Bà Ngô Thị M. (Hà Nội), 53 tuổi, vào Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chân trái sưng, đau không thể đi được. Trước khi nhập viện gần hai tháng, bà bị tai nạn xe máy và tìm đến một nhà bà lang ở Bắc Giang để trị bệnh.
“Mỗi người đều được bà ấy nắn xương, bó thuốc. Đến lượt tôi bà cũng đổ ít nước vào nắm lá đã được băm nát rồi đắp lên phần chân bị gãy xương, sau đó lấy mấy cái nẹp bằng gióng nứa ốp lên rồi ngoài cùng quấn băng gạc”, bà M. kể.
Được một tuần đắp lá, bà M. về “điều trị” tại nhà theo hướng dẫn của bà lang.
"Về đến nhà tôi thấy càng đau, đầu gối như rời ra, đứng không vững nên người nhà đưa tôi đến bệnh viện khám”, bà M. cho biết.
Bà M. đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức - Ảnh: Ngọc Thắng
Bác sĩ Ngô Văn Toàn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân M. bị gãy xương đùi.
Theo bác sĩ Toàn, xương đùi là xương lớn, nguy hiểm vì có thể gây mất máu nhiều. Các mảnh gãy có thể gây tổn thương đến dây thần kinh, mạch máu lớn, đâm vào phần mềm rất nguy hiểm và đau đớn. Việc trì hoãn điều trị như bệnh nhân M. khiến cho các phần xương gãy sẽ liền lại với nhau nhưng thường sẽ trong tình trạng lệch, vẹo, phần mềm bị co kéo rút lại.
Với tình trạng xương liền lệch, bệnh nhân sẽ phải qua phẫu thuật “phá bỏ” phần bị “lỗi” để sắp xếp, chỉnh xương về vị trí ban đầu, vì vậy cuộc mổ phức tạp hơn và bệnh nhân mất máu nhiều, thậm chí rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Toàn, biến chứng do bó lá khiến bệnh nhân M. phải chịu tàn phế, chức năng không thể bình thường vì chân ngắn hơn, đi lệch trục, khớp bị cứng.
Tương tự, Bệnh viện 103 (Hà Đông) cũng từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Th., 14 tuổi, ở Thanh Trì (Hà Nội), bị tật sau khi bó lá để trị gãy xương.
Trước nhập viện Th. bị sai khớp khuỷu tay trái, gia đình đưa em tới bó lá tại nhà một thầy lang cùng huyện. Sau 1 tháng, khớp tay của Th. liền lại nhưng bị biến dạng: khuỷu tay lồi ra, cánh tay bị vẹo và không thể gấp lại như bình thường.
“Việc đắp lá để điều trị gãy xương có thể khiến phần mềm bị bỏng loét, trợt da, nhiễm trùng, thối thịt, còn xương gãy thường bị liền lệch, cong vẹo ảnh hưởng lớn đến chức năng ban đầu”, bác sĩ Toàn khuyến cáo.
Theo bác sĩ Toàn, các trường hợp liền lệch phải phẫu thuật chỉnh lại nhưng chức năng hầu như không thể phục hồi bình thường, thậm chí tàn tật. Khi bị gãy, chệch xương cần được chụp chiếu, xác định chính xác tình trạng để điều trị đúng.