngọn nguồn của tự tử trong giới trẻ
- Thưa bác sĩ! Qua thực tế khám chữa bệnh, xin ông cho biết những đối tượng người trẻ nào thường có ý nghĩ tự sát và dễ đi đến hành vi tự sát hiện nay?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải những sang chấn về mặt tâm lý, những cú sốc trong cuộc sống. Tuy nhiên, với giới trẻ, học sinh THPT và những sinh viên mới bước chân vào giảng đường ĐH là những đối tượng nhạy cảm trước những áp lực của cuộc sống hơn cả, có xu hướng nghĩ đến và thực hiện hành vi tự sát nhiều nhất.
Thực tế cũng cho thấy, số lượng học sinh THPT, sinh viên ĐH tự tử đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
- Đâu là nguyên nhân khiến người trẻ nảy sinh ý nghĩ tìm đến cái chết và thực hiện hành vi tự sát, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Đó là một chuỗi diễn biến tâm lý phực tạp và phức hợp. Có rất nhiều lý do để người trẻ tìm đến với cái chết khi gặp những sang chấn tâm lý, những cú sốc đầu đời nhưng có một số lý do chính yếu như sau: áp lực học tập căng thẳng, sự kì vọng thái quá của gia đình trong khi khả năng bản thân của người trẻ có hạn, những mâu thuẫn trong sinh hoạt, suy nghĩ, nhận thức, tình cảm của người trẻ với gia đình, thầy cô, bạn bè…
Những điều này tạo ra sự căng thẳng kéo dài làm đầu óc mệt mỏi, quá tải với những suy nghĩ chán chường, mình là người vô dụng, chết đi cho rảnh nợ, chết đi cho khỏi khổ sở... Tình trạng căng thẳng kéo dài dẫn đến rối loạn stress. Từ rối loạn stress dẫn đến rối loạn trầm cảm, rối loạn trầm cảm thực sự, trầm cảm điển hình.
Tất cả những rối loạn này nếu không được phát hiện sớm và có kế hoạch can thiệp, điều chỉnh kịp thời bằng chế độ học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý sẽ tiếp tục làm nảy sinh những rối loạn ở mức độ cao hơn, điển hình hơn. Ý tưởng tự sát xuất hiện và hành vi tự sát để kết thúc tất cả những mệt mỏi, chán chường được người trẻ lựa chọn như một phương án tối ưu để giải quyết tất cả những khúc mắc của mình.
Can thiệp trầm cảm sớm để tránh hậu quả khó lường
- Như bác sĩ nói, rối loạn trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát của người trẻ. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nhận biết sớm những dấu hiệu của rối loạn trầm cảm để có những can thiệp kịp thời?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Trầm cảm là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 15-30 tuổi, phụ nữ chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trung bình mỗi năm, bệnh trầm cảm đã cướp đi mạng sống của 850.000 người. Ước tính, có khoảng 3% - 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt.
Rối loạn trầm cảm không khó để nhận biết bởi đó là một dạng bệnh lý của con người. Nó có những biểu hiện bệnh lý lâm sàng nhất định như: trạng thái căng thẳng kéo dài, rối loạn giấc ngủ, rối loạn bữa ăn, rối loạn giao tiếp. Người bị rối loạn trầm cảm thường mất ngủ, ăn ít, lười giao tiếp, sống thu mình, dễ cáu bẳn, khi nào cũng mệt mỏi, cử động chậm chạp, ít chăm sóc bản thân , cảm giác bản thân mình vô dụng, tuyệt vọng, thường xuyên nghĩ đến cái chết…
Những rối loạn này nếu không được tư vấn và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những rối loạn trầm cảm thực sự, rối loạn trầm cảm điển hình và dẫn đến hành vi tự sát.
Bác sĩ CK II Dương Đình Phúc – Chủ nhiệm khoa Nội Tâm thần kinh, Bệnh viện 354
Người thuộc tuýp thần kinh yếu, kém chịu đựng dễ bị trầm cảm
- Thưa bác sĩ. Trầm cảm có nguyên nhân từ đâu? Những đối tượng như thế nào dễ bị trầm cảm?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Trầm cảm có nguyên nhân bệnh lý và tâm lý. Bệnh lý thường xuất hiện ở những người có tuýp thần kinh yếu, kém chịu đựng, những người đang hoặc đã bị mắc các bệnh về loạn thần. Những người trẻ mà ngay từ nhỏ đã có những bệnh lý như tăng động, giảm chú ý, tự kỉ nhẹ, trong gia đình ruột thịt có người mắc bệnh tâm thần,… rất dễ bị rối loạn trầm cảm. Người bệnh có thể xuất hiện ảo thanh ra lệnh. Họ thường nghe văng vẳng bên tai lời xúi giục tìm cách chết.
Khoảng 75% số người tư tử có liên quan đến rối loạn trầm cảm. Áp lực cuộc sống, những cú sốc đầu đời, gia đình bất ổn, áp lực học tập, thi cử, yêu đương hoặc bị ảnh hưởng bởi game online… khiến cho người trẻ hoang mang, lo lắng, tâm lý bất ổn.
Ở độ tuổi này các em chưa có nhiều kỹ năng sống nên dễ bị tổn thương và đối với những sự cố thậm chí là nhỏ nhặt nhất lại được các em coi là sự xúc phạm và cảm thấy bản thân bị tổn thương ghê gớm.
Rối loạn trầm cảm là giai đoạn đầu của các bệnh tâm thần, thần kinh phân liệt… Tất cả đó là một chuỗi diễn biến tâm lý có nảy sinh, phát triển và bùng nổ.
- Bác sĩ suy nghĩ gì về những lý do tự tử rất “lãng xẹt” như “đánh mất quỹ lớp, làm mất sổ đầu bài, bị bố mẹ mắng, tự tử vì bạn rủ tự tử cùng…” mà báo chí đã đăng tải trong thời gian qua?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Thực tế có những câu chuyện tự tử đau lòng như thế. Đó là những hành vi vô cùng dại dột và thiếu hiểu biết của trẻ. Tuy nhiên, đó cũng là kết quả nhãn tiền của việc giáo dục và môi trường sống chưa tốt đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ. Để trẻ phát triển bình thường cần một môi trường gia đình, nhà trường, bạn bè tốt. Một trong những môi trường ấy không tốt sẽ dẫn đến những khiếm khuyết, những bất ổn dễ làm trẻ nhận thức sai trái và hành động sai trái…
Môi trường gia đình là môi trường thường xuyên và có tác động trực tiếp nhất đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Có những gia đình là những môi trường lý tưởng, có những gia đình lại là môi trường giết chết tâm hồn trẻ nhỏ. Môi trường nhà trường, thầy cô, bạn bè cũng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Trên thực tế, không phải người trẻ nào cũng dễ rơi vào những trạng thái tâm lý như thế. Chỉ có những người trẻ không được giáo dục một cách chuẩn mực và có những yếu tố nội sinh thần kinh yếu, kém chịu đựng áp lực mới dễ đánh mất bản thân.
- Thưa bác sĩ, những biến chứng tâm lý trước và sau quá trình tự sát ở giới trẻ là gì?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Tự sát nếu thành công là tình huống xấu nhất và câu chuyện sẽ khép lại với chính bản thân người tự sát. Ám ảnh còn lại dành cho những người thân ở lại. Tự sát không thành công sẽ làm tổn thương sâu sắc thêm về mặt tâm lý cho bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ phải đối diện với áp lực tâm lý từ gia đình, bạn bè, xã hội. Những trường hợp bệnh nhân này cần một quá trình điều trị tích cực, thậm chí là kết hợp dùng thuốc để bệnh nhân thoát ra khỏi những áp lực này nhanh chóng nhất.
Điều trị tích cực về tâm lý. Giải pháp đơn giản nhất là tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân. Trường hợp nặng thì phải dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chấn tĩnh. Sâu hơn khi bệnh nhân vẫn có ý định tự sát phải dùng các biện pháp chuyên ngành sâu hơn.
Người trẻ cần biết tự cứu mình
- Để tránh trầm cảm và tránh những ý nghĩ tự sát, hành vi tự sát, người trẻ cần xây dựng cho mình một thời gian biểu cũng như kế hoạch sống như thế nào cho hợp lí?
Bác sĩ CKII Dương Đình Phúc: Như tôi đã nói, rối loạn trầm cảm, tự sát có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng nó nhạy cảm hơn với độ tuổi dậy thì của thanh thiếu niên.
Để phòng tránh, bản thân giới trẻ phải có kế hoạch học tập, vui chơi phù hợp, vừa sức. Học, nghỉ ngơi, vui chơi, ngủ đủ giấc. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo, đầy đủ chất, đủ các thành phần đạm, gluxit, axit amin,…
Các bậc phụ huynh cần quan tâm, coi con trẻ như một người bạn nhỏ để nắm bắt được những thay đổi còn sơ khai. Cùng con tháo gỡ những khó khăn trong sinh hoạt, học tập các mối quan hệ, tình cảm,… Cần có những kế hoạch điều trị phù hợp, đưa con đến với bác sĩ chuyên khoa khi có những dấu hiệu bất thường.
Đối với nhà trường, các cháu cần một chương trình giáo dục vừa sức, những người thầy cô chuẩn mực. Cần đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong các nhà trường.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!