TP.HCM: Bệnh thủy đậu lây lan mạnh vì chủ quan

Theo CAND |

Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh “trái rạ” đang có xu hướng lây lan tại phía Nam qua con số các trường hợp trẻ nhập Bệnh viện (BV) Nhi đồng I và II TP Hồ Chí Minh.

Căn bệnh tưởng chừng từ lâu đã không còn là mối bận tâm với ngành Y tế vì hầu hết trẻ ở 12 tháng tuổi đã được chích ngừa.

Song, việc bệnh đang rộ lên tại các BV Nhi do nhiều nguyên nhân cần cảnh báo: Không đi khám vì nghĩ rằng tự khỏi, không chích ngừa, hoặc tự điều trị theo cách dân gian sai lầm. Điều mà nhiều người dân còn chưa biết, đó là người lớn nếu đã mắc “trái rạ” không điều trị có thể biến chuyển rất nặng, thường là gây viêm phổi dẫn tới tử vong.

Cả nhà nhập viện vì lấy gốc rạ trị siêu vi trùng “trái rạ”

Trưa 20/3 tại phòng 107, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh, 2 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh trái rạ rất nặng với triệu chứng sốt cao, co giật đang được bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa thăm khám. Nặng nhất là cháu Thái Đức Thy (1 tháng tuổi, ngụ tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) có biến chứng thần kinh. Hiện cháu đã tạm ổn sau hơn 1 tuần được điều trị tích cực với kháng sinh.

Theo chị Huỳnh Thị Hoàng Anh, mẹ cháu, trước thời điểm nhập viện, trong nhà, chị gái của cháu (8 tuổi) có biểu hiện sốt cao, nổi mụn nước đầy mặt và chân tay. Gia đình đều biết là bệnh "trái rạ" nhưng cho rằng tự nó sẽ hết, không đưa đi viện. Chị Hoàng Anh tự ra tiệm mua thuốc tây cho cháu uống, còn bà nội của các cháu lấy gốc rạ ngoài ruộng đem về đun nước cho cháu uống và tắm.

Sau 10 ngày cháu cũng hết bệnh nhưng bắt đầu lây bệnh qua cho con trai lớn của tôi 10 tuổi, sau đó là chính tôi và cháu Thy mới sinh 1 tháng. Lúc này thì chúng tôi sợ quá vội đưa cháu Thy vào BV”.

TP HCM: Bệnh thủy đậu lây lan mạnh vì chủ quan
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang điều trị một bệnh nhi mắc bệnh “trái rạ”.

Theo Bác sĩ Khanh, bệnh “trái rạ” do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian 10 - 20 ngày (thời kỳ ủ bệnh) mới xuất hiện các triệu chứng nhiễm siêu vi như: sốt, đau đầu, uể oải. Tuy nhiên đây là loại virus lây rất dữ.

Khi người mắc bệnh dù chưa có biểu hiện nổi mụn ra trên da đã trở thành tác nhân phát tán virus ra xung quanh qua đường hô hấp, nước bọt - Bác sĩ Khanh nhấn mạnh - Ngoài ra mụn nước nổi trong họng, trong mắt và nổi rất nhanh. Có ca sau 24 giờ đã nổi cả ngàn mụn. Khi trẻ khóc, ho, virus bắn ra xung quanh lây cho cả trẻ khác và cả người lớn chưa chích ngừa.

Nằm cạnh giường cháu Thy là trường hợp cháu Duy (7 tuổi), được đưa từ BV Long An lên. Người mẹ cháu Duy tên Thoa cũng có quan điểm hết sức sai lầm về căn bệnh này vì cho rằng: “Em nghĩ đơn giản ai trong cuộc đời cũng phải 1 lần mắc “trái rạ”. Đã mắc thì sẽ không bao giờ bị nữa nên em không chích ngừa”.

Và chính vì cách hiểu chủ quan này mà trong gia đình của chị Thoa ngoài cháu Duy sau khi mắc bệnh còn tiếp tục lây qua cho bố của cháu này hiện đang phải điều trị tại BV Long An. Đồng thời chị Thoa cũng thừa nhận ngay bên sát vách nhà chị hiện cũng đã có thêm trường hợp người lớn mắc bệnh…

Chích ngừa rồi vẫn có nguy cơ mắc bệnh

Cùng ngày tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng II TP HCM, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa cho biết, bệnh “trái rạ” đang vào mùa tại TP Hồ Chí Minh. Trung bình tại khoa mỗi ngày có khoảng 3- 5 trẻ nhập viện điều trị nội trú. Căn bệnh về cơ bản điều trị đúng cách chỉ cần ngoại trú, 90% bệnh ngưng sau 5 - 7 ngày.

Về lý thuyết, sau chích ngừa “trái rạ” thường giảm được 90% nguy cơ lây nhiễm, nhưng vẫn còn 10% tái mắc bệnh nên không thể chủ quan. Riêng trẻ phải nằm nội trú BV hầu hết rơi vào trường hợp gia đình chủ quan không đưa đi khám, để biến chứng. Và đáng nói hơn là nhiều người tại vùng quê không cách ly cho trẻ nên để tiếp xúc lây qua cho trẻ khác.

Thứ nữa khi mắc lại sai lầm kiêng cữ cho trẻ quá đáng, giữ ấm, không tắm… ngược lại phải giữ trong nhà nhưng ở phòng thoáng, giữ vệ sinh vùng da có mụn nước, đưa đi viện để được dùng thuốc giảm bớt triệu chứng bệnh. Không kiêng cữ ăn mà cần bồi dưỡng nhiều hơn cho trẻ, tăng cường ăn trái cây, uống sữa, để tăng sức đề kháng.

Cũng theo bác sĩ Việt, “trái rạ” có thể gây sốt hoặc không, mụn nước nổi toàn thân, có nhiều kích cỡ và bệnh mắc ở nhiều lứa tuổi. Mụn nước có khi ở họng, đường tiêu hóa gây cho trẻ đi tiêu ra máu. Đây là điểm phân biệt tránh nhầm với mụn nước trong bệnh tay chân miệng. Nếu trẻ sốt trên 2 ngày, mụn nổi đầy da chưa rõ nguyên nhân gì là phải nghĩ ngay tới “trái rạ” và đi BV.

Vì có trường hợp tới ngày thứ 7 mới vào viện thì đã biến chứng vào não. Hay ở trẻ đã có bệnh nền mạn tính nhất (ung thư máu, suy tủy, bạch cầu) khi có thêm bệnh “trái rạ” sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, gần đây qua các trường hợp người lớn mắc trái rạ nhập viện cho thấy đa số thường không đi viện mà điều này là hết sức sai lầm. Người lớn khi mắc thường diễn tiến rất nặng.

Từ đầu năm tới nay, tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM đã tiếp nhận 2 trường hợp người lớn mắc bệnh “trái rạ” biến chứng nặng. Trong đó 1 ca đã tử vong là một bác sĩ...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại