Hoại tử, cụt tay... vì đắp thuốc nam chữa bỏng

thuhoe |

Không ít bệnh nhân bỏng tử vong vì kem đáng răng, mỡ trăn, dầu cá, vôi bột, nước mắm, thuốc nam…

Mất mạng vì trị bỏng bằng kinh nghiệm dân gian

Tại khoa Bỏng nhi – Viện Bỏng Quốc gia, PV được các bác sỹ kể lại rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh” thậm chí mất mạng chỉ vì sơ cứu vết thương bỏng không đúng cách và chữa trị vết bỏng tại nhà tùy tiện bằng các kinh nghiệm dân gian và đông y.

Bệnh nhân Nguyễn Thanh Sơn (quên Hà Tĩnh) bị cả phích nước nóng đổ vào người. Thấy con khóc thét lên, người mẹ vội vàng ôm lấy con chạy xuống bếp làm công tác sơ cứu hạ nhiệt vết bỏng cho con. Thay vì xối nước lã sạch để hạ nhiệt vết bỏng, người mẹ vội vàng lấy nước mắm và bột bôi, rắc lên vùng da bị bỏng của con. Kết quả là bệnh nhân đã tử vong ngay sau khi nhập viện do sốc bỏng quá nặng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Đức M, 23 tuổi ở Thanh Hóa. M bị bỏng tia lửa điện khi đang làm việc. Trong lúc sơ cứu, người nhà đã dùng kem đánh răng và mỡ trăn để hạ nhiệt vết bỏng và không nhập viện điều trị ngay sau đó. Cũng như những trường hợp bệnh nhân nêu trên, M nhập viện điều trị trong tình trạng vết thương bị hoại tử, biến chứng rất nặng nề. Hiện tại, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ hoại tử, cấy ghép da tự thân, thể trạng còn rất yếu. Để xuất viện, bệnh nhân cần phải trải qua từ 3-4 cuộc phẫu thuật nữa.

Mới đây là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Ngọc T, 31 tuổi ở Mỹ Đức – Hà Nội đã mất đi toàn bộ bàn tay phải chỉ vì đắp thuốc gia truyền chữa bỏng.

Sơ cứu bỏng sai, điều trị vết thương bỏng bằng thuốc nam để lại những hậu quả khôn lường. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân bị bỏng điện toàn bộ bàn tay phải nhưng không nhập viện điều trị vì sợ tốn kém. Anh T chọn cách điều trị đắp thuốc gia truyền của một thầy lang cùng xóm. Sau hơn 10 ngày đắp thuốc, vết bỏng không có bất cứ dấu hiệu chuyển biến nào, anh T mới quyết định nhập viện điều trị.

Khi nhập Viện Bỏng Quốc gia, bệnh nhân ở trong tình trạng toàn thân nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, toàn bộ bàn tay bị hoại tử, các ngón tay teo tóp, phía ngoài bao bọc bởi một lớp màng cứng chắc. Các bác sỹ đã phải tiến hành giải pháp cuối cùng mà không ai mong muốn là tháo khớp cổ tay để cứu bệnh nhân.

2/3 số bệnh nhân nhập viện sơ cứu sai, điều trị không đúng cách

Theo đại tá PGS. TS. Nguyễn Gia Tiến – Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, có đến 2/3 số bệnh nhân bị bỏng được sơ cứu, xử lý, điều trị sai dẫn đến những biến chứng vô cùng nặng và nguy hiểm trước khi nhập viện. Hầu hết những bệnh nhân nếu có cứu chữa được vẫn mang theo những di chứng bỏng rất nặng nề và ám ảnh đến suốt cuộc đời.

Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Hải An - Khoa Hồi sức Cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia cũng cho biết: “Việc tùy tiện chữa vết thương bỏng bằng cách bôi đủ thứ dẫn theo kinh nghiệm dân gian như: Kem đánh răng, mỡ trăn, dầu cá, nước mắm, nước cà muối, lòng đỏ trứng gà, nhựa chuối, bùn ao, vôi bột, lá khoai nước,… có trường hợp sát cả muối hột vào vết bỏng đã khiến không ít bệnh nhân buộc phải nhập viện với chi phí điều trị tăng cao và chịu những biến chứng nặng nề, thậm chí bị tử vong khi vừa chạm cổng bệnh viện…

Bác sỹ An giải thích: “Khi bôi kem đánh răng, mỡ trăn, dầu cá lên vết thương bỏng sẽ có cảm giác vết bỏng đỡ rát, nhưng thực tế lại không có tác dụng hạ nhiệt cho vết bỏng. Kem đánh răng có chất kiềm sẽ làm vết bỏng nặng, sâu hơn. Nếu bôi kem đánh răng, vô tình bệnh nhân lại bị bỏng kiềm thêm một lần nữa.

Mỡ trăn là mỡ động vật có thể gây nhiễm trùng và hoại tử với vết bỏng hở. Còn dầu cá lại có tác dụng giữ nhiệt, nhiệt không thoát ra ngoài được, vết bỏng càng có nguy cơ sâu hơn.

Đối với các chất khác như nước mắm, dấm, lòng đỏ trứng khi bôi vào vết bỏng sẽ không đảm bảo được vô trùng, không có tác dụng kháng khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng là rất lớn. Khi đó, việc điều trị sẽ càng phức tạp và nguy hiểm hơn, thậm chí khiến người bệnh tử vong do sốc.

Cũng theo thạc sỹ Nguyễn Hải An, sơ cứu vội vàng, không đúng cách, điều trị sai là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị sốc nặng hoặc để lại những di chứng bỏng nặng nề.

Cách sơ cứu tốt nhất là ngâm, dội nước lã sạch để hạ nhiệt độ ngay tức thì và chống rối loạn vi tuần hoàn tại chỗ. Sau khi ngâm nước, tiến hành băng ép nhẹ để giảm đau rát và chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Việc ngâm nước và băng ép sẽ có tác dụng giảm đau, chống sốc cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế càng nhanh càng tốt để được điều trị…”, thạc sỹ Nguyễn Hải An khuyến cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại