Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam đã sản xuất được 10/11 loại vacxin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bao gồm: vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt uống, sởi, thương hàn, viêm gan B, lao, viêm não Nhật Bản, tả. Số lượng vacxin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trung bình hàng năm khoảng gần 45 triệu liều.
"Mặc dù là quốc gia vẫn còn nghèo nhưng với việc tự sản xuất được một số loại vacxin đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật. Không những chủ động được nguồn vắcxin phục vụ tiêm chủng trong nước mà Việt Nam còn xuất khẩu vacxin ra nước ngoài" - PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
"Bằng tiêm chủng vacxin, tỷ lệ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm có vacxin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Nhiều bệnh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005 và Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. Tỷ lệ mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng như bệnh ho gà, bạch hầu, sởi đã giảm rõ rệt." - Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết.
Cũng theo ông Bình, so sánh giữ năm 1985 là năm bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng và năm 2009 thì tỷ lệ mắc ho gà đã giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần. Các vacxin dùng trong tiêm chủng được phép lưu hành tại Việt Nam đều đạt yêu cầu về tính an toàn và công hiệu.
Trong năm 2012, duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh, hiện tại không có huyện nào có tỷ lệ uốn ván sơ sinh trên 1/1000 trẻ đẻ sống theo tiêu chuẩn của WTO. Đến hết tháng 11/2012, 100% số huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh.
Hệ thống giám sát bệnh sởi được tăng cường và đạt các tiêu chuẩn giám sát sởi của Tổ chức y tế thế giới. Theo số liệu 11 tháng của năm 2012, cả nước có 1.908 ca nghi sởi, chỉ có 450 trường hợp sởi, trong đó 445 ca chẩn đoán lâm sàng và 5 ca có kết quả xét nghiệm dương tính, đạt tỷ lệ <1/100.000 dân.
"Việt Nam đang tiếp tục khống chế các bệnh bạch hầu, ho gà. Tỷ lệ mắc bạch hầu, ho gà trên 100.000 dân dự kiến đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra" - Ông Bình cho biết.
Bàn về kế hoạch sắp tới, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với JICA Nhật Bản để sản xuất vacxin phòng bệnh sởi, rubella, tiến tới khống chế hoàn toàn dịch sởi và rubella. Ngoài tự chủ được vắcxin trong chương trình TCMR, vacxin H5N1 phòng cúm gia cầm trên người cũng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi đi vào sử dụng đại trà.
Hiện Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, tiến tới loại trừ bệnh sởi và rubella, giảm cơ bản kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm gan B.