Đẹp chưa thấy, đã thấy… đau
Chỉ cần lên mạng, tra Google với từ khóa “kính áp tròng”, bạn sẽ thấy hiện lên vô vàn địa chỉ chào bán với đủ loại (Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Ý…) và đủ giá cả (giá phổ biến từ 200-300.000 đồng/cặp). Thậm chí, một công ty kính mắt của Thái Lan mới đây quảng cáo cặp kính áp tròng màu thời trang 1 ngày 4 màu mang nhãn hiệu Maxim chỉ với giá 55.000 đồng/cặp. Ngoài ra, Cty này còn cho ra đời dòng sản phẩm Maxim colors, thời hạn sử dụng 3 tháng với 8 màu sắc thời trang.
Theo những cư dân “sành” kính cho biết, kính áp tròng màu thời trang được bán nhan nhản trên khắp các phố phường của Hà Nội, nhiều nhất là ở phố Lương Văn Can, Bà Triệu, Trần Nhân Tông… Chỉ cần vào bất kỳ quầy kính thuốc nào, bạn sẽ được đưa cho xem một cuốn catalogue giới thiệu hàng trăm kiểu kính áp tròng với đủ màu sắc rực rỡ: tím, xanh lá cây, nâu, đỏ, nâu đen… và đặc biệt nhất là những mắt kính với kiểu dáng kỳ lạ: Hình trái tim, mặt trời, viên đạn…, rồi kỳ quái là những cặp kính áp tròng mang hình mắt quỷ, mạng nhện… với đủ màu sắc.
Chưa biết đẹp như thế nào, nhưng các “thượng đế” không thể ngờ rằng biết bao hiểm nguy đang chờ đợi mình.
V. sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội là một dân chơi có tiếng, để thể hiện đẳng cấp và vẻ đẹp của mình, V. không tiếc tiền, bỏ thời gian và công sức đi lùng khắp các cửa hàng kính thuốc trên địa bàn Hà Nội để tìm cho mình những mẫu kính áp tròng thời trang nhất, với đủ loại, màu sắc và hình thù. Có được bộ sưu tập kính áp tròng màu rồi, mỗi ngày V. thay một màu mắt và kiểu dáng cho hợp với màu tóc, quần áo và địa điểm đến.
Nhưng chỉ chưa đầy 3 tuần làm bạn với kính thời trang áp tròng, V đã thấy mắt mình cặm cặm, ngứa ngáy và chảy rất nhiều nước mắt kèm theo dử. Không thể chịu nổi, cậu đã phải đến Bệnh viện Mắt TƯ khám.
Tại đây, chàng trai sành điệu của được bác sĩ chẩn đoán bị tổn thương giác mạc do tác động quá mạnh và nhiều lần của các loại kính áp tròng. Không chỉ tốn kém vì phải điều trị một thời gian khá dài với rất nhiều loại thuốc, việc học tập của V. bị ảnh hưởng rất nhiều.
Và hậu quả nặng nề nhất mà cậu phải gánh chịu là thị lực của đôi mắt đã giảm đáng kể. Trong thời gian chờ khám điều trị tại bệnh viện, V. mới biết có không ít bạn trẻ cũng có chung hoàn cảnh với mình.
Kính “ăn” giác mạc- chuyện khó tin…có thật
Mới đây, một tờ báo nước ngoài còn đăng tin về trường hợp của Ashley Hyde, 18 tuổi đến từ Pembroke Pines, Florida, Mỹ. Hyde đến viện khám trong tình trạng mắt bị mờ, đau nhức nhối và rất nhiều dịch chảy. Sau khi khám và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ra mắt của Hyde bị nhiễm loại kí sinh trùng Acanthamoeba có thể gây mù mắt.
Acanthamoeba là một ký sinh trùng đơn bào nhỏ bé, được tìm thấy trong nước máy, bụi bẩn, nước biển, hồ bơi và cả vòi hoa sen. Nó sinh sống nhờ các vi khuẩn trên kính áp tròng, khi kính được đặt vào mắt, các vi khuẩn bắt đầu ăn qua giác mạc - lớp ngoài của nhãn cầu.
Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ phải cấy ghép giác mạc, cũng may Hyde đã đến khám và điều trị kịp thời nhưng phải trải qua nhiều tháng điều trị mắt trái của cô mới dần hồi phục.
Trước đó, vào tháng 2/2013, Cô Jacqueline Stone, 42 tuổi đã bị khoét bỏ mắt trái, 17 tuần nằm viện sau khi đeo kính áp tròng.
Theo BS. Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TƯ - kính áp tròng hay còn gọi là kính tiếp xúc (contac lens) là phương tiện điều trị nhãn khoa, thường dùng để điều trị tật khúc xạ các loại như cận thị, viễn thị, loạn thị; điều trị một số bệnh lý đặc thù của giác mạc... ; còn mục đích thay đổi màu mắt hay làm giãn nở con ngươi không phải là chỉ định y khoa.
Kính chuẩn là kính được thiết kế để trùng khít và tiếp xúc trực tiếp lên lòng đen, không gây kích ứng, vô trùng, không tích điện... Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các loại kính tiếp xúc tốt thường do các tập đoàn lớn về y tế sản xuất, có xuất sứ rõ ràng, cam kết về tiêu chuẩn và bảo hiểm đáng tin cậy như Jonhson &Jonhson, Bauch&Lomb, Novatis... Còn các loại kính thời trang đang được bán hiện nay không phải kính y tế, không do các Cty lớn và uy tín sản xuất, thường là hàng xách tay hoặc không rõ xuất xứ.