Ở vùng nông thôn, người ta dùng lá kinh giới vò nát để đắp các vết cắn, vết thương, hoặc giã vắt lấy nước uống chữa ho, thông cổ, tan đờm và ngăn ngừa cảm cúm, viêm phế quản mãn tính, viêm đường hô hấp, thậm chí kinh giới có tác dụng tốt đối với bệnh hen suyễn.
Tính kháng viêm cao
Theo nghiên cứu của Đại học Bonn (Đức) và ETH của Zurich (Thụy Sĩ) thì hoạt chất chính yếu trong tinh dầu kinh giới là bêta-caryophyllen (E-BCP) có tác dụng đối với các trường hợp viêm nhiễm nặng ở khớp tay chân kèm theo hiện tượng sưng tấy, có thể ức chế viêm nhiễm đối với bệnh loãng xương và xơ vữa động mạch. Ưu điểm của bêta-caryophyllen trong kinh giới là không gây ngộ độc.
Sử dụng và bảo quản
- Để nguyên cây gói lại trong giấy hút ẩm, cho vào bên trong bao nhựa và để vào hộc rau quả tủ lạnh. Hương vị có thể giữ lại khoảng một tuần.
- Rửa sạch nguyên cây, để ráo nước, cho vào bao ni lông và đem đông lạnh. Mỗi lần sử dụng chỉ cần bẻ vài lá.
- Treo nguyên bó nơi khô thoáng và không ánh sáng khoảng 15 ngày, sau đó cho vào hũ thủy tinh dùng dần.
Kinh giới hợp với các thực đơn miền biển, các món có cà chua, phô mai tươi, dầu ô liu, xúc xích, trứng hay góp làm nhân các món nhồi...
Cho một nhánh kinh giới vào dầu ăn sẽ làm tăng hương vị khi chế biến (ảnh) các món salad. Rau kinh giới cũng được dùng để ướp cùng với các gia vị vào thịt, cá, hải sản giúp đánh tan mùi tanh.
Dùng trong trị liệu
Muốn xoa dịu cơn ho, cho một nhúm kinh giới khô vào tách nước nóng và xông mũi mỗi ngày ba lần.
Hỗ trợ tiêu hóa, chướng hơi: cho một nhúm kinh giới bột vào nước sôi để làm nước uống sau mỗi bữa ăn.
Xoa dịu đau khớp: giã kinh giới và đắp bó lên vùng bị đau.
Massage với tinh dầu kinh giới giúp trấn tĩnh, thư giãn và cân bằng toàn thân.
Theo Minh Quân
Thanh Niên