Giáo sư Kenji Osafune và các cộng sự tại Trung tâm ứng dụng và nghiên cứu tế bào gốc iPS của trường đại học Kyoto (Nhật Bản), lần đầu nuôi cấy thành công mô thận từ tế bào gốc đa năng – một loại tế bào có khả năng tự phát triển thành các tế bào của tất cả các bộ phận của cơ thể sống.
Bằng cách thêm một số chất vào các tế bào gốcc iPS, nhóm nghiên cứu đã tạo thành công các mô trung bì – thành phần chủ yếu cấu tạo nên mô thận. Sau 11 ngày nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, tỷ lệ tế bào gốc iPS chuyển hóa thành mô trung bì lên tới hơn 90%.
Sau đó, các nhà khoa học nuôi cấy mô trung bì với các tế bào thận được lấy từ bào thai chuột để tạo ra một phần của ống niệu đạo. Giáo sư Osafune cho biết nếu phần niệu đạo được tạo ra từ tế bào gốc hoạt động bình thường, nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục tạo ra các mô thận khác.
Nghiên cứu này là bước đầu tiên để tiến tới cấy ghép mô thận được tạo ra từ tế bào gốc vào cơ thể những người mắc bệnh thận.
Thận có cấu tạo rất phức tạp và khi bị tổn thương rất khó phục hồi. Điều này khiến nhiều người mắc bệnh thận buộc phải chạy thẩm tách suốt đời nếu không được ghép thận từ người khác.