Theo dược học cổ truyền, lá ổi có vị đắng sáp, tính ấm, công dụng tiêu thũng, giải độc, cầm máu. Đặc biệt, lá ổi chứa tinh dầu, trong đó có alpha-limonen, beta-sitosterol, axit maslinic, axit guajavalic.
Trong lá ổi non và búp ổi còn có 7 - 10% tanin, khoảng 3% nhựa.Lá ổi được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy có kết quả tốt do có chứa nhiều tanin, giúp làm săn niêm mạc ruột, giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột đồng thời còn có tác dụng kháng khuẩn.
Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa tiết tả (đi lỏng), cửu lỵ (lỵ mạn tính), viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, sang thương xuất huyết, tiêu khát (đái tháo đường), băng huyết.
Chữa tiêu chảy: Dùng búp ổi hoặc lá ổi non 12 - 20g (sao sơ), gừng nướng 10g hoặc củ riềng khô 10 - 12g, vỏ quýt khô 10 - 12g. Cho các vị vào ấm, sắc với 500ml nước, còn lấy 200ml, chia làm hai lần uống trong ngày trước bữa ăn. Có thể thêm đường cho dễ uống. Bài thuốc này dùng chữa các trường hợp tiêu chảy thông thường, nhất là tiêu chảy do lạnh kết quả rất tốt.
Chữa viêm dạ dày - ruột cấp tính: Lá ổi non 30g, cắt nhỏ, sao chung với một nắm gạo, sau đó cho 500ml nước vào, sắc còn 200ml, lọc lấy nước chia làm hai lần uống trong ngày vào lúc bụng đói.
Chữa bệnh zona (thường được gọi nôm na là giời leo): Lấy 100g búp ổi non rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g. Cho tất cả vào cối sạch giã nhỏ, thêm ít nước sạch vào trộn đều. Dùng nước thuốc này bôi lên chỗ đau.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Y dược Krupanidhi (Ấn Độ) phát hiện ra rằng, chất bột chiết xuất từ lá ổi có thể bảo vệ gan khỏi các tổn hại. Thử nghiệm trên loài chuột cho thấy, những con chuột được cho ăn chất bột chiết xuất từ lá ổi đã tránh được nguy cơ tổn thương ở gan do hóa chất gây ra, trong khi những con chuột không dùng thì gan bị hư hại nặng.
Giới chuyên gia tin rằng, các chất chống oxy hóa có trong lá ổi đã phát huy công dụng ngăn ngừa bệnh. Ngoài ra, nước sắc từ lá ổi có thể chữa chứng vàng da trong 3 ngày.
Theo TS Phạm Xuân
Khoa học và Đời sống