Ngôi nhà của lão y người dân tộc Ba Na nằm khuất sâu trong buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).
Tôi vượt gần 100km đường trường để tìm đến nhà thầy thuốc La Chí Thái trong một buổi sáng mùa đông. Con đường đến buôn Xí Thoại không khó nhưng sương mù phủ dày đặc, che khuất chập chùng núi non và vực sâu hiểm trở.
Qua vài lần hỏi thăm, tôi được mọi người chỉ cho một ông già to khỏe, mái tóc hoa râm đang ngồi dưới hiên nhà với nhiều bó rễ cây. Sau cái bắt tay nồng ấm, ông bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện chữa bệnh cứu người thông qua cuốn sổ dày cộm ghi tên những bệnh nhân đã từng nhờ ông chữa trị.
Già Thái với những loại thuốc quý trên dãy Chư Pan
Thuốc quý trên dãy Chư Pan
Già Thái đi bộ đội tham gia kháng chiến từ năm 1960 - 1975. Nhờ học được những bài thuốc quý chữa bệnh từ cây rừng của cha và bác ruột, ông đã có hơn 10 năm làm y tá tại nhà thương Trúc Bạch (Bệnh viện tỉnh Phú Yên thời chống Mỹ đóng bí mật ở vùng núi cao - PV). Lúc bấy giờ thuốc Tây quá hiếm, anh y tá La Chí Thái đã vận dụng những bài thuốc gia truyền kết hợp với Tây y cùng các y, bác sĩ ở đây chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người.
Đất nước giải phóng, La Chí Thái về lại buôn làng sống bằng nghề lao động và hái thuốc chữa bệnh cho dân. Già Thái kể: “Cách đây 30 năm, buôn Xí Thoại được coi là vùng heo hút, đường sá cách trở, cuộc sống còn lạc hậu. Người dân trong xã bị bệnh thì đến tôi lấy thuốc uống chứ làm gì biết đến bệnh viện với thuốc Tây”.
Thời bấy giờ, ông Thái chữa bệnh làm phước cứu người chứ không hề lấy tiền bạc. Ai nhớ ơn ông thì đem cho con gà, trái bí, bó củi... Mấy chục năm trôi qua, được nhiều người khen ngợi về tài năng và y đức nên tên tuổi ông vang xa. Trong những cuốn “bệnh án” ghi tên hàng ngàn người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến nhờ ông bốc thuốc thì bệnh nhân mắc chứng viêm gan và suy thận là nhiều nhất.
Già Thái ghi chép cẩn thận tên tuổi, địa chỉ, chứng bệnh, thời gian điều trị và cả điện thoại liên lạc của người bệnh. Có người ở trong tỉnh, có người ở tận Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Sài Gòn… Đa số họ đến đây vì đi xét nghiệm máu biết mình bị viêm gan, viêm thận, uống thuốc Tây dài ngày mà bệnh không giảm.
Chỉ nhìn sắc diện, sờ bụng, bấm mạch là già Thái chẩn đoán được bệnh. Phác đồ điều trị 2 căn bệnh này khác nhau nhưng có điểm giống là dùng thuốc tổng hợp nhiều loại rễ cây do chính ông lặn lội đến vùng núi Chư Pan giáp ranh tỉnh Đắk Lắk lấy về. Ông cho biết: “Già rồi nhưng mỗi tháng tôi phải đi núi ít nhất 2 lần để lấy thuốc quý. Còn các loại thuốc bình thường khác, có thể thuê người trong làng lấy rồi trả tiền công cho họ”.
Nỗi lo người nối nghiệp
Thuốc quý sau khi được lấy về, phải vạt nhỏ, phơi khô và chế biến theo công thức gia truyền. Thuốc này rất đắng, thường mỗi bệnh nhân chỉ uống khoảng 10 thang trong 30 ngày sẽ hết bệnh, ai nặng hơn có thể bổ sung 5 thang nữa. Cách pha chế thuốc cũng rất đơn giản. Thuốc được bỏ vào ấm rồi đun sôi. Ngày đầu đun sôi 10 phút, ngày thứ hai đun sôi 20 phút và ngày thứ ba đun sôi 30 phút rồi uống thay nước trắng hàng ngày. Trong thời gian uống thuốc, không được ăn măng tre, trứng và không uống rượu.
Ông Thái khẳng định: “Làm đúng công thức trên là khỏi bệnh”. Minh chứng cho điều này, ông Thái chỉ cho chúng tôi xem hàng loạt bút tích ghi lời cảm ơn của những nhân chứng sống ở khắp các nơi. Những bệnh nhân được già Thái cứu sống thường trở lại hậu tạ bằng cân trà, hoặc túi cá khô hay chai nước mắm… Nổi tiếng thế nhưng già Thái không bắt chẹt bệnh nhân bao giờ.
Hiện tại, mỗi thang thuốc, ông chỉ lấy khoảng 20.000 đồng. Những bệnh nhân nghèo khổ ông không lấy tiền. Nhà của già Thái không rộng nhưng nhiều người ở xa lỡ đường, già cũng cho ở lại và mời cơm nước miễn phí. Chính vì tài năng, đức độ của già mà mỗi ngày có ít nhất vài bệnh nhân tìm đến vùng núi xa xôi này để bốc thuốc.
Xắt nhỏ thuốc phơi khô trước khi chế biến
Ngoài "độc chiêu" chữa viêm gan, suy thận, lão y Ba Na cho biết còn có những bài thuốc quý để chữa bệnh cho phụ nữ sau sinh. Từ thời phụ nữ các dân tộc thiểu số còn đẻ ở chòi, ở suối cho đến nay đẻ ở trạm y tế, bệnh viện thì họ vẫn nhờ ông hái thuốc cho uống. Sau khi sinh 3 ngày, mỗi người đun thuốc uống 2 lần, pha nước tắm 2 lần thì 5 - 6 ngày sau đã có thể ra đồng lao động bình thường mà không mắc các bệnh như sản hậu, huyết trắng, sa tử cung...
Gia đình già Thái là tấm gương văn hóa của làng Xí Thoại. Cha ông là liệt sĩ, hai vợ chồng ông là người có công với Cách mạng. Gia đình già Thái có 3 người con đều thành đạt, công việc ổn định. Đây là niềm hạnh phúc của lão y này.
Tuy nhiên, khi hỏi về việc chọn người nối nghiệp thì già Thái có vẻ lo lắng. Ông cho biết: “Trong 3 người con, anh La Chí Những là người chịu khó học nghề gia truyền, đến giờ đã biết nhiều loại thuốc rừng nhưng lại bận công tác ở cơ quan nhà nước nên không có thời gian ở nhà chữa bệnh. Tôi đã từng chọn một số người trong họ để truyền nghề nhưng đến nay vẫn không có ai làm được. Khi nào còn chưa tìm được người nối nghiệp gia truyền bốc thuốc cứu người thì tôi còn chưa thể yên lòng về với các vị thần linh".