Trước những thông tin trên, nhiều người dân đang rất hoang mang và lo lắng vì hiện nay đa số những người bán giò lụa, giò xào dùng khuôn inox để gói giò vì sự tiện dụng của nó.
Không chỉ những người buôn bán mà nhiều nhà dân vẫn thường tự làm giò ăn hàng ngày hoặc trong những dịp lễ tết bằng loại khuôn này.
Khi làm giò nguyên liệu chính gồm có: thịt, mộc nhĩ, nấm hương, muối tiêu và nhiều loại gia vị khác được trộn lẫn và đưa vào khuôn.
Nếu người làm không cẩn thận, không dùng khuôn giò inox đảm bảo chất lượng và sử dụng lớp lót bên trong để ngăn cách tiếp xúc giữa inox và giò thì các hợp chất bên trong bề mặt của thành khuôn inox sẽ phai ra ngấm vào thức ăn và giò chả.
Inox là một loại thép có chứa hơn 11% Crom, chính vì điều này đã tạo cho inox một lớp màng tự bảo vệ chống lại sự ăn mòn.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường những loại inox tốt hay xấu tùy thuộc vào công thức sản xuất của từng đơn vị. Nếu là loại inox tốt đảm bảo như inox mã 304, 430 thì nó có khả năng chống chịu nhiệt độ và độ bền rất cao.
Nó cũng có khả năng chống ăn mòn, chống rỗ bề mặt...
Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất inox bằng nguồn nguyên liệu phế thải được thu mua về nấu thành dạng thỏi, sau đó cán, dập ép cho ra sản phẩm. Vì thế, nhiều sản phẩm chưa được khử sạch tạp chất, các thành phần không đúng quy chuẩn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.
Thậm chí có nhiều loại inox giả. Chất liệu chính của các sản phẩm này có thể là thép hoặc tôn sắt, mạ ngoài bằng một lớp đồng, niken và crom mỏng hoặc là sắt được xi mạ một lớp crom bên ngoài nên rất khó phát hiện.
Chính vì thế khi sử dụng trong nhà bếp một thời gian ngắn sẽ bị bong tróc lớp xi mạ bên ngoài và sẽ có hiện tượng gỉ sét do bị oxy hóa, cũng như thôi nhiễm sang các sản phẩm khác trong quá trình sử dụng.
Theo hướng dẫn Kỹ sư Phạm Văn Lâm - Viện hóa học, phóng viên đã thử kiểm tra bằng mắt thường loại khuôn bó giò bằng inox được bán tràn lan và rất dễ mua trên thị trường với giá 45-120.000đ/ khuôn.
Kết quả phát hiện, hầu hết những khuôn này đều có màu sáng bạc bóng ở bên ngoài. Khi đưa cục nam châm lại gần thì cục nam châm bị hút rất mạnh và chặt vào khuôn đó. Quan sát trên thân những khuôn inox nhiều khuôn đã bị gỉ sét ở bên cạnh viền, một số chỗ lớp sáng bóng ngoài vỏ đã bị bong ra...
Kết quả quan sát thực tế tại một số cơ sở chế biến giò, chả cho thấy, nhiều loại khuôn bó, ép giò bằng inox cũng như các loại bát, thùng bằng inox thường có vết gỉ sét, ố vàng. Khi ngâm vào chậu nước có nổi lớp váng gỉ trong nước và nước có màu hơi nhờ nhờ ...
Liên quan đến việc sử dụng khuôn inox kém chất lượng để chế biến thực phẩm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? TS. Đoàn Đình Phương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu cho biết: "Hiện nay, đối với các vật liệu mạ inox, để tạo giá thành rẻ hơn nữa, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng.
Các chất mạ thường dùng là kim loại nặng, nếu trong quá trình sử dụng những chất đó thôi ra ngấm vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, gây hại cho sức khoẻ. Thậm chí có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư..."
Theo TS. Phạm Đức Thắng - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có thể phân biệt inox thật và inox mạ bằng độ sáng bóng của vật liệu. Inox mạ thường có độ bóng sáng loáng trong khi inox chuẩn có màu sáng nhờ nhợ.
Người tiêu dùng có thể thử bằng cách sử dụng nam châm. Tùy vào thành phần inox mà các sản phẩm inox chuẩn sẽ không hút hoặc nếu có thì chỉ hút nhẹ, khi kéo ra lực ở tay sẽ rất nhẹ nhàng.
Còn inox mạ sẽ có độ hút mạnh, thậm chí chỉ đưa đến gần đã nghe tiếng "tạch" vì nam châm bị hút vào kim loại. Khi lấy nam châm ra sẽ thấy lực hút ở tay rất mạnh.
Những người có kỹ thuật cũng có thể sử dụng axit nóng khoảng 70 độ để kiểm tra chất lượng inox. Nếu là inox mạ sẽ đen sì, trong khi inox tốt vẫn giữ nguyên màu sắc.
Nhưng để phân biệt và đưa ra kết quả chính xác inox có chất lượng tốt hay không chỉ có cách duy nhất là sử dụng máy móc để phân tích thành phần, TS. Thắng cho biết.